Kể từ khi được phát hiện vào năm 1893 bởi bác sĩ Alexandre Yersin, vùng đất cao nguyên Lâm Viên, đặc biệt là Thành phố Đà Lạt được cả thiên nhiên lẫn con người ưu ái. Theo dòng chảy của lịch sử và sự phát triển của xã hội, chúng ta có một Đà Lạt vang danh khắp nơi của ngày hôm nay. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta hãy tạm rời xa xứ sở mộng mơ Đà Lạt để đến với một cuộc hành trình lội ngược dòng và đánh thức thiên nhiên của một vùng đất nhỏ nằm ở phía Nam Lâm Đồng. Đó chính là Thành phố Rừng Madagui, nơi mà sự kết nối giữa con người và thiên nhiên đã làm nên những điều kỳ diệu.
Những năm 80, khi tuyến đường nối liền Sài Gòn đô hội và Đà Lạt mộng mơ hãy còn nhiều trắc trở, việc thành lập một trạm dừng nghỉ giữa đường dành cho du khách và người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến đường này là việc cần thiết. Và vùng đất xinh xắn nằm bên chân đèo Chuối cạnh bờ sông Đạ Huoai huyền thoại ở trung điểm tuyến đường cách Tp. Hồ Chí Minh 152km và cách Đà Lạt 148km đã được lựa chọn.
Có thể nói, việc đầu tư và phát triển vùng đất này là một quyết định vô cùng mạo hiểm. Với điều kiện và địa hình tương tự như Rừng Quốc Gia Nam Cát Tiên, việc khai thác và đảm bảo giữ gìn tự nhiên của toàn bộ diện tích 1.200 hecta (tương đương diện tích của quận 1 và quận 4 cộng lại) là cả một thách thức lớn.
Đa phần chúng ta đều biết giá trị của lâm sản. Nhưng, có bao nhiêu người trong chúng ta biết được cách bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá nhưng hữu hạn này? Bao nhiêu người có được ý thức bảo vệ thiên nhiên? Đây không chỉ là câu hỏi khiến các nhà đầu tư trăn trở mà còn là hướng hoạt động của Khu Du Lịch Rừng độc đáo nhất Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay. Tại sao các nhà đầu tư lựa chọn việc đầu tư xây dựng theo mô hình Thành Phố Rừng thay vì những mô hình thời thượng theo xu hướng chung?
Trong những ngày đầu, toàn bộ cơ sở của Madagui (lúc này còn là Khu Du Lịch Suối Tiên) gói gọn trong khuôn viên 1,2 hecta ở phía bờ Nam sông Đạ Huoai ven quốc lộ 20 gồm nhà hàng phục vụ ăn uống và một vài phòng nghỉ phục vụ du khách dừng chân tại đây. Trong giai đoạn này, rõ ràng thế giới rừng nằm bên kia bờ Bắc vẫn là một thế giới còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn cần được giải đáp.
Một bãi đá khổng lồ tự nhiên nằm trước cửa một hang động là nơi trú ngụ của hàng nghìn chú Dơi, một thác nước với khung cảnh nên thơ, một ngọn đồi với quang cảnh tuyệt đẹp là những điều thú vị đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên và thích thú khi khám phá nơi này. Đặc biệt hơn, hệ thống rừng nguyên sinh hùng vĩ đã làm say lòng và chinh phục hoàn toàn trái tim yêu thiên nhiên của những nhà đầu tư. Đây hứa hẹn sẽ là những điểm tham quan thu hút du khách.
Việc tiếp theo cần làm để mang những điểm tham quan này đến với du là xây dựng đường đi, những con đường kết nối con người và thiên nhiên.
Cấu trúc rừng ở Madagui được chia thành ba tầng bao gồm tầng thảm tươi, tầng dưới tán và tầng tán chính. Khu Du Lịch được cấp phép xây dựng dưới tán rừng, nôm na có thể hiểu rằng tầng tán chính là tầng rừng không được phép tác động. Thay vì chọn những con đường nhựa thẳng tắp và tiết kiệm, các kiến trúc sư sau nhiều ngày tìm hiểu ở thực địa đã lựa chọn cách xây dựng những con đường quanh co bằng đá chẻ nhằm tránh gây ảnh hưởng đến những cây rừng thuộc tầng tán chính.
Đá được chẻ ra từ những tảng đá có sẵn trong rừng thành từng khối, được xếp xen kẽ nhau để làm thành đường đi. Đây là chất liệu rất thân thiện với môi trường vì sẽ không có con đường nào bị san bằng và trải nhựa bên trong rừng sâu. Trong mùa mưa, với lưu lượng nước mưa khổng lồ thì những đường kẽ giữa những khối đá này sẽ làm giảm áp lực nước, hạn chế tình trạng xói mòn.
Trong hơn 10 năm, gần 30km đường đá chẻ đã được hoàn thành với chiều rộng của làn đường dao động từ 2 – 4m. Trung bình 1m2 đường tiêu tốn khoảng một triệu sáu trăm nghìn, tổng chi phí cho hạng mục công trình này đến nay ước tính lên đến 60 tỷ đồng. Hiện nay, chính những chiếc xe Jeep và những con đường xóc nảy này đã trở thành một trong những điều thú vị nhất mà những du khách khi có dịp ghé thăm nơi này đều muốn thử một lần trải nghiệm.
Một chiếc cầu nối hai bờ Nam – Bắc qua dòng sông Vàng của người Mạ sẽ là mảnh ghép quan trọng để kết nối du khách với thế giới Rừng của Madagui.
Đa số chúng ta đều biết, chính những chiếc cầu treo đã làm nên nét khác biệt ở xứ sở Tây Nguyên. Chúng ta có cầu treo nổi tiếng ở Buôn Đôn bắt qua con sông Serepôk cuồn cuộn suốt đêm ngày. Ở Kontum, cầu treo Kon Klor tuy mang dáng dấp của một chiếc cầu treo công nghiệp nhưng cũng được xem như là biểu tượng của thành phố. Và ở thành phố Rừng Madagui, một chiếc cầu treo vững chắc và gần gũi với nguyên bản nhất dài 120k cũng dần được hình thành và chính thức đưa vào khai thác kể từ ngày 30.4.2004 với tổng kinh phí thi công lên đến gần 3 tỷ đồng.
Không chỉ làm kinh tế, Madagui còn tham gia nhiều trong các dự án cộng đồng, tài trợ toàn bộ chi phí để xây dựng cầu cho bà con đồng bào ở buôn Bờ K’ẻh, thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm tổ chức các chương trình từ thiện đến các buôn làng trong khu vực, tài trợ chi phí điện chiếu sáng hàng đêm cho hệ thống đèn đường dài khoảng 7 km băng qua Đèo Chuối đến thị trấn Madaguôi cho các phương tiện lưu thông về đêm tại đây.
1.200 ha, hơn 2.000 tỷ đồng, gần 1.000 nhân viên đã lao động miệt mài để thay da đổi thịt vùng đất vô danh phía nam Lâm Đồng này thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách khắp cả nước ngày hôm nay. Chúng tôi tin rằng, Madagui sẽ còn tiếp tục phát triển và thành công rực rỡ hơn nữa trong tương lai với câu chuyện cổ tích của thời hiện đại này, chuyện về những người thành thị lên núi mở rừng…