Những ai đã một lần lên Buôn Mê Thuột, chắc hẳn không thể nào quên được vùng cao nguyên với những rừng cao su bạt ngàn, những vườn cà phê xanh mướt, với đất đỏ bazan, với những bản trường ca hào hùng hay không gian văn hóa cồng chiêng đặc sắc. Buôn Mê Thuột còn đẹp hơn với những di tích lịch sử, những địa danh mang đậm nét văn hóa truyền thống của người bản địa như Buôn Cô Thôn.
Buôn Cô Thôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật, cách trung tâm Thành phố Buôn Mê Thuột hơn 2 km về hướng Bắc. Buôn Cô Thôn là tên người Kinh viết cho dễ gọi, thật ra tên gọi chính thức của buôn làng là Ako Dhong. Cái tên Ako Dhong có nghĩa là buôn đầu nguồn. Người ta gọi như vậy bởi nơi đây là điểm bắt nguồn của nhiều con suối như Như Ea giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và đặc biệt có cả con suối lớn nhất ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl.
Sau những quy hoạch của chính quyền địa phương, buôn Cô Thôn ngày càng phát triển, theo kịp nhịp sống hiện đại hóa của đô thị nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp tự nhiên nhất, hoang sơ nhất và thấm đẫm tinh thần dân tộc nhất. Sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống và tinh thần hiện đại tạo nên một địa điểm có sức cuốn hút đặc biệt với khách thập phương.
Tới đây, du khách được sống trong một không gian thanh bình, yên ả, được chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo, được hòa mình trong nhịp sinh hoạt truyền thống của đồng bào Ê Đê. Điểm đặc trưng của buôn Cô Thôn là hình ảnh những ngôi nhà dài cổ. Toàn buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài xếp dọc theo con đường chính. Nhà dài là một nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình theo chế độ mẫu hệ.
Điểm đặc trưng của nhà dài người Ê Đê ở buôn Cô Thôn thể hiện rõ nét nhất ở chiếc cầu thang, cầu thang dẫn lên nhà dài được trang trí bằng hai nấm tròn biểu tượng của đôi bầu sữa, với ý nghĩa ca ngợi sự trường tồn nòi giống, biểu hiện cho sự quyền lực của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ trong cộng đồng dân tộc Ê Đê.
Không dừng lại ở đó, không gian văn hóa cồng chiêng cũng được người dân ở buôn Cô Thôn bảo tồn một cách kỹ lưỡng, người Ê Đê quan niệm cồng chiêng là vật thiêng liêng, là tâm linh của mình. Đến thăm Ako Dhong, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào những đêm cồng chiêng bên bếp lửa rực hồng, được nghe kể những câu chuyện sử thi mang đậm chất huyền thoại của vùng cao nguyên, được tận hưởng những lời ca, điệu múa giao lưu trong ngôi nhà dài truyền thống hay tận mắt chứng kiến nghệ thuật dệt thủ công các mặt hàng thổ cẩm và mua những sản phẩm dệt tay thật sự. Dường như cái hồn của Tây Nguyên được thể hiện một cách rõ nét tại buôn làng này.