Từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam khoai được biết đến như một loại ngũ cốc quen thuộc, tiện lợi bởi nó có mặt ở khắp nơi và giá cả cũng khá rẻ. Nhưng nếu nói đến các loại chè và món ngọt thì không đâu sánh được vùng đất Tây Nam Bộ với hơn trăm loại chè bánh phong phú, từ những củ khoai mì, khoai sọ người dân nơi đây đã chế biến được nhiều món chè đặc trưng dùng vào các dịp lễ Tết hay giỗ chạp. Ngoài nấu những món mặn, người ta còn dùng khoai để làm các món chè thanh ngọt, thơm béo, mang nhiều giá trị dinh dưỡng.
Chè khoai mì
Khoai mì mua về ngâm nước cho bớt mủ rồi mài nhuyễn, vắt cho ráo nước sau đó vo thành những viên nhỏ như trứng cút. Khi luộc chín, viên khoai mì sẽ có vị hơi ngọt, đặc biệt rất dai và trong vắt. Nhiều người ưa ngọt và thích vị béo sẽ chọn nước cốt dừa nấu cùng. Còn những người thích vị thanh sẽ chọn nấu nước đường kèm vài lát gừng tươi. Đây là món chè rất được người miền Nam ưa dùng, sự dẻo thơm của khoai quyện với vị ngọt lịm của phần nước dễ làm người ta ngất ngây mỗi lần thưởng thức.
Nước cốt trắng làm bật lên màu vàng nhạt, trong veo của những viên chè khoai mì tròn đều. Một ly nhỏ chè khoai mì có giá khoảng 10.000 đồng.
Chè trôi nước khoai lang
Không phải là những miếng khoai lang dẹt nấu cùng ngô hay hạt sen, mà ở đây khoai lang có vai trò như bột nếp, một thành phần quan trọng trong món chè trôi nước. Người ta thường chọn khoai lang tím để nấu loại chè này nhằm tạo sự bắt mắt, hơn nữa khoai lang tím hầu hết ngọt hơn khoai lang trắng nên có thể tạo vị ngọt thanh tự nhiên trong từng viên chè. Khoai hấp chín, tán nhuyễn và trộn với bột nếp. Nhồi nhiều lần cho bột, khoai thật dẻo, đậy kín ủ khoảng 30 phút cho bột nở. Từng viên trôi nước có một màu tím rất đẹp bọc quanh nhân đậu xanh vàng, hòa cùng nước cốt dừa béo ngậy làm nên một dư vị khó quên với những ai đã từng mê đắm món trôi nước truyền thống này.
Chè khoai môn
Với nguyên liệu dễ kiếm và cách làm đơn giản, chè khoai môn dẻo, bùi thơm ngon là món ăn vặt hấp dẫn trong mùa nắng nóng. Khoai lang cắt miếng vuông nấu cùng bột báng, bột sắn dây và nước cốt dừa. Tất cả nguyên liệu sánh quyện vào nhau tạo cho chén chè vị thơm ngon khó cưỡng.
Chè khoai sọ
Chè khoai sọ nấu cùng đậu xanh, được đông y chứng minh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Khoai sọ sau khi gọt vỏ, cắt khúc ngắn rồi đem luộc chín. Khi đậu xanh nấu mềm và thơm thì cho khoai sọ vào đun liu riu lửa. Chè khoai sọ, đậu xanh dùng lạnh hay nóng đều rất ngon, nó giúp cơ thể chúng ta giải nhiệt trong mùa nắng nóng.
Chè khoai tây
Hẳn khoai tây chiên bơ là món ăn vặt khá quen thuộc đối với nhiều người. Nhưng bên cạnh đó khi kết hợp với bơ, chúng ta cũng có thể chế biến nên món chè khoai tây đơn giản và lạ miệng. Bơ được đun chảy, cho đường vào và nấu cho đến khi đường hòa cùng bơ chuyển sang màu vàng nâu. Sau đó cho khoai tây đã luộc chín vào, thêm nước đun nhỏ lửa trong khoảng 5 đến 10 phút. Để nguội, thêm đá là đã được món chè khoai tây nhiều dinh dưỡng rồi.
Chè khoai mỡ
Khoai mỡ ngoài nấu canh còn là một nguyên liệu đặc biệt trong món chè màu tím đẹp mắt ngon miệng. Khoai mỡ thái từng phần nhỏ, cho vào nồi nấu chín. Chắt phần nước màu tím để riêng, vỏ khoai cũng rửa sạch, nấu lấy nước. Tán nhuyễn khoai mỡ với nước luộc vỏ khoai, sau đó cho vào rây lược phần bột mịn. Khoai mỡ lược xong nấu cùng với nước luộc khoai. Cho đường phèn vào bột khoai mịn, đánh tan. Khi chè nấu xong cho phần đường phèn vào khuấy đều và nước cốt dừa lên trên. Món chè khoai mỡ ăn nóng hay lạnh đều ngon và dễ ăn, chè mịn mượt thơm hương nước cốt là một món quà ngọt ngào cho gia đình trong cái nắng hè oi bức.