Tiền thân chính là cá lóc nướng trui trứ danh của miền Tây Nam Bộ. Sau này, thay vì nướng cá dưới lửa rơm, người ta sử dụng bếp than cho nhanh. Cách chế biến siêu đơn giản. Cá chỉ việc làm sạch nhớt, không làm ruột, sau đó xiên một chiếc đũa (hoặc que tre), nướng trên bếp than hồng cho đến khi lớp vảy cháy xém là được. Tuy nhiên phải canh thật khéo vì nếu lửa quá to, cá chỉ cháy phần vảy còn thịt bị sống. Lửa nhỏ thì cá tanh.
Cá chín, đầu bếp xẻ một đường dọc xương sống, tách làm đôi. Rưới đầy mỡ hành và đậu phộng lên trên, không nêm nếm thêm gia vị khác để giữ vị. Nếu ghé An Giang mùa nước nổi, có khi thực khách được thưởng thức thịt cá lóc đồng săn chắc, rất ngọt. Còn lại phần lớn quán ăn ở đây bán cá lóc nuôi là chính. Tuy nhiên chất lượng cũng không kém nhờ tài chế biến của những “đầu bếp nông dân” thứ thiệt.
Điểm nhấn của món ăn chính là chén mắm me đậm nét miền Tây, chua ngọt vừa phải. Khi ăn, thực khách cuốn rau sống, dưa leo và bún trong bánh tráng mỏng hoặc lá cải cay, cho cá lên trên, cuộn lại rồi chấm mắm mới đúng điệu. Món này cũng thích hợp ăn với mắm đậu phộng chua ngọt, cho thêm tí ớt cay cay. Vị ngọt của thịt cá hòa với vị béo của mỡ hành, bùi bùi của đậu phộng khiến bạn nhớ mãi không thôi.
Không khó để kiếm món “ăn là ghiền” này ở An Giang. Khoảng 4 giờ chiều về đêm, nhiều xe bán cá nướng xếp dọc ven đường hoặc trong các nhà hàng ven sông. Thực khách vừa hóng gió, vừa thưởng thức đặc sản. Món ăn dân giã nên giá rất bình dân, chỉ khoảng 40.000 đồng/người là có một bữa no nê. Ngoài ra, đây còn là mồi nhậu ưa thích của cánh đàn ông và là món ngon đãi khách của người miền Tây.