Năm nào cũng thế, cứ vào độ sắc vàng của nắng thu nhạt dần, gió đông vừa khẽ chạm, Hà Nội lại vào mùa cúc họa mi. Cúc họa mi vào mùa dễ nhận biết lắm, khi ấy những gánh hàng hoa bên đường, đâu đâu cũng ngập tràn sắc trắng của những cánh hoa mong manh. Vào những ngày họa mi xuống phố ấy, sự ồn ã, bận rộn của những tòa cao ốc, của trăm ngàn chiếc ô tô, xe máy bỗng như chậm lại một nhịp.
Từ những làng hoa ven đô, những người nông dân tần tảo dậy thật sớm cắt hoa, chở sắc trắng tinh khôi vào phố. Trên những chiếc xe đạp cũ, những xe hoa tinh khôi từ vườn len lỏi qua từng con phố. Chỉ đơn thuần một màu trắng mà tự nhiên ai nhìn những xe hoa ấy cũng thấy nao lòng. Ven đường những tuyến phố Hà Nội bỗng dưng đẹp lạ, cái đẹp chỉ có vào những phút giao mùa thổn thức của riêng thành phố này.
Mùa cúc Họa Mi thường rất ngắn, chỉ chưa đầy một tháng đã tàn, chính bởi thế người ta càng trân quý mùa hoa mộc mạc ấy. Cứ khi hoa bắt đầu xuống phố, các bà, các chị lại rủ nhau mua mỗi ngày một hai bó về cắm cho thật nên thơ. Cứ thế, những bông cúc họa mi trắng tinh, nhỏ bé dần trở thành cái đẹp, cái đặc trưng của tiết thu sang đông của Hà Nội.
Có người từng ví, cúc họa mi như những cô thiếu nữ của mảnh đất Kinh kỳ: nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng cũng ngay thẳng mà mạnh mẽ. Hình ảnh những bông cúc họa mi lung linh dưới nắng vàng đúng là y như những nữ sinh với tà áo dài trắng. Chẳng thế mà có câu thơ ‘Em thuở ngày xưa chưa biết gì/Anh thường hay tặng cúc họa mi…’
Hà Nội mùa nào cũng có hoa đẹp, tháng nào cũng có loại hoa đặc trưng. Ấy thế mà người ta vẫn si mê chút khác lạ của những buổi cúc họa mi bắt đầu tràn trên phố, dịu dàng đến, dịu dàng đi như chút nắng ấm cuối cùng trong năm. Và dù có khô khan đến đâu, người ta cũng chẳng thể phủ nhận những ngày có cúc họa mi, Hà Nội đẹp đến ngỡ ngàng.