Nằm trên độ cao 1.100 m so với mực nước biển, khí hậu ở Ba Vì (Hà Nội) trong lành, mát mẻ quanh năm. Thêm vào đó, chỉ cách Hà Nội gần 70 km nên ngay từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Ba Vì đã được người Pháp chọn làm nơi xây dựng khu nghỉ dưỡng và quân sự cấp cao dành cho binh sĩ.
Ngày nay, chỉ với hơn một giờ di chuyển bằng các loại phương tiện như xe máy, xe buýt, Ba Vì trở thành điểm hẹn hấp dẫn mỗi dịp cuối tuần cho những du khách tìm chốn thanh bình, mát dịu.
Với những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, những kiến trúc Pháp mang đậm dấu ấn thời gian còn sót lại ở Ba Vì trở thành nguồn cảm hứng đầy sáng tạo.
Có nhiều đường dẫn đến Ba Vì nhưng nếu xuất phát từ Hà Nội, quốc lộ 32 qua thị xã Sơn Tây là con đường nhanh nhất. Qua cột số 0 thuộc trạm soát vé của Vườn quốc gia Ba Vì, bạn sẽ bắt đầu hành trình qua những cung đường uốn lượn rợp bóng cây, những đoạn dốc cao và khúc cua tay áo lảnh lót tiếng chim mời gọi.
Cũng như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, người Pháp xây dựng ở Ba Vì nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ở cốt 400, 600 và 1.000. Chỉ khác là chúng đã bị tàn phá theo thăng trầm thời gian cùng thời cuộc. Bởi thế, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những nền móng kiến trúc từ hàng trăm năm trước khi đi sâu vào trong rừng. Những khu nghỉ dưỡng, những bếp lò, những bức tường, tất cả đều được bao phủ bởi cây rừng và sương núi.
Ở cốt 600, khu dinh đại tá là một công trình tiêu biểu của Pháp tại Ba Vì, hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Nơi đây có hàng rào dây thép gai, tường đá bao quanh, cao hơn 2 m, dày 0,5 m và một số ụ súng trung đại liên.
Đi lên chút nữa là khu trại hè dành cho con em người Pháp và các quan lại chính quyền thuộc địa, gồm 4 khu nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố bằng đá. Nằm giữa khu rừng tự nhiên với nhiều loài cây gỗ lớn như sồi, dẻ, cà lồ, kháo…, trên có phong lan treo bám tạo nên khung cảnh nên thơ, kỳ ảo, thu hút khách du lịch tới tham quan và chụp ảnh.
Nhà thờ đổ nằm ở độ cao 800 m, giữa tán rừng già cổ thụ. Bị bỏ hoang đã nhiều năm, phần mái của nhà thờ không còn nữa, trơ trọi giáo đường âm u giữa cây lá um tùm. Trên bức vách, dấu thập tự phủ một màu hoài cổ, hắt tia nắng chiều bàng bạc qua ô cửa sổ. Ở đây, sương lúc nào cũng lẩn khuất, thỉnh thoảng sà xuống bao trùm lấy ngôi thánh đường. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian huyền ảo.
Tuy chỉ còn lại bộ khung là những bức tường rêu phong, cây cỏ bám đầy, nhưng với những gì còn lại, người ta vẫn có thể hình dung được vẻ đẹp hoang sơ giữa rừng thông xanh mướt của ngôi nhà thờ thuở hoàng kim. Ngày nay, nhờ vẻ đẹp đổ nát mà nhà thờ đổ Ba Vì trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Ở cốt 800, người Pháp còn xây dựng khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm với kiến trúc rất đặc trưng. Chính vẻ phế tích hoang tàn để lại cùng với lớp địa y bao trùm trên từng vách đá, kẽ tường càng làm tăng thêm sự rêu phong cổ kính cho những công trình nơi đây.
Đặc biệt, ở độ cao 1.000-1.100 m tại sườn Tây đỉnh Tản Viên là hệ thống nhà tù chính trị bí mật được xây dựng kiên cố nhằm giam cầm các chiến sĩ cách mạng. Nhà tù được bố trí thành 3 khu: khu 1 là nơi ở cho cai tù; khu 2, khu 3 là nơi giam giữ phạm nhân. Với tổng thể gần 1.000 m2, hệ thống nhà tù ở Ba Vì có thể giam giữ 100-200 phạm nhân.
Dù vẻ ngoài phủ đầy lá bụi nhưng những công trình Pháp ở Ba Vì luôn có sức quyến rũ riêng, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.