‘Xem ảnh mà nhớ Sài Gòn, nhìn hình mà muốn đến Việt Nam quá!’

“Với người phương Tây, Sài Gòn là một nơi rất khác. Cuộc sống đa dạng ở Sài Gòn là điều chúng tôi không thấy ở phương Tây, nơi chúng tôi không sống cởi mở trên đường phố như vậy”.

354
Hẻm nhỏ Sài Gòn - Ảnh: Philip Genochio
Hẻm nhỏ Sài Gòn – Ảnh: Philip Genochio

Trong cộng đồng người nước ngoài đã và đang sinh sống ở Việt Nam, có những người mê… lang thang để khám phá, tìm hiểu, và chia sẻ cảm xúc của mình với những câu chuyện mà họ vô tình bắt gặp qua ống kính máy ảnh của mình. Philip Genochio và Tanya Olander là hai trong số đó.

“Sài Gòn thứ thiệt”

Một buổi chiều gần cuối tháng 7, Philip Genochio ngồi trong quán cà phê nằm cuối một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn, say sưa nói với Tuổi Trẻ về đam mê khám phá và chụp lại những hình ảnh mang hơi thở đời sống mà ông gọi là phản ánh “Sài Gòn thứ thiệt”.

“Với người phương Tây, Sài Gòn là một nơi rất khác. Cuộc sống đa dạng ở Sài Gòn là điều chúng tôi không thấy ở phương Tây, nơi chúng tôi không sống cởi mở trên đường phố như vậy” – Philip mở đầu câu chuyện của mình về cảm nhận của ông khi lần đầu đến với Sài Gòn.

Đến Sài Gòn năm 2011 để làm giáo viên tiếng Anh, tuy nhiên suốt nhiều năm nay ông cũng dành nhiều tâm huyết cho một đam mê khác của mình ở @saigonpix – trang Instagram nơi ông chăm chỉ chia sẻ các hình ảnh rất đời sống của Sài Gòn với những người cũng yêu Sài Gòn như ông.

Người bán chuối chiên - Ảnh: Philip Genochio
Người bán chuối chiên – Ảnh: Philip Genochio

Bắt nguồn từ việc thấy cái gì thú vị thì chụp đăng lên Instagram từ bốn năm trước, nên mọi hình ảnh của Saigonpix đều được chụp và chỉnh sửa bằng điện thoại. Trong hai năm nay, Philip Genochio đăng ảnh đều đặn hơn và cố gắng ít nhất mỗi ngày một tấm về Sài Gòn. Xem ảnh của Saigonpix, không quá khó để nhận ra người đàn ông đến từ London này có một niềm đam mê đặc biệt với những con hẻm và các khu chợ.

“Tôi thích cảm giác tò mò khi đi vào các con hẻm, phân vân đến ngã giao thì quẹo trái hay phải, có gì hay trong con hẻm đó không. Có lần tôi đi sâu vào một con hẻm sau một khu chợ, vô tình thấy được cảnh người ta bện chổi bằng cọng dừa, thật sự là một trải nghiệm rất thú vị mà lần đầu tôi mới được thấy” – Philip khoe.

Ảnh: Philip Genochio
Ảnh: Philip Genochio

Dù đã ở Sài Gòn gần sáu năm, ông vẫn không thôi có cảm giác mới mẻ về thành phố này. “Tôi ở Q.4 nhiều nhất nhưng chưa bao giờ dám nói mình biết hết Q.4, lúc nào cũng có những điều mới lạ chưa bao giờ thôi làm tôi ngạc nhiên” – ông cười.

Philip Genochio kể mỗi khi có dịp đi công việc ở đâu đó, ông nghiên cứu địa điểm trước bằng Google Map, sau đó cố gắng dành 1-2 tiếng để thăm thú khu vực xung quanh. Ông còn cẩn thận đánh dấu hàng trăm địa điểm bằng nhiều màu khác nhau trên bản đồ để phân loại nơi nào đã và sắp đi.

Cứ như vậy, khi nào rảnh là Philip lại lang thang khắp Sài Gòn, có hôm thấy đăng hình bến xe Miền Tây ở Bình Tân, hôm khác lại lạc sang Q.6, hôm nào đi gần thì quận 1, 3…

Với hơn 1.300 bức ảnh và 2.400 người theo dõi, Saigonpix của Philip Genochio không tham vọng trở thành một trang nổi tiếng, mà chỉ là nơi ông chia sẻ cảm xúc của mình về Sài Gòn, để rồi thỉnh thoảng lại bắt gặp những bình luận kiểu như “xem ảnh mà nhớ Sài Gòn quá” của một Việt kiều nào đó, hay “nhìn hình mà muốn đến Việt Nam quá” của một người bạn nước ngoài.

Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Tanya Olander
Nhà thờ Đức Bà – Ảnh: Tanya Olander

Đâu đó ở Sài Gòn

Đối với cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Sài Gòn, trang Instagram @somewheresaigon và Facebook Somewhere in Saigon (Đâu đó ở Sài Gòn) của nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Tanya Olander không còn mấy xa lạ. Với hơn 25.400 người theo dõi trên cả hai trang, Tanya Olander là một trong những tay máy mà nhiều người nước ngoài nhắc đến khi nghĩ về nhiếp ảnh đường phố ở Sài Gòn.

Ảnh của Tanya không có chủ đề cụ thể, có khi cô chụp người, có khi chụp cảnh, lúc lại chụp ẩm thực hay thú cưng…, nhưng khiến người xem có cảm giác vừa gần gũi vừa dễ chịu về Sài Gòn, qua đôi mắt chứa đựng nhiều tình cảm với thành phố này của người chụp ảnh.

Somewhere in Saigon (Đâu đó ở Sài Gòn) của nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Tanya Olander
Somewhere in Saigon (Đâu đó ở Sài Gòn) của nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Tanya Olander

Không chỉ vậy, nữ nhiếp ảnh gia đến từ Stockholm còn tỉ mẩn viết chú thích cho từng bức ảnh mà cô đăng lên, đúng như lời cô miêu tả về mình là “một người chụp ảnh đi kể chuyện về Sài Gòn”.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Tanya Olander vẫn còn nhớ như in ấn tượng đầu tiên của cô về một Sài Gòn náo nhiệt ngày cô mới đến vào mùa hè năm 2012, khác hẳn với quê nhà Stockholm yên ắng của mình. “Ngay lập tức tôi bỗng yêu sự náo nhiệt đó. Ví von một chút, đối với tôi, Sài Gòn giống như một chiếc nồi đất màu sắc rực rỡ, được đun trên một ngọn lửa nhiệt thành” – Tanya kể.

Tanya đang ấp ủ dự án ra một quyển sách ảnh về Sài Gòn, sau khi cô liên tục nhận được rất nhiều phản hồi từ người Việt Nam, du khách, Việt kiều nói xem ảnh của cô làm họ xúc động quá.

Hàng rong - Ảnh: Tanya Olander
Hàng rong – Ảnh: Tanya Olander

Do công việc của chồng nên hiện tại cả gia đình cô đã chuyển sang Thượng Hải sinh sống. Cô nói mình sẽ không thể quên được những lần được mời uống cà phê, mời cơm hay thậm chí cả mời… nhậu khi đi chụp ảnh, những buổi chợ sớm mai, hay những trận cười khi cô được khen “người nước ngoài cao quá, chắc cũng phải 2m”.

“Rời Sài Gòn không phải là một quyết định dễ dàng. Chúng tôi yêu Việt Nam và đã có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời trong 5 năm ở Sài Gòn. Khi xem lại hình ảnh trên Instagram, mỗi bức ảnh đều giữ một kỷ niệm đặc biệt và tôi cảm thấy rất may mắn khi mình có được một kho báu như vậy. Việt Nam, và Sài Gòn nói riêng, sẽ luôn luôn giữ một vị trí rất đặc biệt trong tim tôi” – Tanya xúc động bày tỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua mạng, Tanya Olander không kìm được cảm xúc, cô nói “ngồi viết những dòng này mà tôi nhớ Sài Gòn quá…”.

Sạp bán rau cải - Ảnh: Tanya Olander
Sạp bán rau cải – Ảnh: Tanya Olander

Hàng rong Hà Nội từ trên cao

Tháng 10 năm nay, quyển sách về những xe hàng rong đầy chất thơ ở Hà Nội mà nữ nhiếp ảnh người Hà Lan Loes Heerink ấp ủ bấy lâu dự kiến được hoàn thành, cô phấn khởi khoe với Tuổi Trẻ qua email từ Hà Lan.

Tháng 10 năm ngoái, Loes Heerink khiến dân mạng phải xuýt xoa trước bộ ảnh tuyệt đẹp có chủ đề Vendors from above (tạm dịch: Hàng rong nhìn từ trên cao) của mình. Bộ ảnh không chỉ gây xôn xao cộng đồng mạng ở Việt Nam, mà còn thu hút truyền thông quốc tế. Tờ Business Insider của Mỹ hay chuyên trang du lịch Lonely Planet đều viết về dự án ảnh này của Loes.

Ý tưởng chung của bộ ảnh rất đơn giản, đó là đứng từ trên cao và chụp những chiếc xe đạp chở chủ yếu là hoa và trái cây – một trong những “đặc sản” đáng nhớ của Hà Nội – đi ngang qua và chụp.

Lý thuyết đơn giản là vậy nhưng để có được bộ ảnh, Loes đã phải leo lên nhiều cây cầu ở Hà Nội, đứng đợi nhiều giờ liền trong nhiều ngày chỉ để chờ những cô hàng rong đạp xe qua và chụp.