Không chỉ ở Việt Nam mà tại rất nhiều nước châu Á khác, ngày Rằm tháng 8 Âm lịch cũng được coi như một ngày lễ lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ở mỗi quốc gia, tùy theo phong tục tập quán, người dân lại có một thức bánh riêng để ăn trong ngày này.
Cùng dạo qua một vòng để thưởng thức những vị bánh Trung thu truyền thống của từng quốc gia châu Á khác nhau.
Bánh Trung thu Tsukimi Dango của Nhật Bản
Dango là tên gọi chung của loại bánh bao được làm từ bột gạo (mochiko), loại bánh này khá giống mochi (là một loại bánh gạo của Nhật), thường được dùng chung với trà.
Truyền thuyết về bánh Dango được người Nhật Bản hay kể lại với con cháu là vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, Ngọc Hoàng ở trên trời có chuyến vi hành xuống trần gian rồi vô tình gặp được một chú thỏ. Ngọc Hoàng quá đói và hỏi xin chú thỏ thức ăn, tuy nhiên, vì thỏ không có thức ăn nên đã quyết định nhảy vào đống lửa để trở thành món thịt thỏ cho Ngọc Hoàng ăn.
Quá cảm động với tấm lòng của chú thỏ, Ngọc Hoàng đã đưa thỏ lên cung trăng, để từ đó trở đi, vào mỗi ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, thỏ lại giã bánh Dango trên cung trăng rồi ban phát cho tất cả mọi người dưới trần gian.
Vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, người Nhật Bản lại tự tay trộn bột nếp với nước rồi giã thành bánh Dango. Bánh Dango được bày bày theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là chiếc bình trang trí bằng cỏ susuki, sau đó họ đặt kế lên hiên nhà, hoặc gần bên cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng.
Bánh trăng khuyết Songpyeon của Hàn Quốc
Hình ảnh trăng khuyết được người Hàn Quốc coi như biểu tượng của sự hạnh phúc, sinh sôi nảy nở bởi họ quan niệm “trăng khuyết rồi sẽ tròn”. Chính vì vậy, vào ngày Tết Trung thu, người Hàn Quốc sẽ nặn những chiếc bánh theo hình trăng lưỡi liềm. Loại bánh này gọi là Songpyego.
Bánh Songpyego được làm gần giống bánh trôi của người Việt Nam. Nguyên liệu chính là bột gạo, đường nhồi thật kỹ với nước. Bánh sau khi nặn được cho nhân đậu vào giữa, rồi hấp với một ít lá thông tươi. Ngoài bánh màu trắng, người còn làm bánh màu hồng từ trái dâu, màu xanh đậm từ lá ngải cứu, màu vàng từ bí đỏ,…
Vào đêm Trung thu (Chuseok) cả gia đình sẽ ngồi lại với nhau để làm bánh. Người Hàn Quốc vẫn truyền với nhau rằng: thiếu nữ nào làm bánh Songpyeon vừa đẹp lại vừa ngon, sẽ gặp được ý trung nhân như ý, phụ nữ có gia đình thì sẽ sinh được con gái xinh xắn.
Bánh Trung thu “đoàn viên” của Trung Quốc
Chuyện kể rằng trong triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc, Chu Nguyên Chương, vị tướng Quân Minh, tính kế sử dụng bánh Trung thu để gửi thông điệp khởi nghĩa tới người dân nhằm lật đổ ách thống trị của người Mông Cổ. Vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, ngày mà mặt trăng tròn nhất, người dân nổi dậy khởi nghĩa và lật đổ ách thống trị, lập lên triều đại nhà Minh.
Ngày Tết Trung thu của người Trung Quốc, vì thế mang ý nghĩa “đoàn viên”. Vào ngày này, người Trung Quốc sẽ làm những chiếc bánh nướng hình tròn, bên trong nhân bánh khá phong phú đủ vị như đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, thịt quay, xá xíu… Trên bề mặt bánh thường in các chữ với ý nghĩa tốt lành.
Bánh Trung thu Hopia của Philippines
Bánh Trung thu của người Philippines là những chiếc bánh nướng đơn giản, thoạt nhìn hơi giống bánh bao có tên gọi là bánh Hopia. Bánh Hopia không nhiều màu sắc, hoa văn cầu kỳ nhưng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân phong phú. Nhân có thể là đậu xanh, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím… Bánh độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn giòn. Người ta có thể tự làm bánh thủ công tại nhà. Khi bẻ đôi bánh, lớp bột bánh mỏng, để lộ phần nhân khá hấp dẫn.
Bánh Trung thu lạnh của Singapore
Singapore là đất nước của sự pha trộn tất cả các nền văn hoá trên thế giới, nhưng với số lượng người Châu Á chiếm đa số nên các nét Á Đông vẫn rõ nét nhất. Hơn nữa, do người Hoa sinh sống ở đất nước sư tử rất khá đông nên văn hoá của họ cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc.
Bánh Trung thu ở Singapore trước đây cũng chỉ là kiểu bánh nướng nhân ngọt truyền thống, tuy nhiên trong một vài năm gần đây, các loại bánh Trung thu hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều. Bánh Trung thu ở Singapore không chỉ có các loại nhân sầu riêng, kem, tổ yến, sô cô la, trà xanh, phô mai tươi… mà còn có cả dạng bánh Trung thu lạnh hay còn gọi là bánh dẻo tuyết, bánh dẻo lạnh, snow skin…
Bánh Trung thu lạnh có lớp vỏ được làm bằng bánh dẻo, cùng phần nhân là viên chocolate có thạch trái cây thơm mát, ngọt nhẹ. Được giữ lạnh, bánh mang đến cảm giác ngọt dịu, dễ chịu.
Bánh Trung thu ở Singapore trước đây cũng chỉ là kiểu bánh nướng nhân ngọt truyền thống, tuy nhiên trong một vài năm gần đây, các loại bánh Trung thu hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh: Internet)
Tại Singapore có nhiều cơ sở bán bánh Trung thu rất được người dân ưa chuộng và tìm mua chẳng hạn như các nhà hàng, tiệm bánh và khách sạn của người Hoa.
Tại Singapore có nhiều cơ sở bán bánh Trung thu rất được người dân ưa chuộng và tìm mua chẳng hạn như các nhà hàng, tiệm bánh và khách sạn của người Hoa (Ảnh: Internet)
Bánh Trung thu Đài Loan
Ngoài dạng bánh nướng Trung thu thông thường giống bánh Trung thu “đoàn viên” ở Trung Quốc đại lục, người Đài Loan còn hay ăn một loại bánh Trung thu khác có hình tròn nhiều lớp cuộn lấy nhau mà người ta vẫn gọi là bánh Trung thu ngàn lớp. Loại bánh Trung thu này thường có nhân bên trong bằng đậu đỏ, khoai môn.
Bánh Trung thu sầu riêng Thái Lan
Ở Thái Lan, bánh Trung thu được bánh nhiều ở khu Chinatown, đường Yaowarat. Loại bánhTrung thu phổ biến nhất ở nước này là bánh nướng nhân sầu riêng cùng với 1-2 lòng đỏ trứng muối – tượng trưng cho mặt trăng tròn.