Đọc những tin tức trên báo về chuyện “cổng trời thất thủ” tôi cứ ngần ngại không muốn đi vì sợ đến chùa mà mắt xốn xang, tâm không tịnh. Nhưng hình ảnh Quán Chiếu Đường nằm giữa thinh không với chập chùng mây núi cứ mãi thôi thúc.
Nằm cách trung tâm Bảo Lộc khoảng 15 Km. Con đường này vào ban ngày không có gì đặc biệt nhưng vào khoảng 4 giờ khuya nó chẳng khác gì đường đến cõi hư vô.
Dưới ánh đèn vàng vọt, xóm làng ngủ kỹ yên bình. Sương mù khi mỏng thì lãng đãng bay, khi dày thì sà xuống, bao bọc mọi thứ làm người ta có cảm giác như đi trên đường mây.
Có hai con đường lên chùa là đường đi rẫy, được người dân gọi là con đường lạc trôi vì dốc đứng, hẹp, tay lái yếu là ngã như chơi. Nhiều du khách đi đến đây thì bị cánh xe ôm “chặn” lại đưa lên với giá cả đi lẫn về 50.000 đồng. Tôi không dừng lại ở đây mà đi tiếp 500 m nữa, rẽ lên con đường mòn khá hẹp đến bãi giữ xe. Từ đây leo bộ khoảng 1km nữa là đến chùa.
Do đa số du khách chọn cách đi xe ôm nên con đường leo bộ chỉ mình chúng tôi đi. Trời chưa sáng hẳn mà chim chóc đã thức dậy réo rắc trong vòm lá.
Đường đi là những bậc tam cấp ngay ngắn, thi thoảng ven đường có gắn biển đề thơ động viên hay triết lý về phật pháp rất nhẹ nhàng, gần gũi. Không rác, không hàng quán chèo kéo, chỉ có cây cối, đồi chè và những khoảng không bao la với đồi núi trùng điệp, đường lên Linh Quy Pháp Ấn đúng là đường lên cõi Phật.
Khi chúng tôi đến Quán Chiếu Đường, nơi Sơn Tùng quay MV Lạc trôi, thì đã có vài chục người ở đó thi nhau chụp ảnh với cổng trời. Đẹp, phải nói là quá đẹp, ai cũng muốn có một bức ảnh để đời với một nơi tuyệt vời như vậy nhưng chen chúc nhau quả là mệt mỏi nên tôi leo lên chùa lạy Phật rồi ngồi ngắm cảnh.
Mặt trời vừa lên, phương đông rực hồng làm nền cho biển mây bềnh bồng ôm lấy màu xanh của những dãy núi. Cảnh như tranh thủy mặc.
Mặt trời lên cao, Quán Chiếu Đường như được tắm trong mật vàng óng. Trong khi bên dưới lao xao thì chỉ cần bước lên vài chục bậc tam cấp, ngôi chùa đơn sơ, yên tĩnh đến lạ. Chỉ có tiếng nhạc thiền thoang thoảng, tiếng chuông gió leng keng rất khẽ và tiếng chuông dìu dặt vang lên khi có người vào lạy phật.
Giữa cái mênh mông trời đất, thanh tịnh của Phật môn vẫn không hiếm những tiếng cười đùa, gọi nhau của nhiều nhóm du khách trẻ. Dù vậy, những lao xao tiếng đời không đủ lấn át cái giản dị, thanh sạch gần như tuyệt đối ở Ấn Pháp Sơn. Tôi ngồi đó, thấy tâm trí và cả cơ thể mình như trôi bềnh bồng trên biển mây dập dềnh trắng xóa cứ chuyển động không ngừng. Khi thì ập tới rất dày phủ màu trắng xóa lên mọi thứ, khi thì luồn qua những khe núi rồi bay lang thang.
Quán Chiếu Đường nằm trên đỉnh đồi còn chánh điện của Linh Quy Pháp Ấn nằm bên dưới một chút. Trong khi Quán Chiếu Đường người ra vô tấp nập thì ở chánh điện vắng lặng, im ắng. Trong khi nắng đã chan hòa trên đỉnh đồi thì ở đây mọi thứ vẫn còn ủ kỹ trong cái lạnh của cao nguyên.
Không phải là những ngôi chùa hoành tráng sơn son thiếp vàng, Linh Quy Pháp Ấn chỉ là ngôi nhà hai mái vách lá đơn sơ. Trước cửa chánh điện là tượng Phật Di Lặc ngồi trên chiếc chõng tre, cười lấp lánh. Tôi bỗng nhớ tới tấm biển lớn dựng trên đường lên Quán Chiếu Đường nói về đường lối tu tập ở Pháp Ấn Sơn là Tỉnh Thức.
Có 3 cấp độ tỉnh thức, trong đó cấp độ thấp nhất là “sống trở về với giây phút hiện tại, nhận biết trong mọi cử chỉ, hành động, thân đâu tâm đó” để cảm nhận tình yêu thương, niềm hạnh phúc xung quanh mình.
Tôi cũng bỗng nhớ lại những tấm biển đề ven đường lên chùa rằng là: “Đi không cần đến, đi chỉ để mà đi. Mời bạn dừng lại ngắm nhìn trúc lay, mây bay, gió thoảng và nghe tiếng chim hót giữa núi đồi Pháp Ấn Sơn”.
Hẳn có rất ít người, trong đó có tôi, dừng lại vì mãi náo nức đi lên Quán Chiếu Đường để kịp mặt trời mọc hay đơn giản chỉ vì tò mò. Khi đã lạc trôi trong cảm xúc choáng ngợp đón bình minh trên Quán Chiếu Đường, ngồi cạnh ngôi chánh điện đơn sơ, nụ cười giản dị của Phật Di Lặc, thả mình trong cái mát lạnh của vùng cao tôi nghe hồn mình dịu lại, nghe hạnh phúc ở đâu đó rất nhẹ nhàng, giản dị tràn về.
Không hẳn là tỉnh thức, ngộ đạo nhưng sự đơn giản, thanh sạch từ kiến trúc, cảnh trí, văn phong ở Pháp Ấn Sơn một lần nữa khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn triết lý quen thuộc trong giới đi bụi: Hạnh phúc không phải điểm đến mà là hành trình.
Hãy đến Pháp Ấn Sơn, cứ tự nhiên thả mình từ trạng thái lạc trôi đến tĩnh tại bạn sẽ ngộ ra được điều đó.