Khu di tích danh thắng Chùa Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi. Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Lịch sử hình thành
Danh thắng Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13. Nằm trong khu vực hình cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.
Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m từ xưa đã được gọi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông – một ông vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ 13) đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng.
Yên Tử là kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời. Ngày nay qua nhiều thăng trầm, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại.
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10 m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Tục truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.
Trước sân chùa từng khóm loa kèn mọc sum suê màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.Tiếp đó tới chùa Hoa Yên (các tên gọi khác: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên) nằm ở độ cao 543 m với hàng cây tùng cổ nghe dân gian truyền lại là được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi.
Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây. Gặp khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc. Ngày nay danh thắng Yên Tử là một điểm du lịch lễ hội nổi tiếng ở Quảng Ninh cũng như Miền Bắc, hàng năm cứ vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.