Du Lịch Hà Nội Những món vỉa hè nhất định phải ăn ngày gió lạnh đầu mùa Hà Nội đang bước vào những ngày đầu tiên của mùa đông. Hãy xuống phố và ăn cho thỏa cơn thèm các món ăn này nhé. 228 Chia sẻ Facebook Tweet Nếu có một món ăn được nhắc tên nhiều nhất trên Facebook trong những ngày lạnh thì chắc chắn đó sẽ là ốc. Nhưng hẳn nhiều người không biết chính thời điểm cuối thu đầu đông là lúc ăn ốc ngon nhất, bởi không phải ngẫu nhiên là có thương hiệu “ốc tháng mười – người Hà Nội” vang danh xa gần. Đây là lúc mà những chú ốc béo tròn mỡ màng nhất trong năm. Không cần chế biến cầu kỳ như ốc phương Nam với xào bơ tỏi, xào dưa hay sốt me, trời se lạnh đầu mùa, chỉ cần chui vào quán ven đường, hít hà làn khói tỏa ra từ những nồi ốc “to đại tướng” và chấm mút những chú ốc “tắm” trong thứ nước chấm dung dị đủ vị chua cay mặn ngọt, cũng đủ làm ngày đông bớt giá lạnh. Cà phê trứng là đặc sản được rất nhiều khách nước ngoài yêu thích và tò mò bởi sự kết hợp giữa trứng đánh bông và cà phê. Loại đồ uống này được bán ở các quán cà phê Hà Nội từ những năm 1940. Trải qua nhiều biến động thời cuộc, cà phê trứng vẫn là thức uống mang hồn cốt của 36 phố phường, vừa đậm đà vừa dịu dàng, không quá ngọt, làm dịu đi cái đắng của cà phê. Người không uống được cà phê cũng có thể gọi cacao trứng – một biến thể của cà phê trứng. Thức uống này chỉ được tìm thấy ở các quán cà phê cũ như cà phê Giảng, cà phê Phố Cổ… Người Hà Nội lâu năm chắc chắn biết tới danh tiếng của quán bánh trôi của cố nghệ sĩ Phạm Bằng trên phố Hàng Giày. Sau khi gia đình ông nghỉ bán, dù có nhiều sự lựa chọn khác nhưng khách ăn vẫn nhớ mãi về hương vị ấm nóng, ngọt ngào mà không nơi nào có được. Mỗi bát luôn có 2 viên bánh trôi, một vị vừng đen, một vị đậu xanh. Điều đặc biệt của món bánh trôi tàu nằm ở khâu chế biến nước gừng. Đường để nấu phải là đường phên, đậm mùi mía, mang màu nâu đỏ đẹp mắt. Vị ngọt của đường tan trong những lát gừng nóng sực, sôi sình sịch trên bếp lò, đổ ngập cái bánh nóng và rắc thêm ít lạc rang bùi bùi béo béo là đủ làm ấm cơ thể vừa đi ngoài đường lạnh về. Những ngày trời trở lạnh, ngõ Huyện và Lý Quốc Sư trở nên đông đúc hơn ngày thường do nhiều người tìm tới các quán bán cháo sườn vỉa hè. Và dù đoạn phố ngắn ngủi có tới dăm ba quán thì “thương hiệu” cháo sườn cô Là vẫn được coi là “vedette”. Mặc dù đã đôi lần nghỉ bán và đổi địa điểm bán nhưng thực khách trung thành vẫn nhớ tới bát cháo xay mịn màng, vị ngọt của sườn, vị bùi giòn của quẩy và đặc biệt, cháo ở đây luôn ăn cùng ruốc. Bạn cũng có thể tìm tới hàng cháo trong chợ Đồng Xuân cũng khá đông khách những ngày đông này. Không hiểu từ bao giờ mà combo cháo sườn và chè sắn lại đi với nhau ăn ý như vậy. Có lẽ cũng bắt nguồn từ con phố Lý Quốc Sư – Ngõ Huyện ấy mà ra. Hễ ăn xong bát cháo sườn thì phải lót dạ thêm bát chè sắn nóng hổi ngọt ngào thì mới yên tâm đứng dậy ra về. Miếng sắn thái nhỏ, nấu chung với đường và nước gừng sao mà hài hòa và ăn ý tới vậy, có thể xua đi cái lạnh đầu đông ngay tức thì. Xưa kia, người gốc Hoa sống ở khu phố cổ khá đông và mang theo nhiều nét ẩm thực Trung Quốc như các món mỳ vằn thắn, chí mà phù, bánh trôi tàu, lục tàu xá. Một trong những món ăn còn tồn tại tới bây giờ là các món tần với ngải cứu, nổi bật nhất là mỳ gà tần. Nằm trong trục phố thuốc Đông Y, các quán mỳ gà tần ở phố Hàng Bồ, phố Thuốc Bắc luôn có các vị thuốc bồi bổ sức khỏe. Nếu mới ăn sẽ không quen nhưng một khi đã mê thì không thể nào “cai nghiện” nổi. Những ngày này, quán mỳ gà tần ở góc ngã tư Hàng Cân – Lương Văn Can luôn chật kín khách. Dẫu phải ngồi ngay sát đường xe qua lại nhưng chẳng thực khách nào phật ý, chỉ chờ bát mỳ gà phơm thức nóng hổi được bưng ra. Vị mềm của thịt gà và cái vị ngọt dịu của nước dùng thuốc bắc tan trong miệng khiến người ăn phải nhớ mãi. Tiết tần khá kén người ăn bởi vẻ ngoài không “thân thiện”, thậm chí còn khiến người ta “sờ sợ”. Nhưng món ăn này lại là khoái khẩu của không ít người sống lâu ở Hà Nội. Quán nhỏ góc đường Chả Cá – Lãn Ông là nơi hiếm hoi bán món ăn này. Không có biển hiệu mời gọi, cũng không có chỗ để xe rộng rãi, khách cũng không quá tấp nập nhưng quán nhỏ chẳng ngày nào là ế hàng suốt bao năm nay. Những ngày mưa rét mùa đông là khi quán đông khách nhất. Từng khối tiết cắt vuông vức, mịn màng, nóng bỏng lưỡi quyện với mùi đăng đắng, thơm thơm của lá ngải cứu sẽ khiến bạn ấm sực người ngay lập tức. Dù bán gần như quanh năm nhưng mùa đông mới là thời điểm các món dân dã như khoai nướng, ngô luộc, ngô nướng hay sắn luộc được “lên ngôi”. Hình như chẳng có quán hàng sang trọng nào có bán những món này. Nếu lên cơn thèm, bạn buộc phải xuống phố, tìm đến những xe ngô – khoai sáng đèn, khói nghi ngút dọc các con phố. Món ăn dân dã gợi lại trong ký ức mỗi người về tiếng rao đêm lanh lảnh, về một thời gian khó nhưng đầy xúc cảm.