Cẩm nang du lịch Hà Nội

3476

Cẩm nang du lịch Hà Nội mục lục:

Tổng quan du lịch Hà Nội
Đi Hà Nội khi nào?
Đi đâu, chơi gì ở Hà Nội
Đến và đi lại Hà Nội bằng gì
Ăn gì và ăn ở đâu tại Hà Nội
Mua sắm và giá cả tại Hà Nội
Lưu ý khác khi du lịch Hà Nội


Tổng quan

Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam và cũng là kinh đô của hầu hết các vương triều Việt trước đây. Do đó, lịch sử Hà Nội gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, Hà Nội là thành phố có diện tích lớn nhất cả nước, nơi đây đã sớm trở thành 1 trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam.

Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Nhờ phù sa bồi đắp, ba phần tư diện tích tự nhiên của Hà Nội là đồng bằng, nằm ở hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và những nhánh sông khác. Không những thế, Hà Nội còn có nhiều đồi núi tập trung ở những vùng ven thành phố tạo nên các khu du lịch sinh thái, là điểm đến cuối tuần lý tưởng của những ai muốn tạm lánh đi sư ồn ào, náo nhiệt thường ngày ở thành thị.

Cẩm nang du lịch Hà Nội
Tháp Rùa Hà Nội. Ảnh: Internet

Lịch sử lâu đời cùng nền văn hóa phong phú đã giúp Hà Nội có được kiến trúc đa dạng và mang dấu ấn riêng. Khu phố cổ có các phố nghề truyền thống với sản phẩm buôn bán đặc trưng cho tên từng con phố tại đây như Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc… Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên về dịch vụ du lịch,… Kiến trúc của những khu thành cổ mang đậm dấu ấn lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng là một trong những nét tiêu biểu đáng tự hào của người dân Hà Nội.

Cẩm nang du lịch Hà Nội 2
Khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Internet

So với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, Hà Nội là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch. Du lịch Hà Nội phát triển với nhiều hình thức khác nhau như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch hội thảo. Bạn có thể khám phá những di tích lịch sử nổi tiếng như Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, các làng nghề truyền thống hay tham quan những đền, chùa như Chùa Một Cột, Chùa Trấn Quốc và các nhà thờ mang kiến trúc Pháp cổ kính. Bạn có thể tham gia các lễ hội truyền thống tổ chức hàng năm và thưởng thức ẩm thực Hà Nội được truyền qua nhiều thế hệ như phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì,… Cuối tuần, nếu không muốn đi xa bạn có thể tận hưởng không gian thoải mái tại các khách sạn hay đến vùng ngoại ô thành phố nơi có những khu du lịch sinh thái để thư giãn, nghỉ dưỡng.

Cẩm nang du lịch Hà Nội 3
Chùa Trấn Quốc. Ảnh: Internet

Các địa điểm tham quan Hà Nội, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, văn hóa lịch sử và nhiều yếu tố khác đã giúp cho Hà Nội trở thành một trong những trung tâm du lịch quan trọng ở khu vực phía Bắc.

Hãy cùng ChuduInfo bắt đầu khám phá Cẩm nang du lịch Hà Nội dưới đây, để tìm hiểu về các thông tin hữu ích cho chuyến đi của bạn.

Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo

Đi Hà Nội khi nào?

Hà Nội nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên có hai kiểu thời tiết rõ rệt đó là nóng ẩm, mưa nhiều vào mùa hè và hanh khô, lạnh vào mùa đông. Mùa nóng kéo dài từ tháng 4 tới tháng 9 kèm theo mưa nhiều, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa lạnh. Cùng với 2 thời kì chuyển tiếp vào tháng 4 (mùa xuân) và tháng 10 (mùa thu) nên thời tiết Hà Nội có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Cẩm nang du lịch Hà Nội 4
Hà Nội lãng mạn khi vào thu. Ảnh: Internet

Hà Nội 4 mùa đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là mùa thu vào khoảng tháng 8 đến tháng 11. Đây là thời điểm được xem là lý tưởng nhất trong năm để du lịch Hà Nội. Khi ấy Hà Nội nồng nàn hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… quãng thời gian tuyệt vời nhất trong năm, Hà Nội bỗng trở nên dịu dàng và lãng mạn sau cái nóng oi bức của mùa hè. Nếu bạn là người giỏi chịu lạnh, đến Hà Nội vào mùa đông cũng là một ý tưởng khá thú vị, bạn có thể cảm nhận cái lạnh và thưởng thức những món ăn nóng hổi rất đặc trưng vào mùa này.

Dù du lịch Hà Nội vào mùa nào trong năm, bạn cũng nên chuẩn bị sớm cho mình một lịch trình cụ thể và tham khảo đặt phòng khách sạn Hà Nội tại Chudu24 để có mức giá tốt và nhận được nhiều ưu đãi. Đặc biệt vào những mùa lễ hội hay cần đặt phòng ở những khu vực trung tâm thành phố, bạn sẽ không lo hết phòng.

Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo

Đi đâu, chơi gì ở Hà Nội – Cẩm nang vui chơi

Cẩm nang du lịch – Với nhiều loại hình du lịch, Hà Nội có rất nhiều điểm tham quan để bạn trải nghiệm và khám phá.

Các công trình, kiến trúc tại Hà Nội

Kiến trúc cổ

Khu phố cổ Hà Nội

Cẩm nang du lịch Hà Nội 5
Khu phố cổ giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Internet

Nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm với tổng diện tích khoảng 100 ha, khu phố cổ Hà Nội bao gồm 76 tuyến phố, được xác định bởi: Phía bắc là phố Hàng Đậu; phía tây là phố Phùng Hưng; phía nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Khu phố cổ Hà Nội được hình thành từ thế kỷ 11 và có bề dày gần một nghìn năm lịch sử của một khu đô thị buôn bán sầm uất, tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề đặc trưng mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh kinh thành Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình khiến các phố nghề ngày càng phát triển. Phố nào cũng ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, lao động như một làng nghề thu nhỏ. Và chính sản phẩm được buôn bán đã trở thành tên phố, với chữ “Hàng” đằng trước. Hiện nay, một số phố vẫn còn bán các sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc,…

Nhà cổ Hà Nội

du lịch Hà Nội
Nhà cổ Hà Nội. Ảnh: Internet

Một đặc trưng nữa của khu phố cổ Hà Nội là kiến trúc nhà cổ với nhà dạng ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán. Những ngôi nhà này chủ yếu được xây dựng vào thế kỉ 18 – 19. Người Hà Nội đã bố cục khéo léo hệ thống các phòng, gác lửng, sân trong đáp ứng nhu cầu đa dạng của cuộc sống. Nhờ thế mà tuy không lớn nhưng mỗi ngôi nhà cổ Hà Nội vẫn có diện tích dành làm nơi bán hàng, làm hàng, nơi thờ cúng, tiếp khách, nơi ngủ, hóng mát…

– Khu thành cổ

Đến với khu phố cổ Hà Nội, bạn sẽ bị bị hấp dẫn bởi những giá trị văn hoá chứa đựng trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán.

  • Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

du lịch Hà Nội
Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Internet

Với diện tích hơn 18.000 ha, bao gồm nhiều di tích lịch sử quan trọng, trong đó phải kể đến Khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu và các di tích nổi bật trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, Bắc Môn, Cửa Đoan, Nhà D67… Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000 m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138.000 m2 tạo thành một di sản thống nhất.

  • Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070, là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

du lịch Hà Nội
Cổng chính vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Internet

Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám. Từ bên ngoài nhìn vào, toàn bộ khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bao quanh 4 phía bởi một khung tường xây bằng những viên gạch vồ cỡ lớn – loại vật liệu kiến trúc phổ biến thời Hậu Lê, tạo nên một không gian cổ kính, trang nghiêm, đầy hoài niệm. Phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên).

du lịch Hà Nội
Khuê Văn Các bên trong khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Internet

Phía trước Văn Miếu có một hồ nước khá rộng, gọi là Hồ Văn. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình – “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình đã mất, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc tu sửa Văn Miếu.

Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, nay Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng.

– Khu phố Pháp

Năm 1883, người Pháp bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại thành phố Hà Nội. Khu vực đô thị do người Pháp quy hoạch và xây dựng gồm ba khu: nhượng địa, thành cũ và nam hồ Hoàn Kiếm, ngày nay mang tên chung là khu phố cũ, hay khu phố Pháp.

du lịch Hà Nội
Phủ Chủ tịch – Công trình mang phong cách kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Hà Nội. Ảnh: Internet

Khu nhượng địa mang hình chữ nhật được giới hạn bởi các con phố Bạch Đằng, Tràng Tiền, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Nguyễn Huy Tự hiện nay. Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Những con đường ở đây rộng, dài và được trồng nhiều cây xanh. Các biệt thự mang kiến trúc miền Bắc nước Pháp với trang trí cầu kỳ, tỷ mỉ. Một công trình kiến trúc tiêu biểu và quan trọng của khu thành cũ là Phủ Toàn quyền, ngày nay là Phủ Chủ tịch, được xây dựng trong khoảng 1900 đến 1902. Khu nam hồ Hoàn Kiếm cũng là một hình chữ nhật với hai cạnh dài là phố Tràng Thi – Tràng Tiền và phố Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là phố Phan Bội Châu và phố Phan Chu Trinh. Một công trình quan trọng của thành phố là Nhà hát Lớn nằm ở đầu phố Tràng Tiền, được xây từ 1902 tới 1911, theo mẫu Opéra Garnier của Paris.

Kiến trúc hiện đại

Bên cạnh những kiến trúc cổ xưa, ngày nay Hà Nội đã mang một diện mạo mới mẻ hơn với các công trình, kiến trúc hiện đại có mặt trên khắp các con phố, nẻo đường. Giữa lòng Hà Nội, những khu phố tĩnh lặng, yên bình giờ đã tấp nập, nhộn nhịp hơn trên những trục đường lớn của thành phố.

– Tòa nhà Keangnam Hanoi

Nằm ở phía Tây của thủ đô (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tòa nhà Keangnam Hanoi là một khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại lớn cao nhất Việt Nam gồm 72 tầng. Với chiều cao 336 mét, khi vừa hoàn thành, đây là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới.

du lịch Hà Nội
Tòa nhà Keangnam Hanoi. Ảnh: Internet

Công trình được khởi công ngày 25/8/2007, tổng diện tích gần 610.000 m2. Đây được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng về xây dựng cũng như ngành công nghiệp dịch vụ, những ngành đang thúc đẩy sự phát triển của thành phố Hà Nội.

– Sân vận động Mỹ Đình

du lịch Hà Nội
Sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: Nguyễn Khánh

Nằm tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), cách trung tâm Hà Nội 10 km về phía tây nam, sân vận động Mỹ Đình có sức chứa lớn thứ nhì Việt Nam, hơn 40.000 chỗ ngồi (chỉ sau sân vận động Cần Thơ với sức chứa 50.000 người). Đây cũng là tổ hợp sân vận động hiện đại nhất Việt Nam, chính thức hoạt động ngày 2/9/2003 với trận đấu đầu tiên giữa đội U23 Việt Nam và câu lạc bộ Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc). Nơi đây từng tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á – SEA Games 22 năm 2003 và nhiều sự kiện thể thao, văn hóa lớn của đất nước.

– Công viên Hòa Bình

Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, thủ đô vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Để tạo dựng một biểu tượng mới, Hà Nội đã quyết định xây dựng công viên mang tên Hòa Bình rộng trên 20 ha, tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

du lịch Hà Nội
Công viên Hòa Bình. Ảnh: Internet

Điểm nhấn chính của công viên Hòa Bình (Hà Nội) là cổng cách điệu cánh chim Lạc và tượng đài người mẹ bồng con trên vai với đàn chim bồ câu nối đuôi bay theo sau. Nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời, tập thể dục, chụp ảnh, dạo chơi và hít thở không khí trong lành.

– Đại lộ Thăng Long

Đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng – Hòa Lạc) được bàn giao ngày 3/10/2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là tuyến cao tốc nối trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Chiều dài toàn tuyến 30 km, nằm gọn trong địa giới Hà Nội. Tuyến đường được xây dựng gồm 2 dải đường cao tốc 3 làn xe, 2 dải đường đô thị, 2 làn xe cơ giới, 2 đường hầm, 13 cầu vượt ngang đường.

du lịch Hà Nội
Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Internet

Kể từ khi khánh thành công trình đã giúp cho giao thông Hà Nội mang một bộ mặt hoàn toàn mới mẻ. Các phương tiện di chuyển từ phía tây sang phía đông, nam thành phố và ngược lại mà không phải xuyên qua nội đô, đồng thời giảm tải cho tuyến vành đai 3 phía dưới.

– Cầu Nhật Tân

du lịch Hà Nội
Cầu Nhật Tân. Ảnh: Internet

Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân – Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Đây là một trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng. Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội.

Bảo tàng

Bên cạnh các điểm tham quan nổi tiếng ở thủ đô như hồ Gươm, phố cổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… có lẽ các viện bảo tàng tại Hà Nội là những điểm đến không nên bỏ lỡ đối với những ai muốn khám phá thủ đô Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Với khoảng 130 bảo tàng lớn nhỏ trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… tùy theo nhu cầu tìm hiểu của mình bạn có thể đến một số bảo tàng lớn tại đây.

– Bảo tàng Hồ Chí Minh: Số 19, Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội. Nơi đây trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh. Tham quan bảo tàng, bạn có thể ghé thăm quần thể di tích gồm Lăng Bác, chùa Một Cột và quảng trường Ba Đình.

du lịch Hà Nội
Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

– Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: Số 1 phố Tràng Tiền, Hà Nội. Nơi đây lưu giữ hơn 7.000 hiện vật khắc họa rõ nét quá trình lao động sáng tạo cũng như lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm để tồn tại của dân tộc Việt Nam.

du lịch Hà Nội
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Internet

– Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam: 66, Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam  là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

du lịch Hà Nội
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Internet

– Bảo tàng Dân tộc học: Nguyễn Văn Huyên, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam. Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.

du lịch Hà Nội
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Internet

– Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Số 36 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại đây bảo quản, trưng bày các tài liệu, hiện vật giới thiệu vai trò và những thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước và của dân tộc.

du lịch Hà Nội
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Internet

Đền, đình và chùa chiền

Hà Nội không chỉ nổi tiếng bởi bề dày lịch sử mà còn nổi tiếng là vùng đất tâm linh, với hơn 100 ngôi chùa lớn, nhỏ mang dáng vẻ uy nghi, cổ kính giữa lòng thủ đô nhộn nhịp.

– Đền Bạch Mã

du lịch Hà Nội
Đền Bạch Mã. Ảnh: Internet

Đền Bạch Mã là một trong những ngôi đền cổ và linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội, nằm ở hướng chính đông, là một trong tứ trấn của kinh đô Thăng Long xưa. Trước đây, đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, được xây từ năm 866 và được hoàn thiện vào năm 1010 dưới thời vua Lý Thái Tổ. Đây là một ngôi đền lớn có kiến trúc cổ, quy mô bề thế còn lưu giữ được những nét kiến trúc đặc sắc thời Lý, Trần.

– Đền Voi Phục

du lịch Hà Nội
Đền Voi Phục. Ảnh: Internet

Đền Voi Phục nằm về phía Tây thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Trong tiềm thức dân gian, đền Voi Phục thờ thần Linh Lang, vị thần được tin là giúp nhà vua coi sóc sự an bình cho phía Tây Hoàng thành, được người dân tôn kính thờ phụng.

– Đền Kim Liên

du lịch Hà Nội
Đền Kim Liên. Ảnh: Internet

Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ ở phía Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thuỷ Tinh mang lại bình yên cho nhân dân. Hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần.

– Đền Quán Thánh

du lịch Hà Nội
Đền Quán Thánh. Ảnh: Internet

Đền Quán Thánh còn được gọi là Trấn Vũ Quán, là nơi tu luyện của các đạo sĩ, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo thần thoại Việt Nam, thần nhiều lần giúp dân từ tà ma, yêu quái, đánh đuổi ngoại xâm.

– Chùa Một Cột

du lịch Hà Nội
Chùa Một Cột. Ảnh: Internet

Chùa Một Cột có tên khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài, nằm trong quần thể chùa Diên Hựu trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội (ở bên phải Lǎng Chủ Tịch Hồ Chí Minh). Chùa Một Cột là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Chùa có kiến trúc độc đáo, được tạo dáng như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên.

Chùa Trấn Quốc

du lịch Hà Nội
Chùa Trấn Quốc. Ảnh: Internet

Chùa Trấn Quốc là một trong 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới. Chùa toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây trên đường Thanh Niên, tạo nên cảnh quan phong thủy hữu tình. Không chỉ đẹp, chùa Trần Quốc còn là một trong trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội. Nhiều người Hà Nội cho rằng, đến chùa Trấn Quốc lễ Phật là việc đầu tiên nên làm trong ngày đầu năm mới.

– Chùa Quán Sứ

du lịch Hà Nội
Chùa Quán Sứ. Ảnh: Internet

Nhắc đến những ngôi chùa luôn tấp nập khách vào đầu năm ở Hà Nội không thể không nhắc đến chùa Quán Sứ. Đây là ngôi danh lam cổ tự bậc nhất, ở vị trí trung tâm của thủ đô. Chùa là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Phật Giáo Việt Nam, là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phân viện Nghiên cứu Phật học.

– Chùa Phúc Khánh

du lịch Hà Nội
Chùa Phúc Khánh. Ảnh: Internet

Chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa) còn có tên Chùa Sở, tọa lạc tại số 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988. Kiến trúc cổ kính, thanh tịnh của chùa cộng với sự nổi tiếng về dâng sao giải hạn đầu năm, mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn du khách, Phật tử đến lễ và cầu an ở đây.

– Chùa Hà

du lịch Hà Nội
Chùa Hà. Ảnh: Internet

Chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy) tên chữ là Thánh Đức tự, là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng để cầu duyên. Ngày lễ Tết người dân đến chùa cầu mong Phật, Thánh giải bỏ tai ương, đem đến cho họ nhiều phúc lộc. Người đi chùa Hà cũng không sắp lễ nhiều như ở những chùa khác chỉ đơn giản là một ít tiền vàng, hoa, trầu cau đựng trong một chiếc khay nhỏ và một thứ không thể thiếu là tiền lẻ.

– Chùa Kim Liên

du lịch Hà Nội
Chùa Kim Liên. Ảnh: Internet

Chùa Kim Liên (Quảng An, Tây Hồ) đã hàng trăm năm tuổi, có kiến trúc gỗ chạm khắc độc đáo, toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, và nổi tiếng linh thiêng. Những ngày lễ Tết, đầu xuân năm mới, người dân lại tìm đến đây để cầu bình an, may mắn. Chùa có diện tích rộng, không gian yên tĩnh, trong lành phù hợp để tĩnh tâm.

– Phủ Tây Hồ

du lịch Hà Nội
Phủ Tây Hồ. Ảnh: Internet

Phủ Tây Hồ (còn gọi là phủ Mẫu Tây Hồ) thờ Bà Chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của Việt Nam. Vào dịp đầu xuân năm mới, du khách thường về đây rất đông vừa để dâng lễ cầu may, cầu phúc, cầu lộc vừa để thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ.

Những điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nội

– Nhà hát Lớn Hà Nội

du lịch Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Internet

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Đây là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng tại thủ đô. Bạn có thể ngồi ở hiên nhà hát lớn vào buổi đêm, nghe nhạc và ăn kem Tràng Tiền, ngắm dòng người qua lại.

– Nhà thờ Lớn Hà Nội

du lịch Hà Nội
Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Internet

Nhà thờ Lớn Hà Nội có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, được hoàn thành vào năm 1886 – là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của Tổng giám mục. Đây cũng là một nhà thờ lâu đời ở Hà Nội, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

– Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

du lịch Hà Nội
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi đặt thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Người đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn.

Cầu Long Biên

du lịch Hà Nội
Cầu Long Biên. Ảnh: Internet

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên (Hà Nội), do Pháp xây dựng (1898-1920). Ngày nay, cầu là điểm tham quan lý tưởng về đêm, nơi bạn có thể hóng gió, chụp ảnh và thưởng thức các món ăn hè phố hấp dẫn.

– Hồ Hoàn Kiếm

du lịch Hà Nội
Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Internet

Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần. Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ và khu phố Tây, với tháp Rùa cổ kính nằm trên một bán đảo nhỏ giữa hồ. Bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm là những công trình kiến trúc đầy ấn tượng và là di sản đáng quý của thành phố: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào lầu Đắc Nguyệt hay đình Trấn Ba… trên lối dẫn vào đền Ngọc Sơn. Ngày nay, ngoài người dân địa phương, hồ còn thu hút rất đông du khách đến dạo mát và tham quan, ngắm cảnh.

– Hồ Tây

du lịch Hà Nội
Khung cảnh Hồ Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Nằm không xa trung tâm thành phố, Hồ Tây là hồ có diện tích lớn nhất Hà Nội. Bạn có thể thuê xe đạp nước hoặc đi du thuyền quanh Hồ Tây. Thời điểm thích hợp nhất để bạn đến nơi đây là lúc hoàng hôn ngắm mặt trời lặn. Bên cạnh Hồ Tây là ngôi làng cổ Nghi Tàm, nơi đây còn lưu giữ lại được những thú chơi tao nhã của con người Hà Nội xưa đó là thú chơi cá cảnh, bon sai.

Những điểm tham quan gần Hà Nội

Những ngày cuối tuần, nếu muốn tìm không gian nghỉ ngơi yên tĩnh với không khí trong lành, tạm lánh xa sự xô bồ của phố thị thì bạn có thể ra vùng ngoại ô Hà Nội với nhiều địa điểm tham quan thú vị.

– Làng gốm Bát Tràng

du lịch Hà Nội
Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Internet

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 20 km, bên tả ngạn sông Hồng, bạn có thể đi xe máy hoặc xe bus để đến được nơi đây. Từ bao đời nay Bát Tràng là nơi sản xuất gốm sứ nổi tiếng và chất lượng nổi tiếng khắp cả nước. Trên con đường quanh làng có rất nhiều xưởng gốm với những bức tường phơi than độc đáo hay những ngôi nhà cổ mộc mạc. Trong những xưởng gốm nhỏ, bạn có thể tự tay tạo ra những sản phẩm bằng gốm yêu thích hay vẽ lên những chiếc cốc, những món đồ lưu niệm bằng gốm để tặng cho bạn bè, người thân.

Làng cổ Đường Lâm

du lịch Hà Nội
Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Internet

Nằm cách Hà Nội khoảng 30 km về phía Hà Tây, ngôi làng Việt Cổ vẫn còn giữ nguyên giá trị vật thể và phi vật thể về cung cách sinh sống của người xưa. Du khách đến đây còn có thể thưởng thức bữa trưa dân dã truyền thống tại sân một ngôi nhà cổ xưa, hay nghe kể chuyện, tham quan những bức tường phủ rêu. Thú vị nhất là thuê 1 chiếc xe đạp và đạp quanh những con đường làng. Đây cũng là nơi cho ra đời rất nhiều bộ ảnh cực kỳ đẹp.

– Vườn Quốc gia Ba Vì

du lịch Hà Nội
Vườn Quốc Gia Ba Vì. Ảnh: Internet

Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 50 km về phía Tây, với khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, từ lâu Vườn Quốc gia Ba Vì trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Không bị tác động nhiều bởi bàn tay của con người, Vườn Quốc gia Ba Vì với tổng diện tích 11.372 ha, mang vẻ đẹp hoang sơ và lôi cuốn với màu xanh ngát của núi rừng, cùng những dòng suối nhỏ trong vắt chảy ngang lối đi qua thảm động thực vật phong phú.

– Thành Cổ Loa

du lịch Hà Nội
Thành Cổ Loa. Ảnh: Internet

Nằm ở phía huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, Thành Cổ Loa là toà thành cổ nhất, quy mô và có cấu trúc lớn nhất trong số thành cổ ở nước ta. Theo dân gian truyền lại, Cổ Loa có 9 vòng thành xoáy trôn ốc, nhưng do chiến tranh và sự phá huỷ của thời gian, Cổ Loa hiện tại chỉ còn 3 vòng thành là Thành Trong, Thành Trung và Thành Ngoại. Cổ Loa là một khu du lịch nổi tiếng với những công trình độc đáo như giếng Ngọc, đình Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương, am Mị Châu…

– Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên

du lịch Hà Nội
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Ảnh: Internet

Tọa lạc trên một quả đồi ở lưng chừng núi Tam Đảo thuộc thôn Đền Thỏng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng mới trên chính nền tảng của Thiên Ân thiền tự cổ, có lối kiến trúc mang dấu ấn của một ngôi chùa Việt. Bạn phải leo qua hàng trăm bậc đá mới đến được cổng tam quan, sau đó mới vào được chùa.

– Tam Đảo

du lịch Hà Nội
Tam Đảo. Ảnh: Internet

Tam Đảo là tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam, trải dài trên địa bàn của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, và Tuyên Quang. Sở dĩ dãy núi này có tên như vậy bởi nơi đây có 3 ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, gồm Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Ngọn cao nhất có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Độ cao này đã tạo cho Tam Đảo một cảnh quan đẹp và không khí trong lành mát mẻ, được ví như Đà Lạt của miền Bắc. Nhiều năm trở lại đây, Tam Đảo trở thành một điểm đến quen thuộc cho những du khách ở các tỉnh lân cận, đặc biệt là du khách ở Hà Nội. – Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo

Đến và đi lại Hà Nội bằng gì

Là thủ đô của Việt Nam, Hà Nội là một trong những thành phố có hệ thống giao thông phát triển nhất cả nước. Do đó, tùy theo khoảng cách địa lý và nhu cầu tham quan, vui chơi mà bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển cho phù hợp với hành trình của mình.

Máy bay

Sân bay Quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế phục vụ chủ yếu cho Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 35 km theo tuyến đường bộ về phía Tây Bắc. Đây là trung tâm hoạt động chính cho Vietnam Airlines, VietJet Air và Jestar Pacific Airlines.

du lịch Hà Nội
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Internet

Tùy theo địa điểm xuất phát và thời điểm mua vé mà vé máy bay đi Hà Nội sẽ có những mức giá khác nhau. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm đặt vé máy bay để đặt được vé rẻ hoặc theo dõi các chương trình khuyến mãi để chọn thời điểm mua vé phù hợp với kinh phí du lịch của mình.

Tàu hỏa

du lịch Hà Nội
Ga Hà Nội. Ảnh: Internet

Đây là một trong những phương tiện được nhiều người lựa chọn khi di chuyển đến Hà Nội bởi giá cả hợp lý cũng như độ an toàn khá tuyệt đối cho khách du lịch. Đặc biệt ga Hà Nội ở ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Giá vé tùy thuộc vào nhu cầu chọn ghế ngồi, loại tàu và địa điểm bạn xuất phát. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin giá vé và loại tàu tại website của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Xe khách

Nếu xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, bạn cũng có thể chọn xe khách là phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, tuyến đường này khá xa nên bạn sẽ có nhiều điểm dừng chân trước khi đến Hà Nội.

Một số hãng xe khách chạy tuyến Sài Gòn – Hà Nội:

– TheSinhTourist

  • Lịch trình: Hà Nội – Sài Gòn
  • Giờ xuất bến: Liên hệ
  • Điện thoại: 04 39290394 –  08 38389593
  • Địa chỉ: 64 Trần Nhật Duật (Hà Nội) – 246-248 Đề Thám, Quận 1 (TP.HCM)

Chú ý: TheSinhTourist không cho đặt vé qua điện thoại nên các bạn phải đến trực tiếp các văn phòng của họ để mua vé nhé.

– Hoàng Long

  • Lịch trình: Hà Nội – Sài Gòn (Hồ Chí Minh)
  • Giờ xuất bến: Lương Yên (từ 5h-23h), Nước Ngầm (từ 10h-16h), Sài Gòn (từ 5h-23h)
  • Điện thoại: 031 3920920 – 04 39877225 – 04 39946617 – 08 22438989 – 08 35113113

– Mai Linh

  • Lịch trình: Hà Nội – Sài Gòn (Hồ Chí Minh)
  • Giờ xuất bến: Hà Nội 10h-15h-17h, Sài Gòn 15h-17h30-19h
  • Điện thoại: 04 36336699 – 08 39292929

– Phượng Hoàng

  • Lịch trình: Hà Nội (Hưng Yên) – Sài Gòn (Hồ Chí Minh)
  • Giờ xuất bến: Liên hệ
  • Điện thoại: 04 39878676 – 08 66745275

Phương tiện di chuyển từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội

Taxi

Taxi là phương án di chuyển đơn giản, tiện nghi và dễ kiếm nhất khi di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội. Thông thường các hãng taxi không áp dụng mức giá cố định cho chặng Nội Bài – Hà Nội cũng như chặng Hà Nội – Nội Bài mà tính giá theo đồng hồ trên xe. Với khoảng cách 27 km – 35 km để về trung tâm thì hành khách thường phải chi trả từ 300.000 – 400.000 đồng.

du lịch Hà Nội
Taxi đưa đón tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Internet

Ngoài ra, với sự xuất hiện của dịch vụ đặt xe như Grab và Uber thì mức giá cố định để di chuyển là 250.000 đồng (tới 4 quận trung tâm của thành phố là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng).

Minibus

Một số hãng hàng không nội địa tại Việt Nam có dịch vụ minibus vận chuyển hành khách từ sân bay về trung tâm thành phố, trong đó:

– Vietjet Air

  • Giá vé: 40.000 đồng/lượt
  • Lộ trình: Sân Bay Nội Bài – Phạm Văn Đồng – Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên – Đào Tấn – Kim Mã – Nguyễn Thái Học – Trần Nhân Tông.
  • Thời gian xe chạy là khoảng 60 phút/lượt.

Trả khách theo yêu cầu của khách dọc theo lộ trình xe chạy và điểm trả khách cuối cùng là Công viên Thống Nhất cổng Trần Nhân Tông.

– Jetstar Pacific Airlines

  • Giá vé: 40.000 đồng/lượt
  • Lộ trình: Nội Bài – cầu Thăng Long – Phạm Văn Đồng – Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên – Đào Tấn – Bến xe Ngọc Khánh.
  • Thời gian xe chạy là khoảng 60 phút/lượt.

Xe buýt

du lịch Hà Nội
Tuyến xe buýt từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Ảnh: Internet

– Tuyến số 07: Cầu Giấy – Nội Bài

  • Giá vé 8.000 đồng/lượt
  • Thời gian vận hành toàn tuyến: 1 giờ
  • Tần suất: 3 – 8 – 13 – 20 phút/chuyến
  • Thời gian hoạt động: 5h00 – 22h35

– Tuyến số 17: Long Biên – Nội Bài

  • Giá vé 9.000 đồng/lượt
  • Thời gian vận hành toàn tuyến: 1 giờ 30 phút – 2 giờ
  • Tần suất: 10 – 15 – 20 phút/chuyến
  • Thời gian hoạt động: 5h10 – 21h55

– Tuyến số 86: Ga Hà Nội – Sân bay Nội Bài

  • Giá vé: 30.000 đồng/lượt
  • Thời gian vận hành toàn tuyến: 40 – 50 phút
  • Tần suất: 25 – 30 phút/chuyến
  • Thời gian hoạt động: 6h18 – 22h58

– Tuyến số 90: Kim Mã – Cầu Nhật Tân – Nội Bài

  • Giá vé: 9.000 đồng/lượt
  • Thời gian vận hành toàn tuyến: 50 phút
  • Tần suất: 20 – 30 phút/lượt
  • Thời gian hoạt động: Từ Kim Mã: 5h30 – 21h10. Từ Sân bay Nội Bài: 6h40 – 22h30.

Phương tiện di chuyển trong nội thành Hà Nội

Xích lô

du lịch Hà Nội
Xích lô ở Hà Nội. Ảnh: Internet

Một trong những nét độc đáo của du lịch Hà Nội là xích lô phố cổ. Rất nhiều du khách đến Hà Nội chọn phương tiện này để tham quan, khám phá những nét đẹp cổ kính trên từng con phố giữa một Hà Nội sầm uất và náo nhiệt.

Xe máy

Xe máy là phương tiện giúp bạn dễ dàng di chuyển nhất trên đường phố và cũng phù hợp cho những ai thích phiêu lưu, khám phá. Nhiều khách sạn Hà Nội có dịch vụ cho thuê xe máy hoặc bạn có thể yêu cầu khách sạn thuê xe từ các công ty dịch vụ bên ngoài, tuy nhiên giá thuê bên ngoài sẽ cao hơn.

Xe buýt

du lịch Hà Nội
Xe buýt chạy tuyến nội thành Hà Nội. Ảnh: Internet

Xe buýt là một phương tiện vận tải công cộng phổ biến ở thủ đô Hà Nội, đây cũng là phương tiện hữu hiệu nhất cho bạn khi di chuyển ở thủ đô với chi phí rẻ. Tuy nhiên, các bạn lưu ý căn thời gian chờ xe và thời gian di chuyển cho chuẩn trong những khoảng cao điểm như buổi sáng và chiều tối bởi di chuyển bằng xe buýt lúc này sẽ mất khá nhiều thời gian.

Taxi

Có rất nhiều hãng taxi đang hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại trong nội thành Hà Nội như Taxi Mai Linh (04.38.222.666 – 04.38.222.555), Taxi Nội Bài (043.886.8888), Taxi 3A (04.38.57.57.57), Taxi Gas Petrolimex (04.36.28.28.28),… Mỗi hãng taxi sẽ có một mức giá khác nhau nên bạn hãy chọn các hãng xe uy tín để có mức giá phù hợp.

Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo

Ăn gì và ăn ở đâu tại Hà Nội – Cẩm nang ăn uống

Đến Hà Nội, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi thiên đường ăn uống có mặt ở khắp nơi từ hệ thống các nhà hàng, quán cà phê, quán ăn cho đến các quán cóc ven đường với vô số mớn ăn thơm ngon, phong phú mang hương vị đặc trưng của miền Bắc.

Phở Hà Nội

du lịch Hà Nội
Phở Hà Nội. Ảnh: Internet

Phở là món ăn không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội. Phở gánh Hàng Trống là một quán gánh nhỏ trên vỉa hè, khách tới ăn không có bàn mà chỉ ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, mỗi người một tô phở ngon lành. Điều đặc biệt là hàng phở này chỉ bán buổi chiều, từ rất lâu năm và giá vẫn không hề thay đổi là 15.000 đồng. Còn nếu muốn ăn phở gà, bạn hãy tới hàng phở gà nằm trên phố Quán Thánh. Lạ miệng với món phở trộn chua chua ngọt ngọt tại Phở Hạnh phố Lãn Ông hoặc hàng phở nằm trên phố Lương Văn Can, phở áp chảo trên phố Bát Đàn. Nếu đến Hà Nội mà bạn không thưởng thức món Phở có nghĩa là bạn chưa hề đặt chân tới đây.

  • Phở cuốn Hưng Bền: 33 Ngũ Xã, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Phở Hồng: 11 Hàng Hòm, Phường Hàng Gai, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Phở Gia truyền: 49 Bát Đàn, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chả cá Lã Vọng

Chả cá Lã Vọng. Ảnh: Internet
Chả cá Lã Vọng. Ảnh: Internet

Chả cá Lã Vọng là món ăn có từ lâu đời ở Hà Nội, được làm từ cá lăng, ngày nay cá lăng hiếm nên thường làm bằng cá quả. Cá được chiên trên một chảo dầu nhỏ, mỗi bàn ăn sẽ có một bếp than hoa nho nhỏ cùng chảo cá đặt bên trên. Cá ăn kèm với bánh đa nướng, bún rối, cùng với đó là lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường. Chả cá phải ăn nóng mới ngon, và sẽ ngon hơn khi ăn với mắm tôm, tuy nhiên bạn cũng có thể thay thế bằng nước mắm.

  • Quán Cá Lã Vọng: 2A Hoàng Cầu, Quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Chả cá Ngon: 57 Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bún chả Hà Nội

du lịch Hà Nội
Bún chả Hà Nội. Ảnh: Internet

Bún chả được xem là món ăn quen thuộc của người Hà Nội, nhận rất nhiều lời khen ngợi từ du khách gần xa và lọt danh sách 10 món đường phố tuyệt nhất thế giới. Bún chả Hà Nội mang đậm phong vị truyền thống, hương vị đặc trưng riêng. Thưởng thức miếng chả thấm gia vị với nước chấm ngon ăn kèm với bún rối cùng đu đủ xanh giòn khiến bao du khách phải trầm trồ, tán thưởng. Không chỉ hấp dẫn người dân Thủ đô mà du khách nước ngoài cũng phải mê mẩn món ăn này khi tới Hà Nội.

  • Bún chả Tuyết: 34 Hàng Than, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Bún chả Hàng Quạt: Ngõ 74 Hàng Quạt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bún chả Hà Nội: 102 B8 Tô Hiệu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bún thang

du lịch Hà Nội
Bún thang. Ảnh: Internet

Bún thang là món ăn bình dị của người dân Hà Thành nhưng lại rất kì công. Nguyên liệu chính của món bún thang bao gồm lườn gà xé nhỏ, giò lụa thái sợi, trứng gà rán mỏng ăn cùng với bún. Có lẽ sự hấp dẫn của món bún thang là sự kết hợp giữa màu hồng phớt của giò lụa, màu trắng vàng của thịt và màu vàng của trứng rán thái chỉ. Đối với những người sành về ẩm thực Hà Nội không thể bỏ qua món bún thang.

  • Bún Thang, Bún Bung: 32 Cầu Gỗ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bún Thang Hạ Hồi: 11 Hạ Hồi, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bánh tôm Hồ Tây

du lịch Hà Nội
Bánh tôm Hồ Tây. Ảnh: Internet

Bánh tôm Hồ Tây tuy bình dị, dân dã nhưng là món ăn đặc sản của người dân Hà Thành. Bánh tôm nên thưởng thức khi còn nóng sẽ cảm nhận được vị giòn và tôm không bị tanh, ăn kèm với nước chấm có vị chua, ngọt và cay cùng với dưa ghém để món ăn bớt ngán hơn.

  • Bánh tôm Hàng Bồ: 57A Hàng Bồ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bánh tôm ngõ Đồng Xuân: Ngõ Đồng Xuân, Hàng Chiếu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bánh cuốn Thanh Trì

du lịch Hà Nội
Bánh cuốn Thanh Trì. Ảnh: Internet

Bánh cuốn là món ăn bình dị, quen thuộc, không cầu kì nhưng lại tinh tế như người dân Hà Thành, và bánh cuốn Thanh Trì được ví như một nét ẩm thực duyên dáng của mảnh đất kinh kì. Gạo để tráng bánh phải được lựa chọn rất kỹ sau đó xay thành bột pha với nước rồi tráng trên bếp những lớp bánh mỏng dính. Người làm bánh nhanh tay hớt lấy lớp bánh còn nóng ra đĩa sau đó rắc thịt heo được rang với nấm hương rồi cuộn lại cuối cùng rắc một lớp ruốc tôm lên trên. Ăn kèm với nước mắm, cà cuống và chả quế.

  • Bánh cuốn Bà Hoành: 66 Tô Hiến Thành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Bánh cuốn Bà Hanh: 26B Thọ Xương, Phủ Doãn, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bánh cuốn nóng: 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bún đậu mắm tôm

du lịch Hà Nội
Bún đậu mắm tôm. Ảnh: Internet

Có thể nói bún đậu mắm tôm là một trong những món ăn đặc trưng nhất của người dân Hà Thành. Đó là sự kết hợp của đĩa bún tươi mềm, đậu phụ rán giòn cùng với bát mắm tôm thơm, béo ngậy và rau thơm. Đậu rán khi ăn phải nóng được cắt thành từng miếng béo ngậy vị đậu tương, vàng óng với lớp chiên bên ngoài. Quan trọng nhất chính là mắm tôm, mắm tôm ngon là khi vắt quất vào đánh lên phải bông, rưới thêm chút mỡ nóng chấm với đậu và bún rối thực không còn gì sánh bằng.

  • Bún đậu mắm tôm Mã Mây: 8 Mã Mây, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Mộc Mẹt Quán: 13 TT13 KĐT Văn Phú, Quận Hà Đông, Hà Nội.
  • Bún đậu mắm tôm Ao Sen: Ngõ 3 Ao Sen, Quận Hà Đông, Hà Nội.

Nếu bạn muốn thưởng thức đa dạng món ăn hương vị miền Bắc và thư giãn trong không gian yên tĩnh với tiếng nhạc du dương thì có thể tham khảo một số địa chỉ nhà hàng và quán cà phê ở Hà Nội sau đây:

  • Chuỗi Nhà hàng Chen: 18 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội – 43 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội – 116  Hoàng Ngân, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Chuỗi Nhà hàng hải sản Biển Đông: Đầu ngõ 84, phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội – 1059  Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội,…
  • Buffet Việt: 1A Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Nhà hàng Hải Sản Lã Vọng: Số 169 Hoàng Ngân, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Sashimi BBQ Garden: Số 2B Nguyễn Thị Thập, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Royal Buffet: Tầng 1, tòa R5, TTTM Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Buffet Sứ: 64 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Chuỗi nhà hàng Sumo BBQ: 132 -134 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội; 30 – 32 Quán Sứ, Hà Nội; 15 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội…
  • Chuỗi Nhà hàng King BBQ: Số 16 đường số 3, Tầng B1 TTTM Times City, 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng – T305, tầng 3 TTTM Aeon Mall Long Biên, số 27 đường Cổ Linh, Long Biên…
  • Ao Quán: Số 18 Ngõ 19 Đông Tác, Phường Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Quán cà phê Gardenista: 50 Vạn Bảo, Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Quán Helio Coffee: 47 Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Quán cà phê Trill Group: Rooftop Hei tower, 1 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
  • The Kafe: Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Cà phê Cosa Notra: 24 Tông Đản, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo

Mua sắm và giá cả tại Hà Nội – Cẩm nang mua sắm

Hà Nội là một trong 13 trung tâm mua sắm hấp dẫn nhất Châu Á theo tạp chí Smart Travel Asia đánh giá. Đến Hà Nội, bạn có thể đến các trung tâm thương mại để mua sắm và giải trí, hay đi dạo quanh những khu chợ đêm hoặc các tuyến phố nổi tiếng trong khu phố cổ để mua các đặc sản hay những món quà biếu người thân, bạn bè.

Mua gì ở Hà Nội

Ô mai

du lịch Hà Nội
Ô mai Hà Nội. Ảnh: Internet

Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như hội tụ tinh hoa của ẩm thực Hà Thành, ô mai là thứ quà được nhiều người chọn mua làm quà khi rời Hà Nội. Du khách có thể tìm thấy ở đây các loại ô mai yêu thích như mơ, mận, gừng, sấu, khế, chanh, quất, hồng, đào, cóc, me… Để làm nên những hạt ô mai ngon miệng và bắt mắt đòi hỏi khá nhiều công đoạn cầu kỳ và tinh tế như chọn nguyên liệu, sơ chế, ướp, sấy rồi đóng gói. Ô mai được sấy khô nên cũng không cần quan tâm nhiều lắm đến hạn sử dụng, điều kiện bảo quản không có lưu ý đặc biệt nên khách mua không cần phải lo lắng nhiều; nó không có mùi và nhỏ gọn nên để vào hành lý trên máy bay rất tiện lợi.

Bạn có thể tìm mua ô mai ở hệ thống cửa hàng Hồng Lam (có rất nhiều địa chỉ) hay dãy ô mai ở phố Hàng Đường (Gia Thịnh), Hàng Da (Vạn Lợi) hay ở đầu phố Lý Quốc Sư…

Bánh cốm

du lịch Hà Nội
Bánh cốm. Ảnh: Internet

Là đặc sản gia truyền của Hà Nội, bánh cốm hấp dẫn thực khách bởi lớp cốm canh dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi. Chiếc bánh nhỏ, mỏng, dẹt nhưng là món quà ý nghĩa của đất và người Hà Nội. Không chỉ biếu tặng, bánh cốm còn là đặc sản không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

Bánh cốm ngon nhất Hà Nội được bán ở cuối phố Hàng Than, đoạn gần cắt với Yên Phụ. Ở đây có khá nhiều cửa hàng bán bánh cốm nổi tiếng phục vụ cho đám cưới, đám hỏi với giá không rẻ nhưng chất lượng thì đồng đều, ngon miệng. Tuy nhiên khi mua bạn nên để ý kỹ ngày sản xuất và hạn sử dụng bởi bánh cốm không để được lâu, đặc biệt là dưới trời oi nóng.

Cốm xào dễ mua nhất là ở quán Quà Quê, ngay gần hồ Gươm. Bạn đi tới phố Đinh Liệt, ngay gần ngã tư cắt với Hàng Bạc và ngay cạnh quán ốc nổi tiếng. Cốm xào dừa ở đây được bán với miếng nhỏ xinh, vừa ăn, vài nghìn đồng một chiếc. Nếu mua nhiều, bạn nên đặt trước.

Trà sen

du lịch Hà Nội
Trà sen. Ảnh: Internet

So với các thứ quà khác, trà ướp hoa sen có giá khá cao và thường khó mua hơn. Tuy nhiên, khi đã chọn được loại trà sen chính hiệu Hồ Tây, đây chắc chắn sẽ là món quà quý dành cho người thân và bạn bè sau khi ghé thăm Hà Nội. Bởi ướp trà sen là cả nghệ thuật với rất nhiều thời gian, công sức.

Trà sen chính hiệu hồ Tây được chế biến rất cầu kỳ, phải là loại trà Thái Nguyên loại 1, sau đó ướp cùng gạo sen nhiều lần cho thấm được hương thơm dịu nhẹ, thoang thoảng vào từng nhúm trà khô. Mà sen phải là loại sen được trồng ở hồ Tây mới cho ra được hương thơm đạt chuẩn. Nước trà khi pha thoạt nhìn không có gì đặc biệt nhưng khi nhấm ngụm đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được cái tinh túy, đậm đà lan tỏa trong miệng.

Lụa

du lịch Hà Nội
Lụa Vạn Phúc. Ảnh: Internet

Cách trung tâm Hà Nội tầm 10 km là làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng xa gần với nghề dệt lụa tơ tằm. Ngày nay, không chỉ bán lụa, làng còn nhập nhiều mẫu quần áo may sẵn với thiết kế độc đáo, họa tiết truyền thống, dân gian để phục vụ du khách.

Lụa Vạn Phúc có đặc tính là mát, mỏng, mềm, nhẹ và ít nhăn như các loại lụa thông thường. Các nghệ nhân trong làng cũng lựa chọn những kiểu dáng mang đậm bản sắc dân tộc để thu hút khách nước ngoài. Ngoài làng lụa Vạn Phúc, bạn cũng có thể tìm mua lụa ở các gian hàng trên phố Hàng Gai hoặc Đinh Liệt.

Đồ gốm

du lịch Hà Nội
Đồ gốm Bát Tràng. Ảnh: Internet

Nếu có dịp đến thăm Bát Tràng, bạn đừng quên mua các sản phẩm gốm của làng nghề truyền thống. Với màu men đặc trưng và kỹ thuật thủ công điêu nghệ, những món đồ gốm Bát Tràng có vẻ đẹp rất riêng. Bên cạnh các loại như chén, bát, ly, tách thường dùng, nơi đây còn có các sản phẩm dành riêng làm quà tặng như chuông gió, tượng… Du khách đến chơi làng gốm cũng có thể tự tay làm những chiếc bát, lọ, bình, cốc để làm quà, vừa ý nghĩa, vừa là trải nghiệm thú vị.

Mua sắm ở đâu tại Hà Nội

Các trung tâm mua sắm ở Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều trung tâm mua sắm có mặt ở khắp các trục đường chính và khu vực trung tâm thành phố. Với hàng hóa đa dạng, chất lượng từ bình dân đến cao cấp, bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình những món đồ phù hợp với nhu cầu mua sắm.

du lịch Hà Nội
Melinh Plaza Hà Đông. Ảnh: Internet

Một số trung tâm mua sắm ở Hà Nội:

  • Melinh PLAZA: Km8 đường Cao tốc Thăng Long – Nội Bài
  • Siêu thị Rosa: Toà nhà CT4A, Khu đô thị Bắc Linh Đàm
  • Siêu thị Bách Khoa: E7 Bách Khoa
  • Siêu thị Bảo Quang: 23 Láng Hạ
  • Siêu thị Tràng Tiền: 24 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm
  • Siêu thị Metro: Đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm
  • Siêu thị Intimex Bờ Hồ: 22, 23 Lê Thái Tổ
  • Siêu thị Elmaco: 240 Tôn Đức Thắng, Đống Đa
  • Siêu thị Hà Nội: 51 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng
  • Siêu thị Fivimart: 17 Tông Đản, Hoàn Kiếm
  • Siêu thị Quan Nhân: B1 Làng Quốc Tế Thăng Long, Cầu Giấy
  • Siêu thị Sao Hà Nội: 36 Cát Linh, Đống Đa
  • Siêu thị Seiyu: 8 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa
  • Siêu thị Nội Bài: Ga Nội Bài
  • Siêu thị Thái Hà: 174 Thái Hà, Đống Đa
  • Siêu thị Thăng Long: 87 – 89 Lê Duẩn
  • Trung tâm thương mại VKO: 148 Giảng Võ
  • Trung tâm thương mại PICENZA: 20 Cát Linh
  • Trung tâm thương mại Vincom: 191 Bà Triệu
  • TT Thương mại Hồ Gươm: 7 Đinh Tiên Hoàng
  • Siêu thị Big C Thăng Long: 222 Trần Duy Hưng
  • Citimart VinCom: 91 Bà Triệu
  • Citimart  Hà Nội Tower: 49 Hai Bà Trưng
  • Citimart Văn Quán: Khu đô thị mới văn Quán, Hà Đông
  • Citimart Mỹ Đình: Khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm
  • Citimart Somerset Hòa Bình: 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy

Các chợ và chợ đêm ở Hà Nội

Hà Nội là thành phố có nhiều khu chợ đêm nhất cả nước, dường như ở mỗi quận đều có các khu chợ đêm và đồ ở đây được bán với mức giá khá rẻ.

– Chợ Đồng Xuân

du lịch Hà Nội
Chợ Đồng Xuân. Ảnh: Internet

Nằm gần ga đầu cầu Long Biên bên sông Hồng, chợ Đồng Xuân là điểm thuận lợi để hàng hóa bốn phương dồn về đây cũng như từ đây tỏa đi các nơi. Ở chợ Đồng Xuân có hầu như đầy đủ tất cả các mặt hàng, ngành hàng phục vụ sinh hoạt và đời sống. Chợ Đồng Xuân là chợ bán buôn lớn nhất của miền bắc. Ngày nay chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với quy mô lớn hơn gồm 3 tầng hiện đại, khang trang, rộng rãi nhưng vẫn giữ một phần kiến trúc của chợ cũ.

– Chợ Hàng Da

du lịch Hà Nội
Chợ Hàng Da. Ảnh: Internet

Là một trong những chợ truyền thống lâu năm của Hà Nội, lại nằm ở khu vực đô hội của Hà thành, chợ Hàng Da không chỉ là địa chỉ quen thuộc của người dân nơi đây mà còn là nơi trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho các vùng phụ cận khác. Với gần 600 hộ cá thể kinh doanh trong 20 ngành hàng, Chợ Hàng Da đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân sống xung quanh khu vực và khách tham quan mua sắm.

– Chợ Hàng Bè

du lịch Hà Nội
Một góc chợ Hàng Bè. Ảnh: Internet

Hàng Bè là một trong những ngôi chợ đã gắn bó với người dân phố cổ cả trăm năm nay. Trải qua bao lần đổi thay, nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hà Nội. Với người Kẻ Chợ – Thăng Long, chợ Hàng Bè còn là nơi sinh hoạt, giao lưu, là một không gian văn hóa của những người dân sống trong phố cổ.

– Chợ đêm trên phố Hàng Đào (Chợ đêm Đồng Xuân)

Đây là khu chợ đêm nổi tiếng nhất Hà Nội thường được mở vào các ngày cuối tuần trên tuyến phố đi bộ Hàng Ngang – Hàng Đào. Chợ đêm Đồng Xuân là những quầy hàng nhỏ được xếp ở giữa phố, khách du lịch vừa có thể mua hàng ở đây vừa ngắm cảnh phố phường vào ban đêm. Chợ chuyên bán đồ lưu niệm, quần áo và có một số món ăn vặt Hà Nội.

– Chợ quả đêm Long Biên

Chợ hoa quả đêm Long Biên là chợ đầu mối hoa quả của thủ đô. Chợ thường mở vào lúc 2 giờ sáng. Khu chợ khá tấp nập với người mua và người bán, từng chuyến xe tải chở hoa quả từ khắp các nơi đều tập trung tại đây.

– Chợ hoa Quảng Bá

du lịch Hà Nội
Chợ hoa Quảng Bá. Ảnh: Internet

Chợ hoa Quảng Bá cũng mở vào lúc nửa đêm, sau khi dạo một vòng quanh chợ đêm Đồng Xuân, rồi ghé sang chợ hoa quả Long Biên, du khách hãy đến chợ hoa Quảng Bá. Nơi đây rực rỡ các sắc màu hoa dưới ánh đèn, được những người nông dân trồng hoa ở các làng hoa Hà Nội như làng hoa Tây Tựu, làng hoa Quảng Bá… đem về tập trung ở Hà Nội.

Các tuyến phố Hà Nội

Bên cạnh các trung tâm mua sắm nổi tiếng, khu chợ đêm nấp tập, ghé thăm Hà Nội, du khách còn có thể vừa đi bộ ngắm cảnh, vừa mua sắm trên các tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm như: phố Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Mã, Hàng Đào, phố Thuốc Bắc, phố Tràng Tiền… Chắc chắn đây sẽ là một trong những trải nghiệm ấn tượng tuyệt vời về một Hà Nội cổ, bình yên, thơ mộng nhưng không kém phần tấp nập, hiện đại.

Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo

Lưu ý khác khi du lịch Hà Nội

Đặt phòng khách sạn

Nếu bạn lần đầu đến Hà Nội thì nên trải nghiệm lưu trú ở khu phố cổ một lần. Hãy chọn và đặt các khách sạn ở Nhà thờ Lớn, Mã Mây, Hàng Hành, Hàng Trống, Hàng Gai,… Từ đây bạn có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp của Hà Nội về đêm một cách dễ dàng nhất. Đối với những ai thích không gian yên tĩnh thì khách sạn quanh khu vực Hồ Tây là lựa chọn dành cho bạn.

du lịch Hà Nội
Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. Ảnh: Sưu tầm

Trang phục

Bạn nên chú ý mang theo quần áo gọn nhẹ, dễ giặt, dễ gấp nhỏ. Vào mùa đông, nhiệt độ ở Hà Nội rất thấp, mặc nhiều lớp áo mỏng sẽ giúp bạn giữ được thân nhiệt ổn định lâu hơn việc mặc những chiếc áo to sụ, dày cộm. Nên mặc chiếc áo thun dài tay để giữ nhiệt, lớp thứ 2 là áo len rồi đến áo khoác. Áo khoác ngoài cùng nên là áo gió hoặc áo da, chống thấm nước.

Nếu thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng hay chùa chiền các bạn chú ý ăn mặc kín đáo, trang nghiêm.

Ngoài ra, tùy theo thời điểm du lịch, bạn nên mang theo nón, áo mưa, dù, vớ, khăn quàng cổ, giày dép gọn nhẹ, chống trượt.

du lịch Hà Nội
Nên chú ý mang theo trang phục gọn nhẹ. Ảnh: Internet

Những lưu ý khác

– Bạn nên mang theo các loại thuốc cảm, băng cá nhân, oxy già, thuốc trị côn trùng cắn, thuốc đau bụng, dầu, thuốc say tàu xe, máy bay,…

– Bạn nên mang theo tiền bạc và giấy tờ quan trọng bên mình khi ra khỏi khách sạn.

– Hãy có một tấm bản đồ để xác định quãng đường đi, tránh việc bị người khác (xe ôm, taxi) đưa đi lòng vòng rồi tính tiền. Hãy hỏi về giá cả trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào. Cách tốt nhất là bạn nên nhờ lễ tân tại khách sạn mình ở tư vấn, giúp đỡ khi cần thông tin.

– Khi đi mua sắm, bạn tránh xem hàng vào lúc sáng sớm, tránh hỏi giá nhiều mà không có ý định mua.

– Nên tham khảo giá cả ở nhiều nguồn khác nhau và nhất định phải trả giá để tránh việc “bị hớ” hoặc bị “chặt chém” khi mua hàng.

– Để thưởng thức hết vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc kỳ vĩ ở các chùa lớn thì không nên đi các chùa vào mùa lễ hội.

– Không nên ra ngoài sau 12 giờ đêm vì đường rất vắng vẻ, không đảm bảo an toàn nhất là đối với khách du lịch.

Cẩm nang du lịch Hà Nội – ChuduInfo