Với nhiều khu vực ở miền núi phía Bắc, cây trẩu được trồng như một cây công nghiệp để lấy gỗ và hạt, vỏ được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền. Dưới góc độ khám phá của dân phượt, cây trẩu ngày nay đang có thêm một tác dụng mới, mang tính thẩm mỹ và kinh tế, trở thành loài cây được lưu ý trên bản đồ du lịch mỗi độ sang hè.
Thương nhớ Bình Liêu
Đông bắc, tây bắc lúc này đây không chỉ có hoa gạo, hoa ban, mà còn có hoa trẩu khoác thêm tấm áo mới cho con đường du hí. Bởi thế vừa tạo nhóm khám phá Bình Liêu mùa hoa trẩu và có mặt tại tượng đài vinh danh thợ mỏ ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), số xe máy tham gia đã hơn 10.
Hơn một nửa trong đó là những người bạn mới quen.
Bình Liêu là huyện miền núi cực bắc của tỉnh Quảng Ninh thuộc cánh cung bình phong Đông Triều – Móng Cái, có xấp xỉ 43km đường biên giới giáp ranh với Trung Quốc, cách TP Hạ Long hơn 100km và thị trấn Tiên Yên gần 30km.
Cấu trúc địa hình đa dạng của vùng núi cao, có những đỉnh cao trên 1.000m so với mực nước biển như đỉnh Cao Ba Lanh và Cao Xiêm. Diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp, chủ yếu là đất lâm nghiệp trồng một số cây đặc sản như hồi, quế, trẩu, sở.
Người dân tộc ở Bình Liêu gồm người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa.
Cách Hà Nội cả ngày đường chạy xe, nhưng mấy năm gần đây rất nhiều dân phượt tìm đến Bình Liêu để trải nghiệm những con đường tuần tra biên giới, thưởng thức khung cảnh núi non hùng vĩ và cảm giác khó tả mỗi khi chiều buông nơi miền biên ải, hay cảm xúc tự hào mỗi lần “check-in” các cột mốc.
Dọc theo đường tuần tra biên giới Bình Liêu có các cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Pò Hèn. Đường sá từ thủ đô đến địa đầu Móng Cái khá thuận lợi nên một kỳ nghỉ cuối tuần cũng có thể làm một chuyến đi đầy “thương nhớ”.
Một trong những trải nghiệm đáng giá nhất ở Bình Liêu là cảm giác thật khó tả khi chạy xe trên đường tuần tra đông bắc, nơi ngay phía sau vách núi kia đã là con đường của nước khác.
Đâu đó trên những đỉnh cao mờ mịt hơi sương cỏ cây rậm rạp là những cột mốc biên cương với máu và nước mắt, những ngôi nhà cô đơn trống trải kiên cường bám đất giữ rừng, những người con của miền biên viễn đang nhọc nhằn mưu sinh nhưng vẫn chân thành, mộc mạc.
Chúng tôi thường để chiến mã rong ruổi trên con đường thênh thang ấy, đôi lúc rẽ vào một khúc quanh thăm một cột mốc biên cương, chụp một bức hình lưu niệm rồi lại lên đường. Cửa khẩu Hoành Mô ngày cuối tuần vẫn đông nườm nượp, xe hàng nối nhau chờ thông quan.
Xin phép biên phòng vào tham quan cột mốc 1317 như nhiều du khách khác rồi lại lên đường rẽ ngang rẽ dọc. Này là mốc 1320, 1321, rồi cả một chặng đường dài ngang qua bản Phai Lầu, Phạt Chỉ (xã Đồng Văn) để chinh phục mốc 1326, 1327 trên những đỉnh cao.
Tháng 4 mùa hoa trẩu
Từ thành phố Cẩm Phả, chúng tôi chạy xe theo hướng Mông Dương – Móng Cái, rẽ qua chợ thị trấn Tiên Yên để chuẩn bị một ít đồ ăn trưa cho cả nhóm. Tiên Yên có một đoạn phố cũ giống như thể “thị trấn bị lãng quên” với kiến trúc hai dãy nhà phố xưa cũ mang dấu ấn thời gian mơ hồ.
Ngay cạnh là một thị trấn đang thay da đổi thịt với sự phát triển của đô thị và giao thương. Chợ Tiên Yên bán khá nhiều đặc sản vùng đông bắc như các sản phẩm lâm nghiệp của cây hồi, cây quế, các loại hải sản vùng biển đông cùng các mặt hàng thiết yếu khác.
Dọc quốc lộ 18C đi Hoành Mô nhìn sang bên kia sông Tiên Yên là những dãy núi dài và những cánh rừng xanh lá, thấp thoáng điểm vào những cây trẩu nở hoa trắng xóa.
Sang sông, tiếp cận đường tuần tra biên giới từ những lối mòn cắt ngang bản làng, con đường huyền thoại đổ bểtông chạy dài, chạy mãi trên những sườn núi cao ngất, bên này Việt Nam, bên kia Trung Quốc, con đường chúng tôi đã đôi lần chạy xe khi đi trek mốc quốc gia.
Tháng 4, đường tuần tra biên giới hóa thành con đường hoa trẩu, nhiều tới mức sau khi á ố chán chê, nhóm bạn đã không còn ầm ĩ nữa. Chúng tôi dừng lại, bỏ xe bên vệ đường và men theo bờ ruộng đi về phía dòng sông, nơi có một gốc hoa trẩu đứng một mình tỏa hương.
Thanh niên Phả, bằng một thứ tình cảm bạn bè trân trọng và gắn kết, đã mang theo suốt hàng trăm kilomet đường núi một chiếc bánh gato để chúc mừng sinh nhật cho những người bạn tháng 4.
Khoảnh khắc tiếng kèn harmonica của Huy vang lên réo rắt bên bờ sông Tiên Yên, dưới gốc hoa trẩu trắng tinh khiết như thứ tình bạn chúng tôi vừa cùng nhau nhen nhóm lên trong hành trình biên giới thật xúc động.
Nhiều người trong chúng tôi hôm đó đến từ một nơi xa, không phải là người con đất Quảng, đã thật sự lay động tâm hồn bởi tấm lòng hiếu khách của dân Quảng Ninh.
Tháng 4, hoa trẩu nở tưng bừng trên hàng chục kilomet đường. Những thân cây già, lớn, tán rậm rạp xum xuê, cũng có cây mới trồng trông vẫn còn non như trẻ con, ấy vậy mà hoa vẫn nở từng chùm, từng chùm rạng ngời mà duyên dáng.
Hoa trẩu có sắc trắng, ở giữa có nhụy vàng, hoa già thân nhụy sẽ ngả màu đỏ tía, mùi hương thoang thoảng. Hoa trẩu rụng xuống rơi trên những tán thông, rơi trên bờ rào đá, rơi trên thảm cỏ xanh tạo thành bức tranh thiên nhiên mê hoặc lòng người.
Kể từ hôm ấy, ở biên giới Bình Liêu tháng 4, nơi ấy đã xuất hiện một mùa hoa thương nhớ. Ai trong số bạn đồng hành ngày trở về, đã như tôi, không thể cầm lòng thương nhớ Bình Liêu?