Họ là những chàng trai mê đi, đi rất nhiều nơi cùng bạn bè, từ Tây Bắc, Đông Bắc, Nam Du, Cà Mau… cho đến Thái Lan, Myanmar, Nepal… Ấp ủ về những chuyến đi cùng với mẹ của các bạn cũng thành hình từ đó.
Chuyến đi đầu tiên
“Nghĩa bắt đầu vào Sài Gòn xa nhà từ hồi đại học. Mẹ thì vẫn sống ngoài quê ở Tiền Hải, Thái Bình, quanh năm suốt tháng chỉ biết có ruộng đồng. Mẹ lớn tuổi rồi, giờ Nghĩa đi làm cũng có tiền nên muốn mẹ có niềm vui” – Phạm Hữu Nghĩa (29 tuổi) kể về chuyến du lịch bụi tới Thái Lan năm ngày cùng mẹ, bố và hai người bạn thân hồi cuối năm 2016.
Đây là chuyến đi đầu tiên của Nghĩa và mẹ và là chuyến xuất ngoại đầu tiên của mẹ. “Mẹ năm nay gần 60 tuổi rồi, đến nhắn tin điện thoại còn thấy phức tạp, điện thoại thì chỉ có con cái gọi về hỏi thăm chứ không tra được số để gọi lại nên nếu không có mình đi kèm thì chẳng bao giờ dám đi máy bay”, Nghĩa bảo.
Đi Thái Lan nhiều lần nên anh chàng biết nhiều nơi “hợp với người lớn”: chùa Thái, đi xem các show diễn truyền thống, đi bảo tàng…
“Hồi trước đi Thái chỉ với bạn bè thì đi phố Tây, đi đảo, thuê xe máy chạy khắp nơi. Nhưng đi với mẹ phải chọn những chỗ đỡ mất sức hơn”- Nghĩa bảo.
Những ngày ở Thái, mẹ cũng lần đầu đi tàu điện ngầm, ở “ký túc xá” giường tầng cùng Nghĩa và bạn bè. Phòng bốn giường, Nghĩa và các bạn nằm tầng trên, mẹ nằm tầng dưới. “May mà mẹ thấy thoải mái và thấy lạ, thấy thích. Chưa bao giờ đi một chuyến dài với mẹ như vậy” – Nghĩa nói.
Phượt cùng mẹ từ năm lớp 6
Không giống như mẹ con Nghĩa, mẹ con Quang Định (26 tuổi, quê Trà Vinh) đã có những chuyến du lịch cùng nhau từ khi cậu học lớp 6. Nhưng phượt bằng xe máy thì là lần đầu tiên nên anh cũng lo lắng khi nghĩ về chặng phượt vất vả trên những cung đường Đông Bắc hiểm trở cùng mẹ đã 59 tuổi. Anh kể mẹ là người thích đi đây đi đó, mê phong cảnh Việt Nam. Hai mẹ con đã đi khắp nơi từ Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Côn Đảo…
“Đông Bắc, Tây Bắc là ước mơ của má. Trước khi đưa má đi Đông Bắc, tôi đã đi phượt cung đường này nên quen đường và tự tin đưa má đi. Má biết đường đi vất vả nhưng má bảo “chỉ cần có con đi là mẹ đi được”. Thế là đi” – Định kể.
Bạn chia sẻ thêm đường đi với những khúc cua móng ngựa, đèo Mã Pí Lèng hun hút “nhìn xuống chóng mặt” nhưng mẹ vui lắm. Hai mẹ con “thích chỗ nào dừng chỗ ấy”, chụp ảnh cũng tạo dáng rất teen. Họ đặt chân đến vô số nơi, những chỗ mà trước đó mẹ chỉ xem trên tivi: suối Lênin, hang Pác Bó, đi thuyền trên hồ Ba Bể…
Lên đến cột cờ Lũng Cú, mẹ và cả nhóm mặc áo cờ Tổ quốc chụp ảnh. Mẹ của Định còn đem theo cả bánh, kẹo, thỉnh thoảng gặp những em bé dân tộc lem luốc lại dừng xe hỏi thăm, cho kẹo.
Sau những chuyến đi, mẹ của Quang Định tự tay làm một album ảnh những tấm hình từ lúc anh “mặc tã” đến khi tốt nghiệp đại học treo lên tường nhà với vô số dòng viết tay. “Nếu có kiếp sau, mẹ vẫn muốn làm mẹ của con” – mẹ Định viết như thế dưới một bức ảnh.
Định ra trường, đi làm, mẹ vẫn lưu giữ từ những tấm ảnh đầu tiên. Định bảo nhớ mãi câu mẹ hay nói: “Tất cả những gì của con trai mẹ đều giữ hết”.
Quà tặng mẹ ngày 8-3
Để đưa mẹ đi Thái Lan, Hữu Nghĩa dành kha khá thời gian để thuyết phục vì “mẹ cứ sợ tốn tiền của con, bảo để dành tiền lo lấy vợ, dành dụm còn lo nhà cửa”. “Thôi thì đủ thứ. Bà mẹ nào cũng vĩ đại hết mà. Lo cho con chưa đủ, còn nghĩ đến chuyện lo cho cả đời mấy đứa cháu nữa cơ” – Nghĩa kể về mẹ.
Nhưng anh cũng tìm cách “nói lý lẽ” với mẹ rằng cha mẹ lớn tuổi rồi, con cái lớn hết cả rồi thì chuyện nhà cửa, gia đình để mỗi đứa tự lo. Mẹ bảo lo dành dụm mua nhà thì anh cũng nửa đùa nửa thật “mai mốt con về quê ở, đâu cần mua nhà”.
Mãi rồi cũng xuôi. Đi với bố mẹ, Nghĩa lo đặt vé, lên lịch trình thật cụ thể để bố mẹ đỡ mất sức. “Còn phải chọn thời gian để ông bà cấy gặt ruộng đồng cho xong hết, bán hết gà, vịt để không phải lo”, Nghĩa bảo.
Nghĩa cho biết bạn vẫn giữ thói quen đi chợ mua vải về tặng mẹ may đồ. “Tôi biết nhiều chỗ mua vải rẻ, đẹp. Trước ngày 8-3 chừng tuần là dành thời gian đi mua, gửi cho mẹ và chị dâu. Năm nào công việc bận rộn không mua được gửi tiền để mẹ góp vào làm liên hoan chung với các bác, các chị ở quê” – Nghĩa nói.