Chinh phục Mã Pì Lèng

Trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng của phương Bắc, con đèo nằm vắt giữa Đồng Văn và Mèo Vạc của mảnh đất Hà Giang được xem là hiểm trở nhất nhưng cũng có khung cảnh hùng vĩ nhất.

409

Những con đèo, những đoạn dốc là “đặc sản” của mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang. Giữa núi rừng hoang vu và những vỉa đá tai mèo, uốn lượn bao quanh núi là con đường lắt léo vòng quanh, đưa bạn đến với những địa danh xa xôi nhất của mảnh đất vùng cực Bắc Tổ quốc như Sà Phìn, Lũng Cú, Đồng Văn.

164-NguyenTrongMinh-MG_2726-copy

Từ thị trấn Yên Minh đến Đồng Văn, con đường tiến sâu vào Hà Giang đã bắt đầu với đèo và dốc. Những khúc cua liên tục khiến xe chuyển mình ngả trái rồi ngả phải. Có những đoạn cong vòng một đường tròn, để rồi mở ra trước mắt là khung cảnh vô cùng hùng vĩ của núi non. Đá ở khắp mọi nơi, những dãy núi đá nhọn đâm tua tủa màu đen bóng trên núi, đá làm nhà, đá làm hàng rào. Người Hà Giang sống chung với đá tai mèo. Người ta gùi từng gùi đất nhét vào giữa những kẽ đá, rồi vùi từng hạt ngô trong đá, tưới nước cho cây lớn lên. Giữa đá tai mèo là ngô xanh rì, giữa ngô và đá tai mèo là những bước chân của những người Mông cần cù, ngày ngày cõng nước lên chăm cho từng cây ngô non. Ngô làm rượu, ngô làm bánh, ngô là món ăn hàng ngày của người dân tộc vùng cao nơi này.

304-LeKhieuMinh-Nho-Que-trong-suong

Con đường cứ uốn lượn như thế, cứ mở ra cho người chạy xe hết bức tranh này đến bức tranh khác, cho đến khi xe chạy đến đèo Mã Pì Lèng, nơi mà cảnh sắc mới thực sự ngoạn mục và sửng sốt.

Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20km. Vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng, một đỉnh núi cao nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối hai địa phận Đồng Văn và Mèo Vạc. Sau đoạn dốc lên dài là những khúc cua quanh co khiến ai cũng phải thót tim, giữa một bên là dốc đá sừng sững, phía bên kia là vực sâu thăm thẳm với dòng Nho Quế biếc xanh tựa dải khăn mềm mại vắt ngang núi ngang trời. Đường xuống sông chạy gần như song song với dòng sông, màu đất đỏ quyện lấy bánh xe. Đứng từ mặt bên này thấy con đường dài phía bên kia như một con rắn trườn mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.

378-DoAnhTuan-DL009Nang-som-tren-dinh-Ma-pi-len

Con đèo cứ lên, rồi cua, rồi lại lên. Nhiều đoạn cua một vòng tay áo tưởng muốn cháy ga mới lên hết được. Một cảm giác vô cùng khó tả. Lên đèo, đừng vội phóng ga chạy tít mù, cứ nhẩn nha mà đi, mà thưởng cảnh, mà leo đèo, mà tuột dốc. Có thể nói, Mà Pì Lèng là nơi có cảnh ngoạn mục bậc nhất đất Hà Giang nhưng vượt đèo phải qua những khúc quanh hiểm nguy. Đó là vào những ngày mưa, mây mù bao phủ khắp con đèo.

Trên đỉnh đèo là một tấm bia lớn khắc ghi lại sự hy sinh thầm lặng của những người đã làm nên con đường Hạnh Phúc. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 chủ yếu là thanh niên dân tộc Mông đục đá mở đường làm nên con đường huyền thoại, người ta phải treo mình trên dây, giữa lưng chừng những đá tai mèo mà thi công ròng rã trong suốt 11 tháng trời.

Tắt máy, dừng xe. Từ trên đỉnh đèo nhìn toàn cảnh núi rừng Hà Giang, mới thấy hết sự hùng vĩ của mảnh đất này. Hẻm vực Tu Sản đã được sửa thành điểm ngắm cảnh. Núi non trùng điệp, trời xanh thăm thẳm, dòng sông xanh thăm thẳm. Ít xe cộ qua lại nơi này nên khung cảnh càng thêm tĩnh mịch. Những cô bé cậu bé người Mông gùi nặng trên vai, mồ hôi ướt đầm nhưng nụ cười hồn nhiên vẫn luôn bừng sáng.

MaPiLeng

Vượt qua Mã Pì Lèng, còn rất nhiều con dốc khác thử thách tay lái người chạy xe. Là dốc Sơn Vỹ dựng ngược xe mà lên. Là cua M mê hoặc bất cứ ai đam mê lướt xe nghiêng ngả. Là Du Già – Mậu Duệ với những tảng đá hộc… Hà Giang là mảnh đất tuyệt vời cho bất cứ ai đam mê khám phá, yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên với những cung đường đáng chinh phục bậc nhất.