Xem thêm: 1 ngày nghỉ phép – 4 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, người dân Việt Nam ở nhiều vùng miền trong cả nước đều dành thời gian tham dự lễ hội Đền Hùng. Tuy nhiên, lượng người tham gia lễ hội ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 thường rất đông nên chuyến du xuân về với đất tổ thường khiến nhiều người mệt mỏi và tốn kém chi phí hơn so với thông thường.
Vì vậy, để có một chuyến thăm quan đền Hùng ngày Giỗ tổ 10/3 suôn sẻ và tiết kiệm, hãy tham khảo những kinh nghiệm du lịch sau đây.
1. Di chuyển
Khu di tích đền Hùng nằm dưới chân núi Nghĩa Linh, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Đền Hùng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km nên việc di chuyển đến khu di tích rất thuận tiện với đường đi rộng thoáng.
Du khách ở các địa phương có thể di chuyển vào đền Hùng theo những cách thức sau đây:
Đến đền Hùng từ phái Nam lên: Di chuyển dọc đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai rồi rẽ xuống ở vị trí cầu song Lô, vào đường Phù Đổng hoặc Nguyễn Du của thành phố Việt Trì rồi ngược lên 5km để vào Trung tâm lễ hội. Bạn nên chọn bãi xe phía đường nối 32 C gần Đền Lạc Long Quân. Đây là vị trí khá thông thoáng và du khách có thể ngồi nghỉ ngơi dưới những gốc cây nếu trời quá nóng bức.
Ngoài ra, bạn có thể rẽ xuống Phù Ninh ở nút giao trên là IC8, đi xuôi xuống 2km đỗ xe ở bãi khu công nghiệp Đồng Lạng. Tại đây, du khách chỉ cần đi bộ 1.5km là vào Đền Giếng. Hướng đi này thoáng hơn nhưng nắng hơn vì có ít cây xanh.
Đi theo quốc lộ 2: nếu là xe máy và ô tô nhỏ thì bạn có thể chọn cầu cũ vì khống mất phí, cầu mới sẽ mất phí đường bộ. Ở lối đi này, bạn sẽ tiến thẳng vào thành phố Việt Trì rồi di chuyển theo các biển chỉ dẫn lên Đền Hùng. Di chuyển theo hướng này, du khách nên chọn bãi đỗ xe đường 32C gần đền Lạc Long Quân.
Lưu ý: Vì giá vé xe chưa niêm yết nên bạn cần hỏi trước giá vé vì ở đây có nhiều hộ dân trông xe tự phát.
2. Thời gian
Vì chắc chắn lễ hội đền Hùng sẽ rất đông nên nếu bạn không muốn mất công tìm bãi gửi xe và xếp hàng để được gửi xe và chen chúc vào dòng người tham gia lễ hội để đi lễ, hãy chủ động thời gian để đi thật sớm. Theo người dân ở Việt Trì cho biết, những ngày cận kề và chính hội đền Hùng (khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch), các ngả đường và những lối dẫn đến các đền đều chật cứng người nên bạn càng đi sớm thì đường càng thông thoáng hơn.
Khoảng buổi trưa sẽ là thời điểm đông đúc nhất và nắng nóng nhất nên du khách đến đền Hùng lên kế hoạch di chuyển sớm cho mình.
3. Ăn uống
Tham gia lễ hội Đền Hùng vào ngày chính hội rất đông nên bạn cần chuẩn bị trước một số đồ ăn nhanh và nước uống. Theo kinh nghiệm du lịch đền Hùng của nhiều người cho biết, dưới chân núi và lân cận khu di tích không có những địa điểm ăn uống ngon và giá thường rất cao vào mùa lễ hội nên bạn muốn ăn cần hỏi giá và mặc cả trước.
Nếu không, bạn hãy di chuyển vào thành phố để ăn uống. Nên vào những nhà hàng lớn để ăn uống vì đồ ăn đảm bảo, phong phú và giá cả không bị “chặt chém” như ở khu vực lễ hội. Là một thành phố phát triển lâu đời nên bạn hoàn toàn yên tâm rằng việc ăn uống ở Việt Trì sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, gồm ăn bữa chính, uống cà phê, ăn vặt,…
4. Đảm bảo an toàn khi tham gia lễ hội
Ai cũng biết rằng khi tham gia lễ hội đền Hùng, việc chen chúc, xô đẩy vì quá đông người là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ vậy, tình trạc lạc trẻ em, bị móc túi là điều có thể xảy ra. Vì thế , hãy giữ gìn tư trang của mình thật cẩn thận, đặc biệt là ví và điện thoại.
Nếu đưa trẻ em đi cùng, các gia đình nên trông con cận thận. Dặn dò con nếu bị lạc bố mẹ thì cần làm gì và nhắc trước các em nhỏ luôn phải nắm tay bố mẹ khi đi đường. Nếu lối đến các đền ở khu di tích quá đông, các bố mẹ nên bế hoặc cõng các bé để không bị lạc và giúp các em nhỏ đỡ mệt.
Chuẩn bị trang phục dễ chịu, lịch sự khi đi đền Hùng là điều vô cùng cần thiết. Đến làm lễ dâng hương với những vị tiên tổ của dân tộc, bạn cần ăn mặc lịch sự, kín đáo để đảm bảo thuần phong mỹ tục. Không những vậy, khu di tích rất rộng với các đền thờ khác nhau nên việc đi giày đế thấp, giày thể thao đế mềm sẽ giúp cho việc di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ngoài ra, tại khu di tích đền Hùng đã có các trạm trợ giúp nên nếu có vấn đề thất lạc người thân hoặc mất tư trang, bạn hãy liên lạc ngay với ban quản lý. Các trạm trợ giúp này đều ở đầu lối vào nên bạn có thể quan sát ngay được.
Việc mang đồ đi làm lễ ngày Giỗ tổ là điều không thể thiếu nhưng ở đền Hùng nhưng không nên cắm quá nhiều hương tại các đền thờ vì sau khi bạn cắm được một lúc để làm lễ, những người thuộc khu di tích sẽ rút ngay để đảm bảo không gian thông thoáng. Nói chung, hãy chấp hành những yêu cầu về việc làm lễ để góp phần chung vào việc xây dựng một lễ hội văn minh.
Đặc biệt, du khách tham dự lễ hội đền Hùng cần chú ý về việc di chuyển, đi lại ở thành phố Viêt Trì. Ở thành phố có rất nhiều khu công nghiệp lớn nên có rất nhiều công nhân đi lại trên đường vào giờ cao điểm. Người dân ở đây cho biết, vào khoảng thời gian 7-8 giờ và 17 – 18 giờ, tại cổng các khu công nghiệp rất đông đúc và giao thông không đảm bảo vì lượng người quá đông và đi lại không an toàn.
Ngoài ra, ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2017 đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng 0210.3860.026 hoặc 0210.6551.666 để tiếp nhận mọi thông tin phản ánh về tai nạn giao thông, tình trạng chặt chém, chèo kéo khách hàng, hiện tượng ăn xin; hành vi, hình ảnh phản cảm và không mất vệ sinh môi trường ở các khu vực tổ chức lễ hội. Từ đó, du khách sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi tham dự lễ hội ngày Giỗ Tổ.
Trên đây là những lưu ý quan trong giúp bạn có thể tham dự lễ hội đền Hùng an toàn và không quá tốn kém về chi phí.
Chúc du khách có một ngày hành hương về đất tổ nhiều ý nghĩa và mạnh khỏe!