Giật mình với mùa nhộng tằm bên dòng sông Lam

Từ xa xưa, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương đã được biết đến với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Cùng với đó, nhộng tằm là một phụ phẩm độc đáo được người dân địa phương ưa chuộng.

962

Những ngày cuối tháng 10, đi qua xã Đặng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) người ta rất dễ bắt gặp cảnh người dân bày bán những mẹt nhộng tằm trông rất bắt mắt. Tại đây, người qua đường có thể chọn mua cả những con nhộng còn sống, bò lổm nhổm hay nhộng đã được luộc qua đem về chế biến. Thấy chúng tôi đến, một phụ nữ trung tuổi đon đả: “Mua nhộng tằm đi cô chú ơi, ăn thứ ni bổ lắm đó. Về chiên hay rang tý là có bữa nhậu ngon lành”.

Nhộng tằm được bày bán bên đường. Ảnh Hồ Văn
Nhộng tằm được bày bán bên đường. Ảnh Hồ Văn
“Đặc sản” vùng trồng dâu nuôi tằm xứ Nghệ hút khách. Ảnh Hồ Văn.
“Đặc sản” vùng trồng dâu nuôi tằm xứ Nghệ hút khách. Ảnh Hồ Văn.

Được biết, nhộng tằm tại đây được các thương lái đến thu mua tận nhà, giá bán sỉ hiện thời là 50.000 – 55.000 nghìn đồng/kg, nếu tằm chín không trúng lứa thì giá có thể lên 70 nghìn đồng/kg. So với việc nuôi tằm bán kén – tơ (100.000 đồng/kg) thì nuôi tằm thực phẩm có lợi hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Lý, một người bán nhộng tằm ở đây cho biết: Nhộng tằm rất béo nên hễ bày bán là người mua nhiều, nhiều khi không có mà bán.

Theo nhiều người dân trong vùng, từ xa xưa, ngoài ươm tơ, dệt lụa, các bà nội trợ ven sông Lam (xã Đặng Sơn, Đô Lương) đã biết dùng nhộng tằm chế biến ra nhiều món ăn ngon. Nhộng tằm có thể chế được thành nhiều món từ rang muối, chiên giòn hay nhộng xào thơm cà, xào hành hẹ, xào lá lốt. Ngoài ra, nhộng tằm còn được dùng để nấu cháo, nấu canh bí đao, đu đủ. Đặc biệt, những con nhộng tằm béo ngậy còn được dùng đổ bánh xèo.

Nhộng tằm đã được sơ chế. Ảnh Hồ Văn
Nhộng tằm đã được sơ chế. Ảnh Hồ Văn

Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn cho biết: Mùa nhộng tằm thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch. Sau khi ươm tơ, người dân thường tận dụng nhộng tằm để làm thức ăn hoặc đem bán tại địa phương để tăng thu nhập.