Những món ăn ‘thần thánh’ hễ cứ mưa là lên cơn thèm

Trong ngày mưa mát mẻ, các món ốc, chuối nếp nướng, bánh khúc, súp cua hay thịt nướng là những món được nhắc đến nhiều nhất.

320

Ốc

1

Ốc là món ăn được “gọi tên” nhiều nhất trong những ngày mưa. Trong tiết trời mát mẻ của những cơn mưa mùa hạ, chui rúc vào một quán nhỏ, hít hà mùi ốc hấp lá chanh lan tỏa từ căn bếp nhỏ thật không có gì bằng. Dù các món ốc có thể chế biến tại nhà một cách dễ dàng, sạch sẽ nhưng dường như nhiều người vẫn thích cái cảm giác ngồi ở hiên một quán vỉa hè, nhể từng con ốc béo múp, chấm vào thứ nước chấm gia truyền mà hương vị không dễ gì học được. Ngoài ốc hấp lá chanh thuộc loại “kinh điển”, nhiều phiên bản khác cũng đắt khách không kém như ốc xào dừa, sốt me…

Chuối nếp nướng

Ảnh: Mr True
Ảnh: Mr True

Một món ăn vỉa hè Sài Gòn lọt vào danh sách các món “thần thánh” khi trời mưa đó là chuối nếp nướng. Ngày thường, bắt gặp một xe rong bán món ăn giản dị này quả là “dễ như trở bàn tay” nhưng thử tưởng tượng, đang chạy xe ngoài đường trong một ngày mưa tầm tã, chợt tạt vào quán ven đường, thưởng thức một miếng chuối nếp nướng nóng hổi, ngọt bùi lịm tim thì có ngon hơn ngày thường không nhé. Chuối làm bánh là chuối sứ, hay còn gọi là chuối Xiêm vừa chín tới, bọc bên ngoài là xôi nếp dẻo, quấn trong lá chuối tươi, nướng đến khi vàng lớp xôi bọc bên ngoài thì cắt khoanh rồi bày lên đĩa, tưới nước cốt dừa, rắc đậu phộng. Chỉ đơn giản là vậy mà chuối nếp nướng đã nức tiếng xa gần, thậm chí còn lưu tên trong nhiều danh sách ẩm thực quốc tế.

Bánh khúc

Ảnh: trangmin95
Ảnh: trangmin95

Nhiều người Hà Nội thổ lộ rằng điều họ nhung nhớ nhất trong những ngày mưa hay se se lạnh chính là tiếng rao “Xôi lạc bánh khúc đây” cùng món ăn bốc khói gói trong lớp lá dong dân dã. Bánh khúc hay xôi khúc là một món ăn truyền thống hiếm hoi còn sót lại mà vẫn được thực khách hiện đại “yêu thương” giữa đầy rẫy những món ăn du nhập từ nước ngoài. Lớp xôi bên ngoài dẻo dẻo, lớp lá khúc bên trong được giã nhuyễn thơm nhẹ, bao bọc lấy lớp đậu xanh và thịt mỡ. Hương vị vừa đủ, không thừa không thiếu, không quá đậm không quá nhạt, vừa đủ no bụng cho bữa xế chiều. Món ăn chỉ còn được tìm thấy ở các hàng rong hay các quán hàng ở các khu chợ bình dân.

Súp cua

Ảnh: Nguyên Chi
Ảnh: Nguyên Chi

Đây là món ăn đặc sản của Sài Gòn nhưng nay cũng đã xuất hiện khá nhiều ở vỉa hè Hà Nội và dù bán vào tất cả các ngày trong năm nhưng dường như chỉ vào những chiều mưa buồn man mác, người ta mới nhớ đến nó nhiều hơn. Món ăn dân dã, rẻ tiền, ít khi bán trong các nhà hàng sang trọng mà quen thuộc trong các gánh hàng đơn sơ nơi hiên nhà, hè phố. Súp cua khá phong phú về thành phần, được nấu từ thịt cua, bột năng, trứng đánh tan, trứng cút, nấm đông cô, thịt gà… có vị ngọt tự nhiên, nóng hổi, ăn tới đâu ấm bụng tới đó.

Thịt nướng

5

Dường như trong những ngày hè nóng nực, các quán thịt nướng từ thịt xiên vỉa hè cho tới các nhà hàng kiểu Hàn, kiểu Nhật đều bị khách hàng “hờ hững”. Nhưng cứ một vài ngày mưa “đi lạc” giữa mùa hè, người ta lại rủ nhau tới thưởng thức hương vị thơm nức mũi miễn chê của các món thịt nướng. Ban đầu là do ảnh hưởng của các bộ phim Hàn Quốc nhưng lâu dần, việc tới nhà hàng ăn thịt nướng kiểu “sang chảnh” đã trở thành thói quen của nhiều người Việt. Thịt được tẩm ướp gia vị vừa miệng, đậm đà, nướng trên lò ngay tại bàn, cuốn với các loại gia vị “nhập khẩu” như kim chi, lá vừng, chấm nước chấm sền sệt đặc trưng, “ngon miễn bàn”. Ngoài các món ăn chính, bạn có thể ăn thêm canh kim chi, miến trộn, cơm trộn…

Lẩu

6

Cuối cùng là lẩu, món ăn “quốc dân” người người nhà nhà đều có thể ăn được. Lẩu có lẽ là món có nhiều phiên bản nhất, phù hợp cho nhiều đối tượng thực khách và tương ứng với từng loại sản vật ở các vùng miền, như lẩu riêu cua bắp bò, lẩu nấm, lẩu kim chi, lẩu bò nhúng dấm, lẩu ếch, lẩu cá kèo lá giang, lẩu tôm, lẩu cua… Với đặc điểm là ăn nóng sôi nên thích hợp nhất là ăn trong một ngày mưa mát mẻ.