Có cái văn hóa gọi là “check-in đóng dấu” mà khi đi du lịch Đài Loan bạn mới trải nghiệm được. Nét văn hóa độc lạ này khiến cho du khách đến đây vô cùng thích thú nhưng không phải ai cũng biết đến đâu nhé!
Văn hoá đóng dấu (stamp) và sticker
Trong một lần đến Cố Cung (Bảo tàng Quốc Gia Đài Loan), lúc mua vé mình được người ta phát cho một tờ A4, bìa cứng mà ở trên đó họ in những ô vuông nhỏ ghi thông tin những điểm, những phòng trưng bày mình sẽ ghé qua. Trong những ô vuông đó, hình ảnh những con dấu được in mờ mờ với những hình thù rất dễ thương.
Có lẽ, họ muốn mình tìm được đúng đến phòng trưng bày, tìm đúng con dấu để đóng vào. Điều này khiến ai nấy đều rất hào hứng để có thể kiếm đủ dấu cho cả tờ A4. Hì hì. Rồi theo chỉ dẫn, mình cũng lần lượt đóng dấu. Những con dấu được chạm khắc hình thù rất đẹp, rất ấn tượng.
Mình nghĩ rằng, có thể do ảnh hưởng từ nền văn hoá Trung Hoa nên việc xài dấu (ấn chương) với người Đài rất phổ biến và được lưu truyền rộng rãi. Mình để ý thì những con dấu có mặt ở khắp mọi nơi, từ những điểm tham quan du lịch, cáp treo hay ngay cả những điểm MRT người ta cũng để những con dấu. Các ga ở Đài Loan cũng được phiên âm ra tiếng Anh nên khá dễ tìm ạ. Nếu bạn quan tâm những line MRT nào có đặt dấu thì đây, tớ sẽ list ra cho mọi người tìm hiểu nhen:
1. Wenhu Line
2. Tamsui-Xinyi Line
3. Songshan-xindian Line
4. Zonghe-xinlu Line
5. Bannan Line.
Mình chắc chắn với bạn 100% các điểm đóng dấu công cộng tại Đài Loan hoàn toàn miễn phí. Đừng ngần ngại và cũng đừng quên mang theo cuốn sổ tay bên mình nha. Nếu lỡ có quên thì không có vấn đề gì to tát cả, tại bàn đóng dấu luôn có bưu thiếp để sẵn nhen.
Trên đường từ MRT Zhongxiao ra nhà hàng dimsum Din Tai Fung, mình tình cờ nhìn thấy một cửa hàng bán dấu cực kì hay. Dấu này hoàn toàn được sản xuất tài Đài Loan, nhiều hình dễ thương lắm lắm, đã thế mực của họ có mùi dễ chịu, không bị hắc như mực Tàu. Có lẽ ai đến Taiwan cũng nên mua cho mình một con dấu, coi như lưu lại một nét đẹp văn hoá của người Đài.
Văn hoá đóng dấu, sticker của Đài Loan mang lại nhiều bài học giá trị…
Mình nhận ra rằng các bạn Đài Loan có một cách rất hay để lưu giữ lại kỉ niệm, lưu giữ lại những bước chân họ từng đi qua bởi những con dấu. Họ không tốn quá nhiều thời gian để chụp ảnh rồi lại thêm hàng đống giờ để chỉnh ảnh và check-in nữa. Bởi lẽ, thời gian đi du lịch vốn đã ngắn ngủi, ta sẽ dành để khám phá và tận hưởng những nơi ta đến nhiều nhất có thể. Có lẽ từ giờ, khi đi du lịch ở bất cứ nơi nào, mình cũng sẽ mang theo một quyển sổ nhỏ, ghi lại vài điều hay hay…
Đi đâu cũng vậy, nếu mình và các bạn đi chậm lại một chút, quan sát kĩ hơn một chút thay vì cầm quá nhiều smartphone hay máy ảnh, chắc chắn bọn mình sẽ tìm ra nhiều điều thú vị nữa nhỉ.
Tiện đây, tớ cũng muốn chia sẻ thêm vài điều tớ biết từ văn hoá Đài Loan đó là người Đài Loan khá bảo thủ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của văn hoá Trung Hoa cổ đại.
Nếu bạn có dịp tiếp xúc với nền văn hoá Trung Hoa thì chắc chắn Trung Quốc có 2 loại chữ, chữ Trung Phồn Thể và chữ Trung Giản thể. Chữ Phồn thể là loại chữ truyền thống, đây là một loại chữ rất đẹp – thường được coi là tinh hoa của văn minh Trung Quốc hay là đối tượng để thể hiện nghệ thuật trong thư pháp. Học chữ Phồn Thể ngoài việc học thuộc hình của chữ còn học được cả ý nghĩa thâm sâu và cái đạo mà người xưa truyền lại, tất cả nằm ở con chữ. Chữ Phồn Thể rất khó học, nhưng một khi đã học thuộc rồi thì nhớ rất sâu và rất lâu. Chữ Giản Thể là chữ được tinh giản, ít nét, dễ viết, dễ học. Mặc dù người Trung Quốc Đại Lục dùng tiếng Trung Giản thể còn người Đài Loan dùng tiếng Phồn thể, tuy nhiên, tỉ lệ người Đài biết chữ vẫn nhiều hơn rất nhiều. Chính vì chữ Phồn thể càng khó học thì lại khiến người học càng nhớ lâu, hơn nữa, những đạo lý làm người trong chữ Phồn thể khiến người Đài Loan càng có ý thức giữ gìn văn hoá truyền thống.
Cố Cung (Bảo tàng quốc gia Đài Loan) hiện nay lưu giữ và trưng bày rất nhiều bảo vật quý báu của nền văn hoá Trung Hoa Cổ Đại. Tuy vậy, họ chỉ trưng bày khoảng 10.000 hiện vật mỗi lần, và thay đổi số hiện vật theo chu kì nhất định. Điều này đảm bảo cho việc khiến người dân cảm thấy thích thú, ngạc nhiên, không hề bị nhàm chán khi đến bảo tàng, hơn nữa, việc đến bảo tàng nhiều lần trong một năm cũng giúp người dân Đài Loan luôn giữ vững được văn hoá và tinh thần lịch sử.
Sau đó, mình tìm hiểu khá nhiều về sự khác biệt giữa 2 nền văn hoá tưởng chừng như là một: Trung Quốc – Đài Loan và đọc được đôi điều thú vị của một người Trung Quốc đến Đài Loan.
Anh Liu Xliao viết rằng, anh đến Đài Loan để tìm lại những điều đã mất tại Trung Quốc: “Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều nói tiếng Hán, hai nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại nằm ở hai hình thái xã hội hoàn toàn khác nhau. Tôi cảm thấy một sự khác biệt rất lớn! Tôi cũng đã tới vùng Trung Đông hay Nepal, nhưng đó đơn thuần chỉ là tâm thái của một người ưa di chuyển. Khi đặt chân tới Đài Loan, tôi đã quan sát nhiều hơn, thấy nhiều điều hơn, và nhận ra sự khác biệt giữa hai bờ lớn đến thế nào. Ở Đài Loan bạn có thể tìm thấy những điều đã biến mất ở Trung Quốc. Tôi cảm nhận thấy sự thân thiện giữa người với người trong đối nhân xử thế. Sau cuộc cách mạng tại Trung Quốc, phương thức sống, lễ nghi truyền thống mấy nghìn năm đều bị mất mát rất nhiều. Những năm sau đó, cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến mọi thứ đều chỉ hướng về lợi ích, sự lạnh nhạt giữa người với người tăng lên, lợi ích trần trụi được đặt ngay trước mắt. Đài Loan không phải trải qua quá trình tẩy não nghiêm trọng như vậy nên từng phút từng giây ở mảnh đất này đều khiến bạn cảm thấy mình được tôn trọng. Điều này thật hiếm có. Ở đại lục khi làm bất kể một việc gì đó, bạn sẽ rất dễ bắt gặp ánh mắt khinh thường của người khác. Con người ở đó thật lạnh lùng!”.
Nếu bạn là người yêu thích nền văn hoá Trung Hoa, sao không thử đến Đài Loan một lần? Bạn nào không biết đường đi nước bước như nào thì tham khảo thêm review hành trình Đài Loan ở đây nhé: Được miễn visa, lưu ngay bí kíp du lịch Đài Loan dễ như trong lòng bàn tay.
Từ chuyến đi này mình rút ra được rất nhiều kinh nghiệm du lịch cho bản thân. Thật kiểu ” Đi một ngày học một sàng khôn vậy”.