Con ốc mút sống ở biển nên bản chất từ ngoài vào trong đã mặn mòi, đậm đà. Ốc mút giàu hương vị, khác hẳn thức ốc khêu như ốc mít, ốc đá, ốc nhồi. Thịt ốc mút không nhiều, nhưng ăn miếng nào, biết miếng đó. Mùa ốc mút ngon nhất là khoảng tháng 11 âm lịch, nhưng vào những ngày giao mùa của cái tháng “Thất Tịch”, âm dương lẫn lộn này, ăn ốc mút cũng ngon đáo để.
Hồi xưa, ốc mút là một món quà vặt vãnh được bọn học trò thò lò mũi xanh khá ưa chuộng. Chỉ vài hào một phễu ốc mút, đựng trong chiếc phễu giấy thuôn dài dài, giống hệt hình con ốc mút. Cái phễu giấy này thường được cuộn bằng những trang sách học trò lem lem màu mực tím, dùng để gói hạt dẻ gai, lạc rang húng lìu, táo dầm và ốc mút. Cứ vừa đi vừa bốc ốc, đút cái đít vào cái lỗ tròn giữa đồng 5 xu, bẻ cụt đít ốc, rồi cho vào mồm mút cái chụt. Nếu không có đồng 5 xu thì dùng lỗ của cái chìa khóa nhà để bẻ cũng được. Lắm hôm trời lạnh cóng tay, lóng ngóng đánh rơi con ốc xuống đường. Chẳng hề gì, lại nhặt lên thổi phù phù cho hết đất cát, rồi lại bẻ, lại mút ngon lành. Thật nhớ cái đồng 5 xu thần thánh đó, lúc nào cũng kè kè trong túi quần, hễ có ốc mút là lại lôi ra động thủ. Và nhớ cả những dây vải đeo chìa khóa nữa. Nhìn kỹ, kiểu gì cũng dính vài cái vẩy ốc mút nhỏ xíu, dính chặt vào kẽ vải.
Những ngày rằm Trung Thu, mẹ cũng hay mua ốc mút về để góp cỗ trông trăng. Ốc được luộc chín với dăm cái lá bưởi bánh tẻ xanh già. Lá bưởi này chứa nhiều tinh dầu, khi luộc bị hơi nóng ép tinh dầu ra khiến nồi ốc mút trở nên thơm tho hơn. Luộc xong, ốc được đổ ra khay có lót mấy tờ giấy to bản, dày dặn để gói ốc lại nhằm giữ hương vị và độ nóng của ốc được lâu. Đến lúc phá cỗ, mới mở bung ra, khay ốc tỏa mùi hương thơm ngào ngạt, lập tức thu hút mọi người trong nhà sà xuống xung quanh, hồ hởi vừa ngắm ánh trăng rằm tãi vàng khắp sân nhà, vừa bẻ ốc để mút chụt chụt ngon lành.
Ốc mút có tính gây nghiện cao. Hương vị lạ lùng của ốc mút nằm ở cái vị nhằng nhặng đắng. Ốc mút càng ngon, vị nhằng nhặng càng rõ rệt. Phần thịt ốc mút không nhiều, bởi con ốc chỉ to cỡ cây bút chì, to lắm thì bằng ngón tay út. Đầu ốc chỉ bé tí tẹo, ăn giòn như các loại ốc khác nhưng đậm đà hơn nhiều. Ruột ốc mút không chỉ có màu trắng đục hay vàng như ốc mít, ốc đá mà khá nhiều màu: đen, xanh, đỏ, vàng… nhìn thì hơi ghê nhưng khi nằm trên lưỡi lại đem đến một vị ngon lạ lùng, khó tả.
Bởi là loài sống ở biển nên ốc mút không cần nước chấm như ốc nước ngọt. Chỉ cần luộc với một chút xíu nước, với vài cái lá bưởi là ngon lắm rồi. Bây giờ, người ta cầu kỳ hơn khi dùng nước luộc có vị chua, cay, mặn, ngọt, ớt xay, sả xắt mỏng để tạo thêm mùi vị khác cho ốc. Hoặc cầu kỳ hơn là xào với me, nước cốt dừa. Nhưng dù có biến tấu như thế nào đi chăng nữa, chẳng thể nào ngon chân chất như ốc mút luộc đúng kiểu ngày xưa, chỉ với nước trắng và lá bưởi.
Bây giờ, người ta cũng chẳng dùng lỗ xu hay lỗ chìa khóa để bẻ ốc nữa mà dùng kìm cắt dây điện. Những chiếc kìm đen xì, bọc nhựa ở tay cầm cắt đít ốc ngọt xớt. Dễ dàng hơn nhiều, lại không tạo vụn như những công cụ bẻ ốc ngày xưa khiến miếng ốc ít bị dính vụn hơn.
Nhìn cảnh ăn ốc mút khá buồn cười với những người lần đầu chứng kiến. Bên chiếc mẹt tre hoặc mâm nhựa, những kẻ nghiện ốc mút nhăm nhăm những cái kìm để bẻ đít ốc rồi khoan thoai đưa vào miệng mút một tiếng rõ kêu. Nếu hơi không đủ mạnh, ốc không được mút ra hết, lại phải mút thêm lần nữa để không bỏ phí phần ngon cuối thân ốc.
Các ông bà ốc mút không còn lẩn quất ở ngoài trường học, bởi lũ học trò ngày nay chẳng biết ốc mút là gì. Thế nhưng, trên những con phố bàn cờ của Thành Nam, vẫn còn đâu đó những hàng ốc mút, bé nhỏ, lẩn khuất và khiêm nhường. Nhưng nếu có tâm đi tìm, vẫn sẽ gặp thôi.
Ốc mút ăn chơi nhưng nhớ rất lâu. Những khi trời se lạnh đầu mùa hay thánh thót tiếng mưa rơi, người ta rất thèm con ốc mút vừa mặn mòi, vừa nồng ấm lại nhằng nhặng khôn cùng. Những cái vảy ốc mỏng như giấy, bé như cánh bèo tấm cứ hay dính vào đâu đó trong tâm thức.