Nếu hỏi hải đăng Triều Dương thì có lẽ nhiều người dân trên đảo không biết, bởi họ vẫn quen gọi là trụ đèn Triều Dương. Trước những con sóng lớn trắng xóa ập vào trụ đèn, ngọn hải đăng vẫn đứng vững phía trước Hòn Tranh xinh đẹp. Hải đăng nằm ngay cầu cảng Phú Quý để dẫn đường cho những con tàu cập cảng đúng hướng vào ban đêm.
Nếu may mắn đến vạn An Thạnh vào ngày mở cửa bạn sẽ được chiêm ngưỡng bộ xương cá Voi từ năm 1963. Bộ xương dài khoảng 17 m, có một số chi tiết được phụng dựng lại, trưng bày trong ngôi nhà khá rộng cho du khách đến chiêm ngưỡng. Theo lời kể của người dân thì cá Ông (cá Voi, hoặc cá Heo) từng nhiều lần giúp ngư dân khi họ gặp nạn trên biển. Vì vậy, khi cá Ông chết (còn gọi là “lụy”) được ngư dân mai táng và thờ cúng rất long trọng. Hàng năm, người dân trên đảo làm lễ Nghinh Ông để tỏ lòng biết ơn vị cứu tinh đã giúp mình và mong ước gặp được nhiều thuận lợi khi đánh bắt xa bờ…
Chùa Linh Quang là ngôi chùa cổ trên đảo, nằm ở địa phận xã Tam Thanh. Chùa có nghệ thuật kiến trúc độc đáo, toàn bộ mặt chính hướng về phía tây bắc. Với sự kết hợp giữa khung cảnh thiên nhiên và kiến trúc độc đáo, ngôi chùa tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình.
Vịnh Triều Dương là một bãi tắm đẹp thu hút nhiều du khách. Ai ra đây đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của bãi tắm, nước biển trong xanh, bờ cát trắng uốn lượn theo mặt nước biển. Không khí rất trong lành, du khách có thể thả hồn bên những hàng thông reo vi vu theo gió bên rặng dừa xanh. Phía trước là Hòn Tranh với những con tàu neo đậu gần bờ.
Cột cờ Phú Quý được người dân hay gọi là cột cờ chủ quyền linh thiêng của đảo. Cột cờ được xây dựng sát bờ biển, đứng từ đây có thể ngắm được bờ biển trong xanh như ngọc bích.
Qua những bậc thang sau chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát bạn sẽ thấy một cảnh tượng thiên nhiên sơn thủy hữu tình, đứng trên là núi dưới xa kia là biển, thấp thoáng có những ngôi nhà, từng đường cong của đường biển mầu xanh. Những vết lồi lõm của từng khối đá tạo thành hình tượng ký thú, thu hút được nhiều du khách lên đây chụp hình. Đó là dấu vết của quá trình nứt gãy do núi lửa hàng triệu năm trước nơi đây tạo thành.
Ngay dưới chân núi Cao Cát là miếu thờ Công chúa Bàn Tranh, người dân quen gọi miếu Bà Chúa. Bà được vinh danh là người đầu tiên lập ra hòn đảo Phú Quý giữa biển Đông.
Cùng với nhà máy nhiệt điện trên đảo, với nguồn năng lượng gió đã cải thiện nguồn điện cho sinh hoạt của người dân. Ba tua-bin gió cũng góp phần tạo nên cảnh sắc riêng của đảo, thu hút được nhiều bạn trẻ đến check-in.
Đi trên bộ trên những bậc thang bằng đá dưới tán cây rợp mát sẽ dẫn bạn đến với đỉnh núi Cấm, nơi có ngọn đèn công suất lớn hàng đêm phát sáng giúp người dân thuận thiện đi lại trên biển. Bên cạnh chân nhà đèn có tượng Bác và hình ảnh biểu tượng ngọn đuốc đang rực cháy nên người dân vẫn quen gọi là Đuốc Bác.
Hải đăng Phú Quý là nơi cao nhất trên đảo, đi lên khu vực quan sát của ngọn hải đăng sẽ nhìn thấy toàn cảnh của hòn đảo với màu xanh của cây, những mái nhà san sát nhau.