Những đám khói cay xè, độc hại bốc lên ngun ngút từ những đám cháy, hàng đống rác rưởi gồm chai nhựa, vỏ bao và đồ ăn vứt đi nằm vương vãi khắp mọi nơi, tất cả khác xa với hình ảnh nắng vàng biển xanh cát trắng với những cây dừa nghiêng nghiêng soi bóng mà chúng ta vẫn thường được nhìn thấy về Maldives, hòn đảo được mệnh danh là thiên đường du lịch nổi tiếng.
Trải dài trên một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, trong đó có 200 đảo có người sinh sống và 99 đảo là resort, mỗi năm Maldives thu hút khoảng 750.000 du khách, hơn gấp đôi dân số cả nước, chỉ tính riêng thủ đô Malé đã có dân số đông gấp 4 lần London. Theo thống kê chính thức, một du khách tới Maldives sẽ thải ra 3,5 kg rác mỗi ngày, gấp đôi so với một người dân sinh sống tại Malé và nhiều hơn 5 lần so với bất cứ ai tại các khu vực còn lại của quần đảo Maldives. Đó là lý do vì sao càng ngày quần đảo này lại càng ngập trong rác thải.
Nằm cách Malé gần 7km về phía tây chính là đảo Thilafushi, hay còn gọi là Đảo Rác. Đây chính là bãi rác của đảo quốc này, được xây dựng trên một dải đá san hô ngầm vào năm 1991, và từ đó đến nay nó đã trở thành một địa điểm vô cùng ô nhiễm và độc hại với 330 tấn rác được đưa đến mỗi ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người. Chất độc trong rác ngấm vào nước thải và bầu không khí đầy ruồi nhặng và bụi bẩn, Thilafushi không khác nào một hòn đảo chết chóc bị cả thế giới lãng quên.
Hiện tại, chính quyền Maldives đã ban hành lệnh cấm đổ rác tại Thilafushi, dù có muộn màng. Nguyên nhân là do ngày càng có quá nhiều những chuyến thuyền chở rác thiếu kiên nhẫn đã đổ thẳng rác xuống biển tại các vùng biển xung quanh. Thay vào đó, rác sẽ được vận chuyển đến Ấn Độ và xử lý tại đó.