Nếu bạn đã từng choáng ngợp trước ngôi đền Angkor Wat ẩn mình giữa sương sớm của vùng đất Campuchia, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua gương mặt mới nổi này của Myanmar. Dù là được biết đến bởi truyền thuyết nào thì vào thế kỷ 15, Mrauk U (trứng khỉ) vẫn là thủ phủ của một đế chế giàu có bậc nhất châu Á.
Đến thế kỷ thứ 18, nơi đây đã trở thành một trong những địa điểm giao thương sầm uất nhất về các mặt hàng như gạo, ngà voi, nhựa cây, ngựa, gia vị, vải vóc. Các thương gia hầu hết đến từ Ấn Độ, Ba Tư và cả Ả Rập.
Thế nhưng, hàng trăm năm sau, Mrauk U bắt đầu mất đi vị thế của mình vì những xung đột tôn giáo. Dần dần, cái tên này chìm vào quên lãng. Tuy không còn sự sầm uất của một thủ phủ như trước đây, Mrauk U vẫn giữ được cho mình một nét đẹp tự nhiên đơn sơ nhưng hùng vĩ.
Nhận ra điều đó, những đội khảo cổ của Myanmar đã quyết định khám phá và giữ gìn nơi này, đưa nó vào mắt xanh của UNESCO, biến Mrauk U thành một di sản văn hóa thế giới như Angkor Wat. Và bằng một cách nào đó, Mrauk U quyến rũ dân cuồng chân hơn cả Angkor Wat.
Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Kofi Annan đã từng nói: “Có thể xem Mrauk U như một tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất bề dày lịch sử và văn hóa của bang Rakhine”.
Với sự hỗ trợ của ông Kofi, chính phủ Myanmar đã đề cử Mrauk U lên phía UNESCO để trở thành di sản thiên nhiên thế giới. Và ngay lập tức, thông tin này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế. Quy trình có thể sẽ phải mất vài năm. Tuy nhiên người dân Myanmar tin rằng họ có thể biến một “thành phố ma” bị quên lãng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất châu Á.
Mặc dù vậy, để đem thời hoàng kim của Mrauk U trở lại, sẽ cần nhiều hơn là một lời công nhận của UNESCO. U Nyein Lwin, giám đốc bảo tàng quốc gia Mrauk U cùng đội của ông sẽ đảm nhận vai trò chính trong chiến dịch đưa Mrauk U ra cả thế giới.
Lwin cho biết mọi thứ đang rất nhiều và khó khăn, trong khi thời gian ngày càng gấp rút hơn. Đội của Lwin sẽ phải thực hiện những nghiên cứu chính xác nhất về dân số trong khu vực và dự đoán con số đó ở tương lai để đảm bảo việc sinh sống cũng như canh tác của họ không ảnh hưởng đến các tàn tích.
Những nguồn hỗ trợ về tài chính đã được đảm bảo từ các nước như Ý, Trung Quốc và Úc. Tuy nhiên, Lwin nhấn mạnh bấy nhiêu chưa thấm thía gì cả.
Lật lại lịch sử, từ thế kỷ 15-18, Mrauk U được các thương gia từ Bồ Đào Nha và Hà Lan gọi với cái tên hào nhoáng “Thành phố vàng”. Cuộc sống tại nơi này vô cùng tấp nập và xa xỉ. Các samurai vốn là niềm tự hào của Nhật Bản cũng được trông thấy ở Mrauk U trong vai trò là lính đánh thuê hoặc vệ sĩ cho vua chúa.
Rất nhiều công trình đền chùa từ thời đại đó đến nay vẫn giữ nguyên tình trạng. Có thể kể đến khu đền khổng lồ Shitthaung chứa 80.000 tượng Phật hay thậm chí là đến Koe Thaung ngay bên cạnh với hơn 90.000 bức tranh về Phật giáo trên đá.
Với các bạn trẻ thích du lịch check-in sống ảo, màn sương của Mrauk U chính là vũ khí lợi hại khiến bức ảnh của bạn trở nên độc nhất vô nhị. Sương ở Mrauk U dày nhưng không thành mây. Cũng không phải kiểu mây sà thấp để hóa màn sương trắng lừa tình. Sương ở miền cực Tây sơn cùng thủy tận của đất Myanmar cùng với bầu trời không mây thường tách bạch hẳn ra nhau.
Thậm chí đến 7h, người ta vẫn thấy từng mảng sương sà thấp bị đỉnh các ngọn đền móc vào khiến nó trông không khác gì một chiếc võng được mắc giữa trời.
Đến Mrauk U, ta dễ dàng thấy được những người phụ nữ lớn tuổi vẫn còn theo phong tục xăm kín mặt. Người ở Mrauk U làm thuê làm mướn vất vả đủ đường để sống nhưng tuyệt nhiên không có trộm cắp. Một du khách đã từng chia sẻ trên Facebook rằng khi đánh rơi 200 USD, người dân đã lần theo dấu để tìm đến tận tay anh ta và trả lại.
Để đến được đây, du khách phải bắt chuyến bay từ Yangon cách Mrauk U khoảng 750km, sau đó đi thuyền dọc theo con sông Kaladan vài giờ.
Mỗi năm, Mrauk U chỉ đón khoảng 4.000 khách du lịch. Trong khi đó, những ngôi đền ở Bagan, thành phố “hàng xóm” của Mrauk U lại thu hút gấp 70 lần con số đó và Angkor Wat thì thậm chí còn hơn vậy với 2 triệu lượt tham quan mỗi năm.
Với những gì Mrauk U đang sở hữu và thể hiện, không có lý do gì để “thành phố bị quên lãng” này không giật lại vị trí của mình từ tay Angkor Wat.