Nếu bạn có dịp ghé thăm “xứ Nẫu” Quy Nhơn, chớ bỏ qua món sứa nước lèo lừng danh của miền đất này. Nhất là vào những hôm trở trời, lúc mưa lúc nắng ở miền đất Nam Trung Bộ chớm vào mùa mưa, chẳng gì bằng ngồi nhâm nhi ly rượu Bàu Đá với nồi sứa nước lèo.
Sứa ở Quy Nhơn ngon nhất đẳng là sứa ở đầm Thị Nại. Phần sứa ăn được chỉ là tai và chân. Phần tai nhiều nước nên ăn không ngon bằng phần chân màu trắng đục, giòn sần sật và dai. Có khá nhiều món ăn ngon được chế biến từ sứa, chẳng hạn nộm sứa, bún sứa và đặc biệt là sứa nước lèo. Nếu nộm sứa và bún sứa đem đến vị mát mẻ của món ăn chơi, giải nhiệt hợp với mùa hè nóng nực thì nồi sứa nước lèo hợp với thời tiết mưa gió bởi nồi nước lèo phải được đun trên bếp cồn để luôn giữ được sự nóng hổi. Có thế, khi nhúng nhanh miếng sứa vào nước lèo đang sôi mới đảm bảo miếng sứa chín mà vẫn giòn.
Sứa nước lèo chế biến cầu kỳ ở khâu chuẩn bị. Chân sứa tươi phải chà rửa cho sạch nhớt, ngâm với nước lá ổi cho săn lại và hết mùi tanh. Riêng khoản ngâm nước lá ổi này đã mất một ngày. Sau đó, sứa vớt ra rửa lại với nước sạch và vắt kiệt nước rồi thái thành miếng vừa ăn.
Nước lèo được ninh bằng xương heo trong vòng 3 tiếng, lửa không được quá to để chất ngọt trong xương tiết hết ra. Lúc ninh, liên tục phải hớt bọt để nước được trong. Tốt nhất, trước khi dùng nên lọc lại nước ninh một lần nữa để loại bọt và cặn. Khi nước dùng đã có, đặt chảo lên bếp cho đầu tôm vào với một chút nước lạnh. Đầu tôm chín đỏ, toả mùi thơm thì tắt lửa, dùng muôi nghiền nát đầu tôm để chất ngọt cùng gạch thôi ra, sau đó lọc lấy nước trong, để ra bát riêng. Không nên ninh quá lâu vì nước sẽ mất độ ngọt lại đắng.
Lấy một chảo khác đun mỡ nóng già rồi phi tỏi và hành bằm cho thơm, cho thịt tôm giã nhỏ, nhưng không quá nát, vào xào cùng cà chua bóc vỏ xắt hạt lựu đến khi thành một hỗn hợp sền sệt. Có thể dùng bột điều để có màu đỏ hấp dẫn cho nước lèo. Sau đó, đổ bát nước tôm vào đun khoảng 3 phút và chế nước ninh xương.
Khi nước lèo đã sánh, có màu đỏ tươi hấp dẫn thì cho hành tây xắt hạt lựu, cùng gừng thái chỉ, đầu hành và chút rau húng và bưng ra mâm. Thứ nước lèo đó ngon khôn tả, ngọt đậm hương vị của tôm, cay cay vị gừng và hăng hăng mùi rau húng. Nước lèo này dùng để làm nước sốt ăn với rau sống, xà lách cũng tuyệt vời.
Khi nước lèo đã sẵn sàng thì bày sứa và nguyên liệu “hộ tống” gồm lạc rang, xoài chua thái sợi, thân chuối hột xắt mỏng, hoa chuối, rau thơm tuỳ thích và không thể thiếu một vài quả ớt xanh miền Trung vừa cay vừa thơm, cùng một đĩa bún tươi sợi nhỏ nữa là đủ lệ bộ.
Điều chỉnh nhiệt để thố nước lèo sôi nhẹ nhưng nóng hổi. Cách ăn chuẩn nhất là cho sứa vào bát, gắp một ít bún, thêm xoài, hoa chuối, rau thơm, thêm ít lạc rang rồi múc nước lèo đang sôi đổ lên trên và… giao nhiệm vụ cho miệng và lưỡi. Đừng chần sứa trong nước quá lâu, sứa sẽ cứng ăn không còn ngon. Bưng bát dùng đũa lùa cả vào miệng rồi bắt đầu nhai. Nước lèo thì ngậy béo, thịt tôm thì thơm, hoa chuối thì chát, rau bạc hà thì the, lạc thì bùi, miếng sứa vừa giòn sần sật vừa mát vị đại dương, nước miếng đua nhau tứa ra. Cắn ngang thân quả ớt xanh cho đúng điệu nữa thì ngon quên sầu. Thêm một ly rượu Bàu Đá đậu xanh thì đúng là tuyệt đỉnh.
Ngồi bên bờ cảng Quy Nhơn ngắm nhìn những con tàu sơn xanh dập dìu theo sóng. Mưa vẫn mưa bay nhè nhẹ, đĩa sứa vơi dần, thố nước lèo hết lại đầy, tâm hồn ngà ngà theo men rượu. Những con mắt sơn trên những con tàu đeo biển Quy Nhơn hấp háy như hỏi đùa: Sứa nước lèo ngon bá cháy phải không anh?