Thị trấn rất nhỏ nằm ở lưng chừng núi, giống như một người thiếu nữ say ngủ giữa núi rừng ngàn sương, tuy đã được khai thác du lịch từ lâu, nhưng đến nay nàng vẫn giữ được nguyên nét mộc mạc, thuần khiết.
Từ Hà Nội lên Bắc Hà không xa, chỉ quãng 300km, đường xá khá đẹp, tuy rằng quanh co, gấp khúc là những điều không thể tránh được ở thị trấn miền cao. Nhiều người lựa chọn Bắc Hà thay vì Sapa để nghỉ 2 ngày cuối tuần, quỹ thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để thưởng lãm vẻ đẹp của bông hoa xứ rừng hoang.
Ngày đầu tiên lên Bắc Hà, du khách có thể tới thăm một số di tích trong lòng thị trấn như Dinh Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, thung lũng hoa Thải Giàng Phố.
Dinh Hoàng A Tưởng là dinh thự bề thế bậc nhất của Vua Mèo xứ Bắc Hà. Dinh thự được xây theo phong cách Á – Âu, phối hợp với cả màu sắc của người dân tộc bản địa. Trải qua nhiều biến cố, ngôi biệt thự vẫn vững chãi cả một thế kỷ. Đến thăm Dinh Hoàng A Tưởng du khách sẽ được tìm hiểu về câu chuyện về gia đình thổ Ty Hoàng Yến Chao, ngắm nét đẹp của vùng đất Bắc Hà xưa qua ảnh. Nếu đến thăm dinh thự vào những ngày cuối tuần, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức buổi trình diễn nấu rượu truyền thống do chính người địa phương thực hiện. Ngoài ra tại dinh còn bày bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như khăn, áo, váy thổ cẩm hay tẩu thuốc, vòng bạc, khèn mông…
Đền Bắc Hà nằm ngay trung tâm thị trấn, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, được người dân trong vùng thờ phụng, tưởng nhớ người anh hùng đã có công với vùng đất này. Đền Bắc Hà có địa thế đẹp, kiến trúc cổ điển. Lễ hội đền Bắc Hà được tổ chức vào ngày 7/7 (âm lịch) có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thung lũng hoa Thải Giàng Phố chỉ cách trung tâm thị trấn 1,5km. Thiên nhiên ưu ái cho mảnh đất này khí hậu trong lành, dịu mát, có thể trồng cấy nhiều loại hoa nhập khẩu từ nước ngoài như tulip, lavender… Ngoài ra còn có những cánh đồng hoa khác như hoa bướm, dạ yến thảo, địa lan, cẩm tú cầu… đua nhau khoe sắc. Ngoài việc ngắm hoa, thung lũng hoa còn có dịch vụ lưu trú theo kiểu homestay. Ở nhà sàn giữa rừng hoa, thưởng thức đồ tươi sạch của vùng cao và tham gia đêm lửa trại cũng là một gợi ý rất hay cho chuyến du lịch thảnh thơi cuối tuần của bạn.
Ngày thứ 2, sáng sớm bạn có thể đến Bản Phố, chỉ cách trung tâm thị trấn khoảng 6km để ngắm cảnh bình minh trong sương. Bản Phố nằm giữa điệp trùng núi đồi, còn khá nguyên sơ với nếp nhà sàn lẩn khuất trong sương. Bản Phố là vùng đất nấu rượu ngon nổi tiếng của Bắc Hà nói riêng và cả Lào Cai nói chung, đến đây bạn đừng bỏ qua việc nếm thử rượu ngô được chưng cất bằng chõ gỗ thông và men Hồng Mi trứ danh.
Sau khi đã ngắm no mắt với cảnh bình minh trên núi, bạn có thể di chuyển tới Si Ma Cai để tham dự phiên chợ Cán Cấu. Chợ phiên Cán Cấu chỉ họp vào ngày Chủ nhật, khác với chợ phiên ở nơi khác thường họp vào sáng sớm, chợ Cán Cấu lại họp muộn, càng về trưa chợ càng đông vui.
Chợ Cán Cấu được nhiều người biết đến là phiên chợ trâu lớn nhất miền Bắc, và là phiên chợ đông vui nhất trong vùng. Đến chợ phiên Cán Cấu có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ bởi sự náo nhiệt và đông đúc, không chỉ người trong vùng đến mua bán, trao đổi hàng hóa, mà khách du lịch, khách ngoại quốc cũng tìm đến phiên chợ truyền thống này để săn tìm những nét văn hóa độc đáo của xứ cao nguyên Bắc Hà.
Một số lưu ý cho chuyến đi tới cao nguyên Bắc Hà
– Những mùa hoa Bắc Hà: Mùa xuân cả đất trời Bắc Hà chìm đắm trong sắc trắng của hoa mận, tạo nên một khung cảnh phiêu bồng như trong truyền thuyết. Hoa mận Bắc Hà đẹp nhất là ở xã Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Lầu Thí Ngài. Mùa hạ có lavender tím tràn thung lũng Thải Giàng Phố, hoa Osaka vàng tươi trên các con đường trong thị trấn; mùa thu, đông có tam giác mạch ở xã Lử Thẩn.
– Đặc sản không thể bỏ qua khi đến Bắc Hà: Phở chua gạo nương, mận tam hoa, thắng cố ngựa, rượu Bản Phố, khẩu rang…
– Ngoài chợ Cán Cấu, Bắc Hà còn có các phiên chợ đông vui khác như chợ thị trấn, chợ Simacai, chợ Cốc Ly… Tối thứ 7 ở thị trấn thường có chợ đêm và biểu diễn nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.