Hà Nội những ngày thu nhón chân bước sang đông, sự hiện diện lãng mạn đặc trưng của chất thu như nắng vàng, trời xanh, gió mơn man đã chẳng còn quá rõ rệt, nhưng mùa thu vẫn lẩn khuất đâu đó, ẩn náu ở những điều quá đỗi bình dị và quen thuộc. Như thể lâu lâu xen kẽ những ngày xầm xì, trời lại có ngày nắng đẹp, sau buổi chiều đi làm về, tự nhiên lại bắt gặp một dải hương mỏng nhưng lay động tâm can của cây hoa sữa nở muộn. Hay sáng nay, trên đường tới công sở, bỗng nhiên phát hiện, nơi góc đường, vẫn còn gánh hàng rong bán cốm.
Cốm là thức quà rất thu của Hà Nội. Đầu mùa, muốn ăn cốm thì dễ lắm, nhưng đến cứ cuối thu, muốn ăn cốm phải đi tìm thật kĩ mới còn có hàng bán. Vẫn cái thúng nhỏ, trên có vài cái lá ráy, lá sen, nhưng vào độ cuối mùa, bắt gặp thúng cốm thế sao mà mừng, bởi không chỉ là miếng ăn, đó còn có là cảm giác “A, mùa thu vẫn còn”.
Thế nên gặp gánh cốm vào độ cuối mùa, nếu không phải quá bận rộn hãy dừng ngay lại, mà mua lấy vài lạng. Bà bán hàng đã có tuổi gói cốm bằng tất cả sự tỉ mẩn. Ngắm đôi tay hằn dấu thời gian cẩn thận xúc từng nắm nhỏ, trước đổ vào lá ráy cho khỏi khô rồi mới cẩn thận bao ngoài bằng chiếc lá sen và chiếc lạt nếp màu xanh mới thú làm sao. Một gói cốm xinh xinh như thế chẳng đáng bao tiền nhưng rất dễ mang niềm vui.
Cuối thu còn là thời điểm của hồng. Không phải thứ hồng đỏ đẹp như thơ chuyên sánh đôi cùng cốm đã đi vào huyền thoại trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Thời điểm này là mùa của hồng ngâm. Quả hồng ngâm nhỏ, vỏ xanh pha vàng, khi hái xuống không thể ăn được ngay mà phải ngâm nước vài ngày để khử chát và để hồng lên bột. Khi ấy, quả hồng mới giòn, ngọt và khiến người ta thèm thuồng.
Ừ, thì cốm với hồng đỏ sánh cùng nhau thì vừa đẹp, vừa ngon, vừa rất thu đấy. Nhưng công bằng mà nói, hồng ngâm cũng có cái ngon rất riêng và cũng là món quà đặc trưng của mùa thu đấy thôi. Cứ nghĩ mà xem, hầu như mâm cỗ trông trăng mùa Trung thu nhà nào mà chẳng có hồng ngâm, và nếu so về độ ưa thích, hồng ngâm có khi có được nhiều người ưa thích hơn bởi cái giòn giòn vui miệng.
Khác với hồng đỏ thường ai ăn giỏi cũng chỉ được 1, 2 trái là ngán, hồng ngâm đã không ăn thì thôi, chứ nếu đã ăn, có khi có thể “đánh” cả cân một lúc. Bởi loại hồng này khi ăn giòn lật sật, vui miệng, ăn lại sạch tay nên vừa làm việc, vừa lâu lâu nhón một miếng, cho vào miệng vào thưởng thức như một loại snack riêng có của mùa thu.
Có lẽ hồng ngâm ngại nhất là công đoạn gọt, phải quả hồng ngâm khá nhỏ, vỏ cứng, nhiều quả lại có khứa nên gọt cũng phải khéo léo một chút cho đỡ lẹm nhiều thịt quả, đỡ “phí của trời”. Biết cái ngại của nhiều người, cũng để chiều khách, nên các cô hàng ở chốn thành thị còn bán hồng ngâm gọt sẵn, hoặc đóng túi, hoặc đóng khay tinh tươm sẵn, để các vị khách “lười” có thể thỏa mãn niềm đam mê của mình.