Tưng bừng lễ hội té nước ở Đông Nam Á

Các nước ở khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan thường tổ chức năm mới theo lịch Phật với lễ hội té nước truyền thống trong những ngày trung tuần tháng 4 dương lịch (12/4 – 16/4). Do được tổ chức cùng thời điểm nên những nghi lễ và các hoạt động văn hóa tại mỗi nước có khá nhiều điểm tương đồng.

1093

Tết Songkran của Thái Lan

11

Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan có tên là Songkran được tổ chức từ ngày 13 – 15/4 hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, người dân làm một số nghi lễ trên chùa, cúng đồ ăn và quần áo và té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Đặc biệt, trong tết Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng…những người càng được té nhiều nước càng may mắn. Người dân ở Chiang Mai cũng làm lễ buộc chỉ cổ tay như một hình thức chúc may mắn trong năm mới.

22

Tết Chol Chnam Thmay của Campuchia

Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Chol Chnam Thmay thường tổ chức khoảng đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) và kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày. Mỗi ngày Tết có tên gọi khác nhau.

1

Trong ngày Tết, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Ngày thứ nhất (hay còn gọi là Chôl sangkran Chmây) làm lễ rước đại lịch. Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa vào giờ tốt được chọn, bất kể sáng hay chiều. Ngày thứ hai (ngày Wonbơf) làm lễ dâng cơm cho các vị sư trong chùa và đắp núi cát. Buổi chiều, tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người. Ngày thứ ba (ngày Lơm sawk) làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư tại chùa. Tiếp đến, mọi người rước các nhà sư tới nghĩa trang để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Sau đó ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ.

Tết Bunpimay của Lào

Tết Bunpimay diễn ra từ 14 – 16/4 hàng năm. Cũng như người dân Campuchia, lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

3

Tết Bunpimay diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ. Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Người dân Lào tập trung đến chùa lễ Phật, tắm Phật bằng nước thơm, nghe sư giảng đạo, rồi té nước cho các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Ngoài ra, người Lào còn té nước vào nhà cửa, dụng cụ lao động và súc vật để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc một năm mới tốt đẹp và mạnh khỏe. Ngoài ra, người Lào còn xây tháp cát ở sân chùa, phóng sinh động vật, hái hoa tươi, ăn món lạp – món ăn làm từ thịt heo, gà hoặc bò và thính gạo nếp trong ngày Tết.

4

Ngoài nghi lễ té nước, người Lào còn có một tục lệ độc đáo là buộc chỉ cổ tay. Ngày Tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Những sợi chỉ màu như gửi lời chúc hạnh phúc và sức khỏe đến người được buộc.

Tết Thingyan của Myanmar

Tết Thingyan truyền thống của Myanmar diễn ra từ ngày từ 13 – 16/4, trùng vào dịp lễ Phục Sinh của các nước phương Tây. Tết Thingyan là một ngày lễ quan trọng nhất và té nước là một phần đặc trưng nhất của lễ hội này và thường diễn ra vào 4 ngày đầu tiên của kỳ lễ.

6

Ngày giao thừa Thingyan là thời điểm bắt đầu của nhiều hoạt động tôn giáo. Trước khi trời tối, những cuộc vui thật sự bắt đầu với âm nhạc, hát múa, các trò hề và các trò bói toán mua vui khác. Những mỹ nữ địa phương đã luyện tập hàng tuần hoặc hàng năm để tham gia vào các nhóm hát đồng ca, nhảy múa của các sự kiện lớn; các cô gái đều mặc váy áo đồng phục đầy màu sắc, đầu đội vòng hoa và gắn kim tuyến.

Ngày tiếp theo lúc mà Tết Thingyan thật sự bắt đầu. Sau một hiệu lệnh, một phát súng thần công, được khai hỏa và mọi người đổ ra đường với các hũ nước, vừa cầu nguyện vừa đổ nước lên mặt đất. Ở những thành phố lớn như Yangoon, các vòi tưới nước trong vườn, các ống dẫn nước lớn làm bằng tre, đồng, hoặc nhựa, các bơm nước và các dụng cụ phun nước khác được sử dụng bên cạnh các ly tách chỉ có thể hất nước ra nhẹ nhàng; ngay cả bóng nước và vòi rồng cứu hỏa cũng được mang ra dùng. Mọi người đều tham gia một cách bình đẳng, trừ nhà sư và phụ nữ đang mang thai.

5

Ngày tiếp theo là ngày Tân Niên. Đây là thời điểm mọi người viếng thăm người lớn tuổi, thể hiện lòng tôn kính. Vào ngày Tân Niên, mọi người quyên góp thức ăn ở nhiều nơi, đặc biệt là phát thức ăn miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.