Lá chanh
Lá chanh luôn luôn song hành với thịt gà trong ẩm thực người Việt. Từ xa xưa, người đầu bếp đã luôn luôn để một ít lá chanh thái chỉ bên trên đĩa gà luộc vàng ươm mới chặt. Ngoài việc để trang trí, lá chanh ăn kèm với thịt gà cũng rất hợp vị, mùi thơm thơm, chấm cùng muối chanh lại càng tuyệt. Vì tinh dầu trong lá chanh có tác dụng khử mùi hôi của thịt gà, đồng thời tăng hương vị cho thịt, và giúp thịt không bị ngấy. Không chỉ vậy, vị cay cay, the the của lá chanh sẽ kích thích vị giác hơn cho người ăn. Mới đây, món khô gà lá chanh cũng gây “chao đảo cộng đồng mạng” vì sự hài hòa trong hương vị của món ăn. Từ thịt gà và lá chanh, người ta còn nấu được một số món khác như gà hấp lá chanh, gà rang lá chanh cũng rất tuyệt.
Lá mắc mật
Lá mắc mật không mấy phổ biến ở thành phố nhưng với người dân vùng cao, loại lá này lại là gia vị quen thuộc trong nấu ăn, thường để ướp thịt nướng hoặc cuốn bên ngoài thịt rang. Lá có mùi thơm, tinh dầu trong lá có thể khử mùi nên thường dùng để nấu chung với thịt vịt hay thịt lợn rừng, mùi hôi của thịt sẽ biến mất. Vị béo thơm của thịt nướng quyện với mùi thơm nhẹ đặc trưng của lá mắc mật khiến món ăn được “cộng hưởng”, ngon hơn nhiều nếu chỉ nướng thông thường. Cây mắc mật không khó trồng nên ngày nay nhiều gia đình thành phố đã tự trồng cây trong nhà để tiện cho việc nấu ăn.
Lá giang
Lẩu gà lá giang là món ăn xuất hiện trong nhiều thực đơn của các nhà hàng. Còn thịt bò nấu lá giang lại là đặc sản của vùng Thất Sơn, Châu Đốc, An Giang. Tuy nhiên, với nhiều người, loại lá này còn khá xa lạ. Lá giang là loại dây leo hoang dã, có vị chua thanh đặc trưng. Nhờ vậy, khi nấu lá giang với các loại thịt có thể giảm bớt độ ngấy, ăn “dễ vào” hơn. Thông thường, người ta hay nấu canh lá giang hoặc nấu lẩu, tuy nhiên thịt bò xào lá giang cũng rất ngon, làm cho thịt bò nhanh mềm, không bị dai. Vị chua của lá sẽ giúp kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hóa, không lo đầy bụng, khó tiêu.
Lá lốt
Bò cuốn lá lốt, hay thịt lợn cuốn lá lốt là món ăn thân thuộc trên mâm cơm người Việt từ Bắc đến Nam. Lá lốt mềm, hình dáng gần giống lá trầu. Thịt lợn, thịt bò được băm nhuyễn, tẩm ướp gia vị vừa miệng, hơi ngọt một chút, nướng hoặc chiên, sẽ tạo nên một món ăn rất ngon miệng. Vị của lá lốt nhẹ, không ảnh hưởng đến mùi vị của thịt. Do đó, bạn có thể xào thịt ba chỉ với lá lốt, hoặc canh thịt bò lá lốt, ăn cũng rất ổn.
Lá xương sông
Ngoài thịt cuốn lá lốt thì với cách làm tương tự, bạn cũng có thể nấu cùng với lá xương sông. Loại lá này hơi cứng, có sống to, lá hơi răng cưa, bọc bên ngoài viên thịt băm nhuyễn đã tẩm ướp, sau đó chiên trên chảo nóng. Tuy nhiên, vị của lá xương sông mạnh hơn của lá lốt nên những chưa quen sẽ thấy hơi lạ, còn với những người đã nghiện thì chả xương sông mới là số 1. Do lá cứng nên khi chế biến bạn cũng cần cẩn thận hơn so với lá lốt, lá dễ bị gãy và khó cuốn hơn.