Hình ảnh những bạn trẻ tụ tập bên ly café, vừa tám chuyện với nhau vừa tranh thủ lướt Facebook dường như đã quá quen thuộc với tất cả mọi người. Không biết từ bao giờ, những quán café không còn đơn thuần chỉ là nơi để người ta hò hẹn nhau, hay là một chốn để tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi sau một ngày làm việc dài mà còn được mặc định là những nơi để lên mạng tuyệt nhất. Café mà không có wifi ư? Chắc chắn là sẽ nhận về một điểm trừ to đùng rồi.
Ấy thế mà giữa lòng thành phố Hà Nội, có một quán café vỉa hè nhỏ tên Phố Êm mà người ta đang rầm rộ “rỉ tai” nhau, rủ rê nhau ghé thăm, tất cả chỉ bởi một tấm biển đặc biệt – thứ đã làm nên thương hiệu cho nó.
“Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau như năm 1992!”
Nằm trên phố Trần Nhân Tông, một con phố tuy nằm ở trung tâm nhưng không quá đông đúc, có một quán café nhỏ mới được mở từ hồi tháng 3, và chỉ mở sau 8h tối thế nhưng hằng ngày vẫn thu hút một lượng khách khá ổn định. Gọi là quán thì cũng không đúng lắm vì nó chỉ bao gồm một xe đẩy nhỏ có mái che để làm nơi pha chế kiêm quầy tính tiền cùng chục chiếc ghế nhựa cho khách. Thoạt nhìn nơi đây chẳng khác mấy quán trà đá vỉa hè là mấy, tuy nhiên nó cũng có những điểm khác biệt thú vị để níu chân khách qua đường.
Với menu khá đa dạng các loại thức uống cơ bản như cafe, matcha… ở mức giá hợp túi tiền
Đầu tiên là ở việc quán có một cái tên riêng nghe khá lạ là Phố Êm hay gọi yêu là Êm. Quán thì bé xíu nhưng luôn được mở cố định ở một góc phố vậy nên Êm đã trở thành thương hiệu mà khách đã đến đây nhất định sẽ nhớ.
Thứ hai cũng là điểm nhất đặc biệt nhất, thứ làm nên màu sắc riêng nhất cho Êm đó chính là tấm bảng được làm bằng giấy cực kì đơn giản, bên trên có ghi câu nội quy, hay chính xác hơn là một slogan đậm chất “Êm” mà bạn chẳng bao giờ thấy ở bất kì quán café nào khác: “Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau như những năm 1992!”.
Trong khi nhan nhản những hàng quán vỉa hè khác đều lắp đặt thêm bộ phát wifi để thu hút khách, từ trà chanh wifi đến mía đá wifi… thì Êm lại kiên quyết nói “Không” với thứ công nghệ hiện đại này. Khách đến Êm để uống café, để uống nhiều thứ đồ uống khác, để tán gẫu với bạn bè nhưng tuyệt nhiên không ai đến đây để nhìn chăm chú vào cái điện thoại. Người ta nói chuyện với nhau, mặt đối mặt, rôm rả và hiện thực giống như ngày xưa, khi không có những chiếc smartphone hay những mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Khi chẳng may đã hết chuyện để nói thì cũng đừng lo, vì ở đây còn chuẩn bị sẵn một… bàn cờ tướng để các bạn cùng “cân não” nữa. Hoặc bạn có thể đọc mấy câu slogan vui vui khác ở quán như “Bao lâu rồi bạn chưa uống nước?”, “#Êm nhờ” rồi “Thông báo: Hãy đọc thông báo khi có thông báo!”. Đơn giản hơn nữa, bạn chỉ cần nhâm nhi ly café pha rất khéo ở đây rồi nhìn ngắm phố phường Hà Nội lúc khuya về cũng là một cái thú rồi.
Nói chung, “Êm” cứ êm như thế đấy…
“Đứa con tinh thần” của những bạn trẻ chưa tròn 20 tuổi
Trương Đức Anh – “Ông chủ” của quán café đặc biệt này cho biết quán là tâm huyết do cậu và 3 người bạn thân khác đồng sáng lập. Cả 4 người đều là những cô gái, chàng trai còn chưa tròn 20 tuổi thế nhưng “đứa con tinh thần” mang tên Êm của các bạn lại khá chỉn chu và đã nhận được những thành công bước đầu.
Đức Anh và 3 người bạn thân đã cùng điều hành và hoạt động Êm tất tần tật mọi việc từ chuẩn bị địa điểm, pha chế, đón khách, trang trí…
Sinh năm 1997, hiện đang là sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội. Một lần tình cờ, Đức Anh và nhóm bạn thân nhận thấy thời gian buổi tối của mình khá là rảnh rỗi và tất cả đã nghĩ ra ý tưởng tại sao không dành khoảng thời gian này để làm một việc gì đó ý nghĩa, cũng như đậm chất cả nhóm với nhau. Thế là “Êm” ra đời.
Khi được hỏi vì sao chọn cái tên là Êm, Đức Anh chia sẻ: “Êm là câu cửa miệng mà bọn mình hay nói. Bên cạnh đó, như bạn thấy đấy, bọn mình chọn mở quán ở một con đường như thế này. Mình thích con phố Trần Nhân Tông bởi ở đây khá là yên tĩnh, mộc mạc, giản dị, nó không quá sầm uất như một số con phố khác. Tầm 9, 10 giờ tối, con phố này vô cùng yên lặng. Mình có cảm giác ngồi ở đây rất là êm. Đơn giản vậy thôi!”.
Về tấm bảng “Ở đây không có wifi” đã tạo nên cơn sốt cho quán cũng có một câu chuyện riêng. Đây tuy không phải câu nói do Đức Anh và các bạn nghĩ ra đầu tiên mà chỉ được chắt lọc và biến tấu lại để thể hiện rõ nhất tinh thần của “Êm”.
“Nhiều người nhìn thấy tấm bảng này và tỏ ra khá ngạc nhiên. Một số người thì ngạc nhiên vì không ngờ những quán vỉa hè hóa ra cũng có cái gọi là wifi, một số người biết rồi thì ngạc nhiên vì sao trong xu thế cạnh tranh giữa các quán như hiện nay, mình lại chọn việc bỏ đi ưu thế này. Bản thân mình cũng có rất nhiều bạn bè, khi cả đám tới một quán cafe, ngồi nói chuyện được một lúc rồi mỗi đứa lại cầm một cái điện thoại, cái cảm giác nó không được như trước nữa nên mình rất muốn mở một quán nước để mọi người giao tiếp với nhau được nhiều hơn.”
Lý do tại sao lại là năm 1992 mà không phải một năm nào khác cũng được Đức Anh giải thích. Hóa ra con số này được lựa chọn theo một cách khá là ngẫu nhiên. Một phần là bởi khi ấy Internet chưa hề phổ biến, một phần là vì nó… hợp vần với từ “wifi” ở phía trước. Một lý do khá đáng yêu nhỉ?
Dù thế nào đi nữa, “Êm” đối với Đức Anh cũng như 3 thành viên sáng lập khác của quán như là một sợi dây gắn kết cả nhóm với nhau, lợi nhuận có đôi khi chẳng còn quan trọng vì được làm việc cùng nhau, thế là vui rồi.
Mô hình cafe không wifi này đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ phía khách hàng. Anh Sơn, một vị khách quen của quán tâm sự: “Mình thấy mô hình này khá là hay và độc đáo. Hiện tại, mọi người đi uống cafe mà cứ như không phải đang ngồi uống cafe nữa, họ cứ phụ thuốc vào thiết bị rồi mạng xã hội nhiều quá. Gọi nhau ra ngồi quán cafe thôi nhưng thực ra không phải ngồi với nhau nữa mà ngồi với thiết bị di động đấy chứ! Nói chung là hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn.”