Du lịch Singapore cần chú ý điều gì? Phương tiện đi lại như thế nào chắc chắn là câu trả lời đặt ra đầu tiên. Hãy cùng tham khảo chi tiết về thẻ MRT (tàu điện ngầm) cũng như tất tần tật các phương tiện đi lại trong thời gian bạn lưu trú muốn di chuyển tại Singapore nhé!
Singapore có hệ thống giao thông công cộng thuộc dạng hàng đầu thế giới. Mạng lưới công cộng gồm tàu điện ngầm và xe bus phủ sóng hầu như toàn bộ quốc đảo, đảm bảo cho bạn có thể đi đến mọi nơi bạn muốn.
Thẻ giao thông công cộng
Để sử dụng hệ thống giao thông công cộng này, đầu tiên bạn nên mua một thẻ đi lại –EZ Link Card hoặc Nets Flash Pay Card để có thể sử dụng nhiều lần. Giá ban đầu của thẻ là 12 SGD (Dollar Singapore – đơn vị tiền tệ của Singapore), trong đó có 7 SGD giá trị nạp và 5 SGD tiền không hoàn lại. Mỗi lần vào ga đi tàu hoặc lên xe bus thì quẹt thẻ – khi ra lại quẹt thẻ và hệ thống sẽ tự động trừ tiền. Bạn mua thẻ mới hoặc bạn có thể nạp thêm (top up – mỗi lần ít nhất 10 SGD) qua các máy nạp tiền đặt tại các ga MRT, quầy bán thẻ tại MRT, các cửa hàng 7-Eleven hoặc các điểm SingPost. Khi không dùng hết tiền, bạn có thể lấy lại tiền (refund) tại các quầy SingPost.
Thẻ EZ Lin
Nếu bạn chỉ đến Singapore 3 ngày hoặc ít hơn nhưng lại đi nhiều, bạn có thể mua loại thẻ Singapore Tourist Pass để đi lại với số lần không giới hạn MRT (tàu điện ngầm) và xe bus. Có 3 loại giá Singapore Tourist Pass là 10 SGD (1 ngày), 16 SGD (2 ngày) và 20 SGD (3 ngày). Điều kiện là bạn phải đặt cọc thêm 10 SGD khi lấy thẻ, hoàn trả lại thẻ trong vòng 5 ngày sau khi hết hạn sử dụng và lấy lại tiền đặt cọc. Bạn có thể mua các thẻ này ở các quầy vé ở bến MRT chính gồm MRT Changi, Orchard, Chinatown, City Hall, Raffles Place, Ang Mo Kio, Harbourfront, Bugis và Lavender.
Chú ý:
Singapore còn có một loại thẻ nữa là thẻ Go Singapore có thể sử dụng cả cho giao thông công cộng (MRT và Bus) và thăm các thắng cảnh có phí (như Universal Studios). Bạn có thể tiết kiệm được đến 40% phí đi lại và thắng cảnh. Bạn có thể mua các loại thẻ này ở 11 Orchard (gần Dhoby Ghaut MRT) và 437 Orchard (gần Orchard MRT).
1. Đi MRT – Hướng dẫn đi lại bằng MRT Singapore
Thực chất hệ thống Singapore có 2 loại MRT và LRT. Hiểu đơn giản là MRT chạy nhanh, toa dài, êm hơn dùng cho các mạch giao thông chính còn LRT là loại tàu nhẹ, ngắn và chậm hơn, thường dùng cho những tuyến giao thông ngoại vi. Tại đây cả hai được gọi chung là MRT.
MRT có 4 tuyến/đường (line) màu xanh, đỏ, tím vàng (như bản đồ), giao cắt nhau tại nhiều điểm. Bốn tuyến này đảm bảo cho bạn đi đến hầu hết các điểm du lịch (tùy một vài điểm vẫn phải đi xe buýt thêm từ bến MRT)
Cách đi lại bằng MRT tại Singapore
Bước 1:
Bạn mua thẻ EZLink hoặc Nets Flash Pay. Bạn cũng có thể mua vé đi một lần hoặc mua thẻ bình thường để đi lại nhiều lần hoặc Tourist Pass. Hãy nhìn biểu tượng MRT để đi, trước cửa ga MRT bao giờ cũng có tên ga, số hiệu ga và màu của tuyến (line) tương ứng.
Bước 2:
Bạn quẹt thẻ để đi vào sàn đợi tàu
Bước 3:
Các ga của 1 line (1 màu) thì chỉ có tàu thuộc tuyến màu đó chạy qua; các ga giao cắt interchange (ví dụ line Xanh cắt line Vàng) thì ga MRT sẽ có 2 tầng (1 tầng cho tàu line màu xanh, 1 tầng cho tàu line màu vàng), bạn cần nhìn biển để đến đúng sàn đợi tàu của line mình muốn đi.
Bước 4:
Bạn xác định ga MRT đích mình sẽ đến và vạch lộ trình đi. Mỗi sàn đợi đều có bản đồ MRT. Ví dụ bạn muốn đến một ga nằm trên tuyến đỏ từ chỗ bạn đang đứng (thuộc tuyến vàng), thì bạn cần đi tiếp tới ga giao cắt Vàng – Đỏ, để từ đó có thể đổi sang tàu line đỏ để đi tiếp đến bến đích.
Bước 5:
Sau khi xác định xong lộ trình thì bạn xác định mình sẽ lên tàu nào để đi đúng hướng cũng như nhớ tên bến mình sẽ xuống. Chú ý một line luôn có 2 tàu chạy hai chiều ngược nhau, nằm ở hai đường ray (platform) đối diện nhau trên cùng trên một sàn. Tàu nào đi hướng nào đều có chỉ dẫn trên biển báo và trên cửa tàu. Nếu bạn lên nhầm tàu (đi ngược hướng mình muốn) thì cần xuống ngay ở ga kế tiếp để đổi sang Platform đối diện để lên tàu đi hướng ngược lại)
Bước 6:
Bạn chỉ ra tàu khi đến ga mình mong muốn, là ga giao cắt để đổi đường màu khác (ví dụ vàng với đỏ) hoặc ga đích mà bạn muốn rời tàu. Trên tàu luôn có bản đồ, đèn và loa thông báo ga sắp tới. Tại các ga giao cắt interchange, sẽ có biển chỉ dẫn lên hoặc xuống tầng để đổi line cũng như lối ra khỏi MRT.
Bước 7:
Ra khỏi ga thì bạn quẹt thẻ một lần nữa, hệ thống sẽ trừ tiền đi lại của bạn vào số tiền trong thẻ.
Lưu ý:
Khi đến gần ga định xuống (để đổi line hoặc rời ga), bạn nên di chuyển ra đứng gần cửa tàu để xuống cho nhanh chóng
Cứ 3 phút là có một chuyến tàu, khi tàu sắp tới bạn cũng nên đứng gần các cửa lên/xuống để lên cho nhanh.Tuy nhiên nhớ đứng tránh một bên để cho người trên tàu xuống trước khi người ở dưới ga lên.
Bạn cần đi lại nhanh nhẹn, người Singapore rất công nghiệp, tàu cũng rất sạch sẽ nghiêm túc và đúng giờ.
Chú ý luôn quẹt thẻ khi ra để máy trừ tiền, nếu bạn vì lý do nào đó chưa quẹt thẻ, thì lần tới hệ thống sẽ phát hiện ra và trừ bạn số tiền tối đa cho chuyến đó.
2. Đi xe buýt
Singapore có hai xe buýt chủ yếu là SBS Transit và SMRT
Đi xe buýt tại Singapore cũng rất dễ dàng, nhưng sẽ chậm hơn đi MRT. Bạn sẽ muốn sử dụng xe buýt, nếu bến xe buýt gần chỗ bạn hơn bến MRT, hoặc bạn muốn đi xe buýt để ngắm cảnh, hoặc di chuyển đến 1 điểm mà không có MRT gần đó.
Khi lên xe buýt bạn có hai cách trả tiền:
1. Trả bằng tiền mặt:
Chú ý chuẩn bị tiền lẻ vì lái xe sẽ không thối lại. Bạn hỏi lái xe điểm đến và họ cho bạn biết chi phí
2. Bằng thẻ EZLink hoặc Nets Flash Pay:
Quẹt thẻ vào máy đọc khi lên xe; quẹt thẻ khi xuống để trừ tiền. Bạn chú ý luôn nhớ quẹt thẻ khi xuống để hệ thống trừ đúng số tiền.
Chú ý: Cần xếp hàng tại các bến xe buýt. Xe buýt tại Singapore không có phụ xe, mọi người tự giác và nhanh nhẹn khi lên xuống, di chuyển.
3. Đi Taxi
Taxi tại Singapore khá đắt đỏ vì thường phải xếp hàng đợi và nhiều loại phụ trội – nhất là giờ cao điểm. Tại các quận trung tâm, bạn không thể vẫy taxi mà phải đến các điểm đón taxi (các trung tâm mua sắm, phố chính thường có điểm đón taxi và xe buýt), xếp hàng để chờ đến lượt. Vào những ngày lễ, giờ cao điểm, bạn sẽ mất nhiều thời gian để lên được một chiếc taxi.
Taxi ở Singapore có thể chia làm 3 loại – loại thường; loại Limousine và loại Chrysler.
Giá vé Loại thường – Limousine – Chrysler
Giá mở cửa (cho 1 km đầu tiên hoặc ít hơn) $3.00-$3.40 $3.90 $5.00
Cho mỗi 400m (với tổng độ dài dưới 10km) $0.22 $0.22 $0.33
Cho mỗi 350 m (sau km thứ 10) $0.22 $0.22 $0.33
Cho mỗi 45 giây thời gian đợi $0.22 $0.22 $0.33
Phụ trội:
Giờ cao điểm (6h sáng đến 9:30 sáng và 18h đến 12h) và ngày lễ charge thêm 25% phí; Đêm khuya (sau 12h đêm đến 5:59 sáng): charge thêm 50% phí.
Ngoài vấn đề chi phí, thiếu taxi đặc biệt giờ cao điểm và đón taxi đúng bến ở quận trung tâm, không có vấn đề gì lớn khi sử dụng taxi ở Singapore. Lái xe ở đây rất ít gian dối (phạt rất nặng), nếu phát hiện gian dối hoặc có thắc mắc về phí, bạn gọi đến hãng taxi để thông báo hoặc được giải thích rõ ràng.
· Prime Taxi – SĐT: +65 6778 0808 · HDT Singapore Taxi – SĐT: +65 6258 8888[DTV2]
Hoặc gọi vào SĐT chung để gọi taxi: +65 6-3425-222 (6-DIAL-CAB) Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ Grab hoặc Uber để gọi xe tại Singapore.
4. Thuyền
Thuyền bumboats chủ yếu dành cho khách du lịch đi dọc sông Singapore. Du khách sử dụng dịch vụ này chủ yếu là để ngắm cảnh, không nhiều cho mục đích di chuyển (trừ việc đi lại từ Changi Village để ra Pulau Ubin – một hòn đảo “quê” còn sót lại của Singapore hoặc sang Pengarang của Malaysia).
Bumboat đậu và xuất phát tại các bến Boat Quay, North Boat Quay, Clark Quay hoặc Clifford Pier.
Bạn có thể mua dịch vụ đi tàu bumboat ngắm cảnh dọc sông Singapore trong 1 tiếng, giá 18 SGD/người.