Có giả thuyết cho rằng lý do khiến những người hiện đại không còn tiếp xúc với thiên nhiên là vì chúng ta không còn có thể nhìn thấy những ngôi sao khi đêm tới nữa. Điều này là do ánh sáng nhân tạo từ các bóng đèn điện trong thành phố đã che lấp mất những tia sáng tự nhiên trên bầu trời đêm.
Nếu không nhờ hàng triệu vì sao ấy tồn tại như một lời nhắc nhở không dứt về vị trí của loài người trong vũ trụ, thì có lẽ chúng ta cũng đã quên mất cái thực tế con người chỉ là những thực thể nhỏ bé đứng bấp bênh trên một hòn đá nhỏ giữa thiên hà vô tận.
Chúng ta thậm chí không hề quan tâm đến bầu trời trông như thế nào, ta sống biệt lập trong những tường thành ta đã dựng. Ngắt kết nối với vũ trụ, chặn cả những lời nhắc nhở thân tình về sự mong manh của loài người, ta càng lúc càng mù quáng, càng lúc càng xa rời trong mối quan hệ với vũ trụ và môi trường tự nhiên.
3 lần và nhiều nỗi bàng hoàng
Lần đầu tiên đến Tà Năng – Phan Dũng, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy của nó, nét đẹp hùng vĩ nguyên sơ, gần như chưa được khai phá.
Đó là một cuộc hành trình ba ngày gian khổ, tôi đã phải liên tục leo lên trèo xuống các ngọn đồi dốc, cõng theo một khối lượng lớn nước và thức ăn trên vai, cộng cả việc rất dễ bị lạc ở nơi đó nếu không có sự chuẩn bị trước và hiểu biết về đường đi lối lại.
Nhóm của chúng tôi gồm bốn người, mặc dù phải đối mặt một vài trở ngại trên đường đi nhưng cuối cùng cả nhóm cũng tìm được hướng đi đúng.
Thật may mắn là chúng tôi có một số kiến thức về sinh tồn, có la bàn, thêm cả bản năng men theo bờ sông, nó đã dẫn chúng tôi ra khỏi rừng mà không hề bị sây sát nặng. Đến phút cuối cùng trước khi rời, chúng tôi đã không lấy bất cứ thứ gì đi và cũng chẳng hề vứt bất cứ thứ gì ở lại.
Lần thứ hai tôi trở lại rừng là một năm sau đó, nó dần bắt đầu bị bao phủ bởi các nhóm du khách, tôi cũng nhận thấy rằng có rất nhiều người thích đi vào cùng thời điểm giống như tôi. Và lần thứ ba chỉ vừa xảy ra tháng trước, lần này thật đáng tiếc, Tà Năng – Phan Dũng đã thật sự gặp rắc rối lớn.
Vào sáng đầu tiên của chuyến mạo hiểm thứ ba đến Tà Năng – Phan Dũng, vật lộn với cái balô chất đầy đồ ăn, quần áo và sáu lít nước cho hành trình suốt ba ngày hai đêm, tôi nhận thấy không thể bị lạc được nữa, ta có thể dễ dàng lần theo dấu của những mảnh rác bị bỏ lại từ đầu tới cuối cung đường.
Khi bước xuống đường mòn, tôi thấy một nhóm người trong những bộ quần áo trekking mới coóng đắt tiền cùng với gậy “tự sướng” gắn với điện thoại luôn ở trên tay, mang theo loa và mở nhạc ầm ĩ khắp khu rừng. Họ chả khác gì một đám xe cộ vào giờ cao điểm, luôn luôn la lối ồn ào, chẳng hề quan tâm đến bất cứ thứ gì ở xung quanh, phá phách và vô ý tứ, vứt rác ở bất cứ nơi đâu miễn tiện tay.
Tôi nghĩ thầm: “Họ cũng có thể ở nhà và nhìn được tất cả mọi thứ qua Internet. Thế này không phải thực sự là cách để du ngoạn”. Đằng xa, người khuân vác mang tất cả đồ dùng thiết yếu, thức ăn và quần áo phụ.
Có lần, tôi đọc được đoạn quảng cáo chuyến đi Tà Năng – Phan Dũng của một công ty du lịch viết: “Du khách chỉ cần mang theo các đồ dùng cá nhân cần thiết, càng ít càng tốt. Tất cả những thứ còn lại chúng tôi sẽ lo hết toàn bộ từ đồ ăn, nước uống, lều trại, túi ngủ, tấm cách nhiệt, đèn pin…”.
Ngày thứ hai, chúng tôi đến được thác Yaly. Tim tôi như thắt lại khi nhìn thấy hàng đống vỏ lon bia vương vãi trên nền cỏ xanh mướt, các chai nhựa và rác thải ở khắp mọi nơi.
Tôi thường đổ đầy các bình nước dự trữ bằng nước dưới dòng suối, nhưng lần này tôi phải chứng kiến cảnh tượng hàng chục người vứt rác và xả đủ thứ hóa chất xuống dòng nước, gội đầu với dầu gội ngay bên dưới thác, thậm chí cả đi vệ sinh.
Quá trình hủy hoại tài nguyên rừng
Tất cả đều bắt đầu với việc khám phá ra một nơi chốn đẹp đẽ mới, như Tà Năng – Phan Dũng hay Sơn Đoòng. Ngay sau đó, tiền là vấn đề thứ hai vào cuộc, lúc đầu có thể chỉ là một vài nhóm khách du lịch, rồi họ sẽ bắt đầu bán các sản phẩm như đặc sản hay quà lưu niệm để thu lợi.
Dần dần cơn đói sẽ càng lớn, cơn khát tiền sẽ càng cao. Từ đó, nó tiếp tục phát triển và lớn mạnh hơn nữa, cầu tăng, cung tăng, du khách tăng và thu nhập cũng tăng.
Tà Năng – Phan Dũng là một ví dụ tuyệt hảo. Hai năm trước khi tôi đến, tôi không hề thấy một bóng dáng nào ngoài vài người thợ đốn gỗ thân thiện.
Nhưng chỉ vừa tháng trước, khi cả nhóm leo tới đỉnh một ngọn núi nhỏ cực kỳ xinh đẹp để nghỉ chân vào cuối ngày, tôi nhìn quanh, cứ như thể có cả một ngôi làng đang cắm trại xung quanh tôi.
Có rất ít nơi tuyệt vời như Tà Năng – Phan Dũng còn sót lại ở Việt Nam, tôi rất mong người Việt Nam thật sự có trách nhiệm với nguồn tài nguyên quý giá của họ trước khi chúng biến mất.
Tôi không bao giờ tin vào việc đi khám phá bằng các chuyến tour được sắp xếp sẵn. Nếu bạn thật sự muốn đi, nhưng lại nghĩ rằng mình chẳng đủ khỏe để mang theo tất cả nước và thức ăn thì đừng đi. Hãy rèn luyện cơ thể tới khi cảm thấy đã sẵn sàng.
Đừng tự lừa dối. Nếu lo sợ sẽ bị lạc là vấn đề của bạn, cứ lên mạng vì tất cả bản đồ bạn cần đều nằm ở đó. Hãy nghiên cứu cách dùng la bàn, học cách men theo những dòng sông, mở rộng kiến thức.
Đừng gian lận và lấy nó làm cái cớ cho việc hủy hoại rừng. Nếu bạn không biết phải mang thứ gì theo, tra Google hoặc hỏi người thân cũng là cách hay, bạn phải tập nghiên cứu, phải học và phải làm.
Chẳng có lý do gì để bỏ cuộc. Nhưng nếu đối với bạn, các chuyến tour được xếp sẵn và người mang hành lý hộ là một điều tất yếu thì rõ ràng bạn vẫn chưa sẵn sàng để đi.
Đây là vấn đề toàn cầu, hi sinh Mẹ thiên nhiên để đổi lấy sự cách tân, phá hủy môi trường chỉ vì tiền. Nó không phải là vấn đề của chính phủ, cảnh sát hay kiểm lâm. Nó là vấn đề của chính chúng ta và chính quyết định của mình.
Bắt đầu bảo vệ rừng ngay bây giờ vì một khi đã biến mất, nó sẽ không bao giờ quay lại.