Du lịch Buôn Mê Thuột – Kinh nghiệm & thông tin hữu ích

Không quá đông đúc như ở Đà Lạt, Buôn Mê Thuột vẫn có một sức hút riêng, một nét đẹp riêng mà bạn không thể lẫn vào đâu được.

5969

Du lịch Buôn Mê Thuột – Tổng quan

Buôn Mê Thuột là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắc Lắk, đây cũng là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên. Có nhiều người thắc mắc về cái tên của thành phố Buôn Mê Thuột. Từ Buôn Mê Thuột xuất phát từ tiếng Êđê, có nghĩa là Bản làng của Cha Thuột. Thuột là tên của một vị tù trưởng có quyền lực và giàu có nhất vùng này, và từ đây hình thành nên các làng xã xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Mê Thuột như ngày hôm nay. Ngoài cái tên Buôn Mê Thuột thông dụng, người dân Việt Nam còn hay gọi thành phố này bằng nhiều cái tên khác như Ban Mê Thuột, tên này vốn có gốc từ tiếng Lào và được sử dụng dười thời Việt Nam Cộng Hòa. Hay Ban Mê, đây chỉ là một từ viết tắt, có phần lãng mạn, thường xuất hiện trong văn chương hay thi ca.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Cồng Chiên – Ảnh: Internet

Buôn Mê Thuột nằm ngay giữa trung tâm Tây Nguyên, nên vị trí này có chiến lược đặc biệt trong việc bảo vệ an ninh, quốc phòng quốc gia. Ngày xưa, đa phần diện tích của Buôn Mê Thuột vẫn còn hoang sơ, chưa được khai phá, sử dụng nhiều, nhưng những năm gần đây khoảng 1/3 diện tích của thành phố đã được đô thị hóa, tạo nên nhiều nét đổi mới cho Buôn Mê Thuột. Người dân ở đây chỉ có 15% là người dân tộc thiểu số, gần 80% sống trong vùng nội thành.

Du lịch Buôn Mê Thuột bạn sẽ tìm hiểu được nhiều hơn về cảnh đẹp nơi Tây Nguyên núi rừng Việt Nam.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Làng cà phê Trung Nguyên – Ảnh: Internet

Văn hóa cồng chiêng có lẽ là nổi bật nhất. Từ khi mới sinh ra, những người con Tây Nguyên đã bắt đầu một cuộc sống với rộn rang tiếng cồng chiêng bắt đầu trong những ngày lễ đặt tên, lễ thổi tai. Khi lớn lên, thì tiếng cồng chiêng lại trở thành món ăn tinh thần trong những ngày lễ hội của dân tộc, họ muốn gửi gắm những ước nguyện, tâm hồn mình vào trong tiếng cồng, tiếng chiêng hùng hồn. Đến khi một người lìa xa cõi đời, tiếng cồng chiêng cũng như một sự tiễn biệt trân trọng đối với người đó. Chính bởi những ý nghĩa sâu xa như thế, mà văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể.

Đi Buôn Mê Thuột khi nào

Cũng giống như các tỉnh miền Nam khác ở Việt Nam, Buôn Mê Thuột luôn thu hút khách du lịch vào tất cả các mùa, các tháng trong năm. Nếu như đi trong mùa khô, các bạn sẽ được trải mình qua những con đường với đầy cây cao su xanh lá, còn nếu du lịch vào mùa mưa, thì đây là thời điểm ngắm những con thác hùng vĩ nhất ở đây. Có lẽ Buôn Mê Thuột đẹp nhất là vào tháng 3, trong văn thơ người ta miêu tả tháng ba ở Buôn Mê Thuột khá đẹp đẽ “Mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông đi uống nước”.

Đi đâu, chơi gì ở Buôn Mê Thuột

• Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap
Hệ thống 3 thác: Gia Long – Dray Nur – Dray Sap thuộc sông Serepôk, xã Nam Hà, huyện Krông K’Nô, tỉnh Đắk Nông. Thác Dray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kôp gần 3 km, đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Lắk.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap – Ảnh: Internet

Dray Nur nghĩa là thác cái. Vì thế thác còn có tên thông tục là thác Vợ, thác này cũng được gọi Dray Nur thượng. Dray Nur nằm ngay cạnh thác Dray Sap (hay còn gọi là thác Chồng) và chỉ cách Dray Sap một đoạn cầu treo bắt qua dòng sông Serepôk. Cả hai đều là những thác nước đẹp và hùng vĩ.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap – Ảnh: Internet

Thác Dray Nur được ít người biết đến vì lầm tưởng nằm trong cụm thác Dray Sap nhưng thực ra dòng sông Serepôk chia ra làm 2 nhánh nhỏ đổ xuống hai dòng thác và nhập lại ở phía dưới, cách đó không xa.

• Buôn Đôn
Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Xưa kia nói tới Buôn Đôn là nói tới cả một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Serepôk quanh năm nước chảy hiền hòa, con gái, con trai, người già, trẻ nhỏ say sưa với những vũ điệu dân gian trong lễ hội cùng nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Buôn Đôn – Ảnh: Internet

Đến Buôn Đôn, bạn có thể tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc, thăm kiến trúc mộ Khunjunop, du lịch dã ngoại bằng voi trên sông Serepôk, thăm Vườn quốc gia Yok Dôn với khu bảo tồn động thực vật quý hiếm. Ngoài ra từ Buôn Đôn, du khách có thể dùng thuyền độc mộc xuôi dòng Serepôk, đến thăm và du ngoạn ở thác 7 nhánh. Nếu khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, phong tục, những chủ nhân ở Buôn Đôn có thể tổ chức một đêm lễ hội, uống rượu cần với sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống.

• Hồ Lắk
Nói đến Đắk Lắk, người ta thường nhắc đến huyền thoại về hồ Lắk – một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn, nối với sông Krông Ana, rộng khoảng 500 ha, nằm ở độ cao hơn 500 m so với mặt nước biển. Nơi đây đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước, với một vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của núi và rừng bao quanh.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Hồ Lắk – Ảnh: Internet

Hồ Lắk ngay cái tên đã nói lên vẻ đẹp huyền bí. Ngoài cảnh đẹp tự nhiên, không khí trong lành cùng những cuộc phiêu lưu hồ nước trên bành voi và thuyền gỗ với những chuyến dã ngoại khám phá nét văn hoá, đặc sắc của dân làng Mơ Nông, đã và đang và sẽ đưa hồ Lắk trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Hồ Lắk – Ảnh: Internet

• Nhà thờ Thánh Tâm
Nhà thờ Thánh Tâm nằm ở số 02 đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi là nhà thờ chính tòa của giáo phận Buôn Ma Thuột. Với thiết kế như nhà dài Ê-đê và hoàn toàn bằng gỗ, nhà thờ cũng là nơi đáng để đến và chụp hình lưu niệm bởi lối kiến trúc rất “dân tộc”. Nhà thờ có chiều dài 45 m, rộng 12 m. Tổng diện tích 828 m², trừ cung thánh, với sức chứa 1.200 chỗ ngồi.
Ban đầu khoảng 45 hộ trong khu vực gần nhà thờ và ở rải rác trong các đồn điền, từ nhiều địa phương đến. Sau phong trào di cư năm 1954, số giáo dân đã lên đến 4.000. Hiện nay số giáo dân trên 11.000 người. Đời sống kinh tế của bà con giáo dân đa dạng với nhiều ngành nghề: buôn bán, làm nông, công nhân viên, bác sĩ, kỹ sư,…

Du lịch Buôn Mê Thuột
Nhà thờ Thánh Tâm – Ảnh: Internet

• Hồ Ea Kao
Hồ nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 12 km về hướng Đông Nam, thuộc địa phận xã Ea Kao, được hình thành từ việc chặn các dòng suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim… để xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho lúa và cà phê.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Hồ Ea Kao – Ảnh: Internet

Điều thú vị, tuy là công trình thủy lợi vận hành từ năm 1983 nhưng đến nay, không gian hồ Ea Kao vẫn mang đậm nét hoang sơ. Dưới lòng hồ là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cá, tôm nước ngọt. Xung quanh hồ là những dãy núi đồi trập trùng cùng hệ thực vật phong phú với những cánh rừng còn nhiều cây cổ thụ.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Hồ Ea Kao – Ảnh: Internet

Vào những ngày đầu tháng 6, mực nước trên hồ Ea Kao đang ở mức thấp để lộ những doi đất đỏ mềm mại, cỏ mọc xanh rì biến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng để người dân và du khách tới ngoạn cảnh và thư giãn.

• Thác Thủy Tiên
Thác Thủy Tiên hay còn gọi là thác Ba Tầng là một thác nước ở Đắk Lắk, thác nằm ở xã Ea Puk, huyện Krông Năng. Đây là một thắng cảnh đẹp, hoang sơ giữa núi rừng với vô vàn những tảng đá nằm gối chồng lên nhau và những rễ cây rừng đan kín trông rất lạ mắt.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Thác Thủy Tiên – Ảnh: Internet

Do có 3 tầng nước đổ nên còn gọi là thác Ba Tầng. Tầng thứ nhất hẹp, có độ dốc nhỏ với những bậc lên xuống dễ dàng. Tầng thứ hai trải rộng với nhiều bậc đá, và có những mặt hồ nước cạn có thể tắm được. Tầng thứ ba nước từ trên cao đổ xuống một mặt hồ rộng và sâu, tung bọt trắng xóa rồi trở về lại với dòng chảy hiền hòa, uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Thác Thủy Tiên – Ảnh: Internet

So với các thác nước khác của Đắk Lắk như hệ thống thác Gia Long… thác Thủy Tiên ít được mọi người biết đến do không thuận tiện về đường đi lại. Tuy nhiên với vẻ đẹp của mình và sau khi quốc lộ đi Phú Yên ngang qua đây được nâng cấp, thác đã được nhiều người tìm đến hơn để chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của nó.

• Buôn Ako Dhon
Buôn Ako Dhong (thường gọi là Cô Thôn) nằm về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng trên dưới 2 km.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Buôn Ako Dhon – Ảnh: Internet

“Ako” tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là “Buôn nhà ngói” hay “Buôn Ama Rin”. Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài. Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, đã hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Buôn Ako Dhon – Ảnh: Internet

• Vườn quốc gia Chư Yang Sin
Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn thuộc khu vực Nam Tây Nguyên và là một phần của Vùng chim đặc hữu của Cao Nguyên Đà Lạt, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin có hệ sinh thái thực vật đa dạng, độc đáo và có tính đặc hữu cao. Là vùng chuyển đổi giữa hai vùng đồng bằng và cao nguyên Nam Trung Bộ nên địa hình Vườn quốc gia Chư Yang Sin được chia cắt mạnh và được rừng che phủ trên đai cao (từ khoảng 600 m đến 2.442 m).

Du lịch Buôn Mê Thuột
Vườn quốc gia Chư Yang Sin – Ảnh: Internet

Điều này đã tạo cho Vườn quốc gia Chư Yang Sin có một phong cảnh vô cùng ngoạn mục với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Trong đó, dãy Chư Yang Sin chạy theo hướng Đông – Tây, chia vườn thành hai khu Bắc – Nam là dãy núi cao nhất, với đỉnh cao 2.442 m. Đỉnh Chư Yang Sin đã được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên, sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Vườn quốc gia Chư Yang Sin – Ảnh: Internet

• Vườn quốc gia Yok Don
Yok Don là một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất của Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như bò rừng, bò tót, trâu rừng, voi, khỉ, vượn, hổ, báo, công, gà lôi, diều hâu…

Du lịch Buôn Mê Thuột
Vườn quốc gia Yok Don – Ảnh: Internet

Ngoài ra, vườn quốc gia Yok Don còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, M’Nông, Lào…
Du khách đến vườn quốc gia sẽ được tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cưỡi voi, đi bộ, đi xe đạp địa hình trong những cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt ban đêm có thể đi xem các loài thú hoang dã. Ban ngày có thể du thuyền độc mộc trên dòng sông Serepôk thơ mộng, tham quan các buôn làng của các dân tộc bản địa Tây nguyên, uống rượu cần, thưởng thức âm thanh của các dàn nhạc cồng chiêng huyền thoại.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Vườn quốc gia Yok Don – Ảnh: Internet

Đến và đi lại Buôn Mê Thuột bằng gì

Phương tiện, di chuyển khi du lịch Buôn Mê Thuột
+ Máy bay: Ở Buôn Mê Thuột có Cảng Hàng Không Buôn Mê Thuột nên bạn có thể di chuyển bằng phương tiện máy bay thuận tiện dễ dàng, nhanh chóng cho chuyến du lịch của mình.
Về vé máy bạy, từ Tp. HCM hoặc từ Hà Nội đi Buôn Mê Thuột sẽ có mức giá vé dao động từ 500.000 – 3.500.000 đồng tùy vào hạng ghế. Bạn có thể tham khảo các hãng:
JetStar – Hotline: 19001550 – đặt mua tại website: www.jetstar.com
Vietnam Airline đặt mua tại website: www.vietnamairlines.com
VietJetAir – Hotline: 1900 1886. Đặt mua tại website: www.vietjetair.com
+ Xe khách: Buôn Mê Thuộc là thành phố thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đăk Lắk cách Hà Nội 1.410 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Từ Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh vẫn có những tuyến xe khách đi thẳng đến Buôn Ma Thuột. Bạn có thể mua vé tại Bến xe miền Đông hoặc bến xe Giáp Bát, từ TP HCM bạn đi xe khách khoảng 8 tiếng, còn từ Hà Nội khoảng hơn 1 ngày.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Cảng Hàng Không Buôn Mê Thuột – Ảnh: Internet

Phương tiện di chuyển trong Buôn Mê Thuột
• Buôn Mê Thuột có đầy đủ các dịch vụ giao thông như xe buýt, taxi, xe ôm để bạn dễ dàng lựa chọn
• Taxi bạn có thể tham khảo các hãng như: Taxi Mai Linh, Taxi Tây Nguyên, Đắk Lắk taxi,…
• Nếu đi xe buýt bạn tham khảo các tuyến xe buýt như:
+ Buôn Mê Thuột – Krong Nô: khoảng 18.000 đồng/ lượt. ( trạm chờ ở đường Lê Hồng Phong).
+ Buôn Mê Thuột – Buôn Đôn: khoảng 18.000 đồng/ lượt. ( tuyến số 7,8).
+ Buôn Mê Thuột – Hồ Lắk: khoảng 22.000 đồng/ lượt. ( tuyến số 12).

Ăn gì và ăn ở đâu tại Buôn Mê Thuột

• Bún đỏ
Bún đỏ là một món ăn đặc trưng của người Buôn Mê Thuột, sở dĩ có cái tên mang màu sắc như thế cũng vì món bún này có màu đỏ đặc biệt. Món ăn có sự kết hợp của gạch cua (chính là nguyên liệu làm cho món bún có màu đặc trưng), trứng cút, tóp mỡ, mắm tôm, rau trụng…Nếu được thưởng thức món ăn này vào một ngày trời se lạnh mùa đông thì không còn gì tuyệt vời bằng. Con đường Lê Hồng Phong nối với Phan Đình Giót là nơi bán nhiều món ăn này nhất.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Bún đỏ – Ảnh: Internet

• Bánh ướt thịt nướng
Món ăn này tuy có mặt ở Sài Gòn, nhưng nhiên không nhiều. Món bánh ướt thịt nướng ở Buôn Mê Thuột có hương vị khác hơn ở thành phố, vì nó phải phù hợp với khẩu vị của người dân. Nên chắc chắn khi ăn món này ở Buôn Mê Thuột sẽ là một cảm giác khác.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Bánh ướt thịt nướng – Ảnh: Internet

• Bánh canh cá dằm
Lại thêm một món rất đậm phong cách Buôn Mê Thuột là món bánh canh cá dằm. Món ăn ngon ở chỗ những đốt cá thơm, ngon, lành được nấu làm nước dùng, chứ không dùng xương heo. Nghe đã thấy lạ rồi đúng không? Hơn nữa, với cách nêm nếm có đủ vị chua, cay, ngọt phù hợp với tiết trời se lạnh của một thành phố vùng núi cao, thì chắc chắn nếu chỉ thử qua món này một lần thôi thì quả là không đủ. Món ăn có thể được tìm thấy ở con phố Bà Triệu, Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Bánh canh cá dằm – Ảnh: Internet

• Gỏi sứa
Cư dân thành phố có lẽ ít khi được thưởng thức món sứa, nhưng nếu một lần đến với Buôn Mê Thuột thì đừng bỏ qua món ăn này. Sứa trắng ngần, giòn rụm, sau khi được ngâm qua nước ấm rồi rửa sạch, để ráo. Sứa được trộn với các nguyên liệu tươi ngon khác như chuối chát, khế, cóc xanh, rắc thêm ít hành khô, lạc rang, rau mùi. Gỏi sứa kể ra cũng chẳng khác mấy món gỏi khác, nhưng vì nguyên liệu chính của nó là sứa, nên có lẽ đây chưa phải là món ăn quen thuộc với nhiều người, nhưng đảm bảo với các bạn rằng hương vị của nó thì đậm đà.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Gỏi sứa – Ảnh: Internet

• Ấn tượng với đọt mây
Giống như những cây măng đắng đặc sản ở vùng Tây Bắc, đọt mây chỉ có ở Tây Nguyên và tìm thấy rất nhiều trong những cánh rừng. Đọt mây non thường được chọn vì nó là phần ngon nhất, với vị đặc biệt. Người ta thường nấu đọt mây với cá khô, thịt khô, là những thực phẩm luôn luôn có sẵn trong mỗi gia đình ở đây. Ăn đọt măng người ta cảm thấy đăng đắng, nhưng ăn một lần xong thì lại thèm ăn thêm lần nữa, và thêm nhiều lần nữa.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Đọt mây – Ảnh: Internet

Ngoài những món ăn đặc trưng nhưng vẫn dễ dàng tìm thấy ở Buôn Mê thuột, thì còn vô vàn món ăn khác cũng hấp dẫn không kém từ những món lạ miệng như cá lăng sông Serepork, gà nướng, cơm lam cho đến những món ăn quen thuộc cho những được biết đến như các loại ẩm thực đường phố cũng rất phong phú, giá cả phải chăng: bánh khọt, hủ tiếu, cơm tấm, bún bò… Rượu cần và café Ban Mê là một nét văn hóa riêng biệt mà không vùng đất nào có được.

Mua sắm và giá cả tại Buôn Mê Thuột

• Rượu cần
Khi đến Buôn Mê Thuột, du khách đừng quên mua cho mình vài hũ rượu cần về làm quà. Rượu Cần Tây Nguyên được làm từ bột men trộn các loại rễ cây trong rừng, trấu và cơm nếp nương nấu chín. Đầu tiên, rải đều trấu ra một cái sàng, rồi múc cơm nếp nương nấu chín trải đều lên phía trên, sau đó rắc men lên trộn đều tay, rồi cho vào trong gié (giống cái chum sành) ủ kỹ. Khi uống lấy nước suối nguồn về đổ vào trong bình. Rượu cần có vị ngọt nhẹ, uống vào không đau đầu. Du khách có thể mua rượu Cần ở các cửa hàng trong thành phố hoặc đến các buôn làng mua.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Rượu cần – Ảnh: Internet

• Măng khô Tây Nguyên
Măng ở rừng Tây Nguyên phát triển mạnh vào mùa mưa. Khi những mầm măng non nhú lên, những người đi rừng ở Tây Nguyên cắt về, gùi trên lưng rồi mang ra chợ bán. Trong các loại măng thì măng le là ngon nhất vì ruột đặc, ăn ngọt không đắng như măng ở Hòa Bình. Măng tươi có thể dùng nấu với cá suối, xào, làm gỏi măng trộn. Còn măng khô, được bọc thành những túi nhỏ để cất trữ hoặc bán cho khách du lịch. Giá măng le khô ở Tây Nguyên dao động khoảng 250.000đ/ kg và được bán ở các chợ trong thành phố.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Măng khô Tây Nguyên – Ảnh: Internet

• Mật ong hoa cà phê
Một đặc sản mà những vườn cà phê mang đến cho du khách là mật ong hoa cà phê. Khi hoa cá phê bung nở khắp núi rừng Buôn Mê Thuột, cũng là lúc mùa lấy mật ong vào vụ. Mới hôm qua, vườn cà phê còn xanh ngắt, qua một đêm hoa đã nở trắng, mời gọi ong đến hút mật. Mật ong hoa cà phê cò mùi thơm dễ chịu, mật ngọt mà không gắt và có màu cánh gián. Mật ong hoa cà phê lấy tại vườn có giá 160.000đ – 250.000đ/ lít.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Mật ong hoa cà phên – Ảnh: Internet

• Thịt bò, thịt nai khô
Thịt bò, thịt nai khô Buôn Mê Thuột mềm, ngọt, có vị cay cay của ớt, mùi thơm của rừng được lấy từ trong rừng, miếng thịt săn, chắc, không bị ướt. Đặc biệt, bò và nai khô được gạc bếp, nai còn được tẩm thêm chút mật ong, khi nấu ăn, sức nóng của bếp, cùng khói bay lên làm thịt chín.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Khô nai – Ảnh: Internet

Bò và nai khô có màu nâu sậm, ngọt đậm đà, khi nhai thì hơi dai dai, dùng để nhắm rượu thì không gì tuyệt hơn. Giá cho 1 kg bò khô là 550.000đ/ kg, giá nai khô tẩm mật ong sẽ đắt hơn vì rất hiếm.

• Cà phê Buôn Mê Thuột

Du lịch Buôn Mê Thuột
Cà phê Buôn Mê Thuột – Ảnh: Internet

Nhắc đến Buôn Mê Thuột là người ta nhớ ngay đến những vườn cà phê xanh ngút ngàn, trải dài đến tận chân trời. Do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng, cà phê trồng ở Buôn Mê Thuột được đánh giá là một trong những loại cà phê ngon nhất trên thế giới. Vào mùa thu hoạch những quả cà phê chín đỏ, nặng trĩu đầu cành. Còn gì thú vị hơn, trong cái se se lạnh của Tây Nguyên được thưởng thức hương vị của ly cà phê đậm đà. Cà phê được bán ở rất nhiều các cửa hàng trong thành phố, nhưng để đảm bảo du khách có thể đến làng cà phê Trung Nguyên để mua cà phê xay hoặc cà phê hạt.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Cà phê Buôn Mê Thuột – Ảnh: Internet

• Thổ cẩm
Thổ cẩm do người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có hoa văn đa dạng và rực rỡ về màu sắc. Thổ cẩm ở đây chủ yếu được dệt trên nền vải đen và được đính thêm các món trang sức được làm từ gỗ, sừng… Muốn mua thổ cẩm, du khách hãy đến buôn Cư Dluê hoặc HTX Dệt thổ cẩm Tơng – Bông.

Du lịch Buôn Mê Thuột
Thổ cẩm – Ảnh: Internet

• Đồ trang sức được làm sừng, gỗ, ngà
Để mua các món đồ trang trí hoặc đồ trang sức được làm từ gỗ, sừng, gỗ, ngà hay đuôi long voi, du khách hãy đến các shop bán đồ lưu niệm trong thành phố như: Shop Tân Bảo ở 72 Phan Chu Trinh, TP Buôn Mê Thuột, Cửa hàng đồ lưu niệm Thủy Mộc nằm trên đường Lê Thánh Tôn, Tây Nguyên Shop ở Buôn Đôn…

Du lịch Buôn Mê Thuột
Đồ trang sức được làm sừng, gỗ, ngà – Ảnh: Internet

Lưu ý khác khi đi du lịch Buôn Mê Thuột

Đi bộ vào buổi tối và sáng sớm là cách bạn tận hưởng khí hậu mát mẻ của cao nguyên.
– Chú ý tìm hiểu kĩ phong tục của các dân tộc khi vào các buôn làng. Không đi sâu vào nương rẫy, rừng của dân địa phương.
– Mang theo các vật dụng bảo hộ khi khám phá rừng quốc gia hay các con thác.

Về lưu trú

Buôn Mê Thuột có khá nhiều khách sạn 2 – 3 sao hay cao cấp 4 – 5 sao để bạn dễ dàng lựa chọn cho mình. Tham khảo một số khách sạn Buôn Mê Thuột tại Chudu24 và đặt ngày cho mình 1 khách sạn phù hợp để nghỉ dưỡng khi khám phá Buôn Mê nhé.

Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột

Du lịch Buôn Mê Thuột
Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột – Ảnh: Chudu24

Khách sạn Dakruco – Daklak

Du lịch Buôn Mê Thuột
Khách sạn Dakruco – Daklak – Ảnh: Chudu24

Khách sạn Sài Gòn Ban Mê

Du lịch Buôn Mê Thuột
Khách sạn Sài Gòn Ban Mê – Ảnh: Chudu24