Tâm thanh tịnh tại 5 ngôi chùa nổi tiếng ở Cần Thơ

Đến viếng thăm chùa, các nơi thờ cúng tín ngưỡng là cách để chúng ta gạt bỏ những lo toan, phiền muộn của cuộc sống ngoài kia, để tĩnh tâm mình đôi phút.

6033

Cần Thơ – thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, nơi có sự hội tụ của nhiều nét văn hóa lâu đời, từ các lễ hội cho đến các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cho nên du lịch Cần Thơ ngày càng phát triển mạnh. Là một trong những thành phố có nhiều chùa chiền ở miền Tây, có thể nói đã đi Cần Thơ thì nhất định phải tịnh tâm tại một vài ngôi chùa linh thiêng.

Xét về mặt kiến trúc liên quan đến tôn giáo, ở Cần Thơ có rất nhiều ngôi chùa đẹp ấn tượng, cổ kính và độc đáo. Cùng Chudu24 điểm qua 5 ngôi chùa dưới đây.

1.Chùa Nam Nhã

Chùa Nam Nhã thuộc ấp Bình Nhật, xã Long Tuyền (nay thuộc phường An Thới thành phố Cần Thơ), phía trước chùa là dòng sông Bình Thủy in hình những bóng cây đại thụ, đối diện là đình Long Tuyền uy nghi đồ sộ. Phía đông là cồn Sơn ví như trái châu của suối Rồng (Long Tuyền) và cồn Bình Thủy ví như lưỡi rồng, nằm giữa dòng sông Hậu cuồn cuộn chảy theo những lớp sóng bạc đầu.

Chùa được xây cất trên một khoảnh đất hàng chục mẫu, cổng chùa xây bằng gạch cổ, lợp ngói ta, vững chãi bề thế. Sân chùa được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy; giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2m được đặt trong một bồn nước trong xanh xây bằng gạch tầu đỏ sậm, trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, tuổi ngót 100 năm được cắt uốn rất công phu.

Chính diện là một ngôi nhà lớn 5 gian, xây theo lối vòng cung, mỗi gian được 4 cột xi-măng chống đỡ với 3 vòm bán nguyệt. Các họa tiết hoa văn trang trí ở đây đều được tô đắp rất công phu tỉ mỉ làm tăng vẻ mỹ lệ của gian chính diện. Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách quý. Bên phải và bên trái chùa là 2 dãy nhà lợp ngói gọi là Đông Lan đường (còn gọi là Cần đạo đường) dùng cho nam giới và Tây Lan đường (còn gọi là Khôn đạo đường) dùng cho nữ giới ăn thông với nhà bếp. Sau chùa là cả một vườn cây ăn trái, xanh tốt quanh năm, mùa nào quả ấy, tiêu biểu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

du lịch cần thơ
@myl_truong
@sam749602

Chùa chủ trương ăn chay, nhưng không cạo đầu, không mặc nâu sồng, ai mặc quần áo gì cũng được miễn là trang nghiêm và kín đáo. Chùa chỉ có một cái chuông để thỉnh báo cho thiện nam tín nữ trước khi lễ. Chùa tập trung vào tu dưỡng tâm tính con người, lấy sản xuất, tự lực tự cường để tồn tại và phát triển. Ngày nay, chùa Nam Nhã vẫn duy trì được lối sống giản dị đó, du khách đến chùa bất kỳ lúc nào cũng thấy một không khí làm việc tấp nập trong sự yên tĩnh đặc biệt.

2.Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại trong khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 15km.

Phần chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách thời vua triều Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời nhà Lý. Lầu chuông, lầu trống được xây dựng theo tháp chuông Chùa Keo ở Thái Bình.

Dọc hai bên lối vào chính điện là những bức tượng điêu khắc được trạm trổ công phu, tỉ mỉ của hình ảnh 18 vị la hán. Chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nặng đến 3,5 tấn.

Khuôn viên Thiền viện được bài trí cân đối và hài hòa giữa các điện thờ Phật, chùa Một cột, hồ sen… tạo nên một khung cảnh tĩnh mịch, thư thái cho những ai muốn dạo bước tham quan.

@mirise2210
@ngoc.yuna
@_mitien_

3.Chùa Hội Linh

Chùa Hội Linh, hay còn được gọi là Hội Linh Cổ Tự. Ngôi chùa được bao bọc bởi các bức tường hình vòng cung kiên cố. Sau khi bước qua cổng chính, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng ao sen rộng mát ở giữa sân chùa, cùng với hai hàng liễu cạnh bên đong đưa trong gió. Nơi đây tạo cho các Phật Tử ghé thăm cảm giác yên bình, thanh thản ở nơi thờ cúng, tín ngưỡng linh thiêng.

Giữa chánh điện rộng lớn thờ Phật A Di Đà Tam Tôn. Các khung lam sơn son thếp vàng được chạm trổ hoa văn rất độc đáo. Thêm vào đó là các hoa văn chạm khắc nổi trên bề mặt các cột chống đỡ ngôi chùa vô cùng tinh xảo. Mọi khung cảnh nơi đây đều toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, tôn nghiêm của ngôi chùa.

Đến viếng thăm những ngôi chùa này sẽ giúp bạn gạt bỏ mọi lo toan, phiền muộn của cuộc sống, để tâm mình tĩnh lại đôi phút.

Ảnh: Sưu tầm
Ảnh: Sưu tầm

4.Chùa Ông

Chùa Ông (Cần Thơ), tên gốc là Quảng Triệu Hội Quán tọa lạc tại số 32 đường Hai Bà Trưng, thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Đây là một ngôi chùa của người Hoa gốc Quảng Đông tại Cần Thơ, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia kể từ năm 1993.

Chùa Ông là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của người Hoa tại Cần Thơ. Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng những hàng ngói ống men xanh thẫm, trên bờ nóc có vô số hình nhân đủ màu bằng gốm sứ, lưỡng long chầu nguyệt, cá hoá long, chim phụng. Ở hai đầu đao là hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng. Ngôi chùa thờ Quan Công một vị tướng thời Tam Quốc chính vì tấm gương về lòng trung nghĩa của ông. Ngoài ra ngôi chùa còn thờ các vị Quan Âm Nam Hải, Thái Bạch tinh quân, Thổ Địa, Đổng Vĩnh…

Ảnh: Sưu tầm
@hugocarlton
@truonghiens

5. Chùa Munir Ansay

Munir Ansay là tên một ngôi chùa của người Khmer nằm tọa lạc ở 36 Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (đối diện chùa Phật Học). Chùa Munir Ansay được xây dựng từ năm 1948 với những vật liệu thô sơ ban đầu như tre, nứa,…Sau bao lần được trùng tu, nâng cấp, ngôi chùa này hiện nay mang nét kiến trúc rất độc đáo và hấp dẫn.
Cổng chùa được xây theo kiểu tháp Tam Bảo, tạo nên sự uy nghiêm. Bước vào cổng chùa là một khoảng sân rộng, khoáng đãng. Dọc theo lối đi hai bên đường là các dãy phòng thờ các vị thần, Phật. Ở chánh điện là Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các vị Phật khác. Màu sắc chủ đạo của chùa Munir Ansay là màu vàng sặc sỡ, giống như đa số các ngôi chùa khác của người Khmer. Các cột nhà, bức tường đều được chạm trổ hoa văn rất tinh xảo, đặc trưng của người Khmer. Điều đặc biệt hơn cả là nếu du khách đến vào dịp các ngày lễ như Cholchonam Thomay – tết năm mới (ngày 13, 14, 15 tháng 3 âm lịch), Ok-om-Book – lễ đưa nước (tháng 10 âm lịch), du khách sẽ được tham gia các lễ hội trò chơi dân gian ở đây.

Ảnh: Sưu tầm
Ảnh: Sưu tầm

“Lang thang trong cõi Ta Bà/ Tây Thiên là chốn quê nhà xa xăm” (Phật tử Thanh Bình). Đến viếng thăm chùa, các nơi thờ cúng tín ngưỡng là cách để chúng ta gạt bỏ những lo toan, phiền muộn của cuộc sống ngoài kia, để tĩnh tâm mình đôi phút. Bên cạnh có ý nghĩa về mặt tâm linh, tôn giáo, chúng ta còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, tinh hoa của Phật giáo. Hi vọng bài viết trên đây sẽ là nguồn tham khảo cho các du khách gần xa, cũng như người dân Cần Thơ tìm hiểu về những ngôi chùa cổ kính, có nét kiến trúc độc đáo ở nơi đây.