Bánh xèo mực và vịt Cầu Dứa cho ngày mưa gió ở Nha Trang

Bánh xèo thơm giòn hay các món ăn từ vịt ở khu Cầu Dứa là lựa chọn lý tưởng cho những ngày mưa ở phố biển.

208

Nha Trang không chỉ hút khách bởi những bãi biển đẹp, các hòn đảo hoang sơ mà ẩm thực ở đây cũng là trải nghiệm được lòng nhiều du khách. Dưới đây là hai món ăn mà du khách có thể nghĩ đến trong những ngày mưa ở thành phố biển:

Bánh xèo mực

Bánh xèo mực ở Nha Trang có kích thước giống bánh xèo miền Trung, điểm khác biệt lớn nhất là nguyên liệu chính được dùng là mực thay vì tôm hay thịt. Thành phố có không ít quán ăn phục vụ món này nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến khu Tháp Bà, nhiều hàng bán từ xế chiều đến tối. Từ cầu Trần Phú, bạn rẽ bên trái là đến.

Những chiếc bánh tòa mùi thơm phức khi nướng khiến bạn sẽ phải thòm thèm. Ảnh: dulichnhatrang365.
Những chiếc bánh tòa mùi thơm phức khi nướng khiến bạn sẽ phải thòm thèm. Ảnh: dulichnhatrang365.

Nếu như ở miền Nam, người ta thường dùng chảo to để đổ bánh, đầu bếp ở Nha Trang dùng chảo sắt nhỏ, ít dầu mỡ. Do vậy mà bánh khi ăn không thấy ngấy.

Sức hút của món ăn không thể thiếu chén mắm nêm có tỏi, ớt và thơm (dứa) giã nhuyễn. Bánh được ăn kèm với rau sống. Bạn có thể cuốn bánh trong rau hoặc trộn cả bánh và rau trong chén nước chấm rồi thưởng thức.

Để hút khách, nhiều quán còn đổ bánh xèo mực kèm thêm tôm khiến vị món ăn trở nên đa dạng. Mỗi chiếc bánh xèo có giá từ 10.000 đồng.

Vịt Cầu Dứa

Không chỉ riêng hải sản, các món ăn được chế biến từ bò, gà hay vịt ở Nha Trang cũng được lòng nhiều người. Nếu là tín đồ của các món vịt, bạn không nên bỏ qua khu vực Cầu Dứa, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km.

Vịt Cầu Dứa, món ăn lạ miệng ở thành phố biển. Ảnh: Facebook.
Vịt Cầu Dứa, món ăn lạ miệng ở thành phố biển. Ảnh: Facebook.

Người xứ Khánh Hòa có câu: “Yến sào hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh”, có lẽ vì vậy mà hầu như vịt ở khu vực này đều được lấy từ Ninh Hòa. Vịt ở đây được chăn thả trên những cánh đồng nên rất chắc thịt.

Khách có thể lựa chọn các món từ vịt nướng, vịt luộc đến gỏi vịt, cháo vịt… Mỗi cách chế biến mang lại vị riêng nhưng cảm nhận chung là thịt vịt có độ mềm, nạc mà không bở.

Nổi bật nhất là món tiết canh với độ sần sật của tim, mề, gan, thịt hòa cùng vị béo của đậu phộng rang, phảng phất mùi thơm của chanh, ngò gai, húng quế. Món này thường được phục vụ với bánh tráng nướng (hay còn gọi là bánh đa). Ngoài ra, vịt luộc và nướng cũng được nhiều khách ưa chuộng.