Thác Giang Điền (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nằm sát thị trấn Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), cách Tp. Biên Hòa 22 km, Tp. Hồ Chí Minh 48 km, Tp. Vũng Tàu 82 km và có thể dễ dàng đến tham quan trong vòng ngày. Nơi đây không có nhiều dịch vụ, cảnh quan cũng không nhiều và quá đặc biệt nên chỉ cần 1 ngày là đủ.
1. Đi đến thác Giang Điền thế nào?
Từ trung tâm Sài Gòn đến Giang Điền chỉ khoảng 50 km. Vì vậy, bạn có thể tới đó bằng xe máy và nhiều phương tiện khác.
– Cách 1 – Đi bằng xe máy: Từ Sài Gòn theo hướng xa lộ Hà Nội về Đồng Nai, qua cầu Sài Gòn, đến Suối Tiên, Tân Vạn, chạy thẳng qua cầu Đồng Nai, đến ngã 3 Vũng Tàu, chạy thẳng qua Biên Hòa, đi ra quốc lộ 1A, đến Trị An, chạy thẳng sẽ tới thác Giang Điền cách đó khoảng 1,3 km.
– Cách 2 – Đi bằng xe buýt: Hiện tại có 2 tuyến xe bus đi từ Sài Gòn tới thác Giang Điền.
Tuyến xe buýt số 12: Chợ Bến Thành – Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền
+ Thời gian hoạt động: 5h00 – 16h45
+ Tuyến đường đi và về như nhau: Chợ Bến Thành – Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Thị Minh Khai – Ngã tư Hàng Xanh – Xa lộ Hà Nội – KDL Suối Tiên – Quốc lộ 52 – Siêu thị Big C (ngã ba Vũng Tàu) – Quốc lộ 1A – Ngã tư Tam Hiệp – Ngã ba Hố Nai – Ngã ba Trị An – Nhà thờ Trà Cổ – KDL Thác Giang Điền.
Tuyến xe buýt số 602: Ngã 3 Dầu Giây – trường Đại học Nông Lâm.
+ Thời gian hoạt động: 5h00 – 18h30
+ Lượt đi: Ngã 3 Dầu Giây – Quốc lộ 1A – Cổng khu du lịch thác Giang Điền – Ngã 3 Trị An – Quốc lộ 1A – Ngã 3 Tam Hiệp – Quốc lộ 1A – Ngã 3 Vũng Tàu – Quốc lộ 1A – Cầu Đồng Nai – Quốc lộ 1A – Trạm 2 – Quốc lộ 1A – Bến trường Đại học Nông Lâm.
+ Lượt về: Bến trường Đại học Nông Lâm – Quốc lộ 1A Trạm 2 – Quốc lộ 1A – Cầu Đồng Nai – Quốc lộ 1A – Ngã 3 Vũng Tàu – Quốc lộ 1A – Ngã 3 Tam Hiệp – Quốc lộ 1A – Cổng khu du lịch thác Giang Điền – Trị An – Quốc lộ 1A – Ngã 3 Dầu Giây.
– Cách 3 – thuê xe du lịch: Với khoảng cách cũng khá gần nên giá cả thuê xe cũng chỉ tầm 1 triệu đồng trở lại, đồng thời đảm bảo an toàn.
2. Đi thác Giang Điền ăn uống ở đâu?
– Trong khu thác có nhà hàng phục vụ đầy đủ món ăn, giá không mềm và đôi khi phải chen lấn chờ chực trong ngày lễ hay mùa du lịch. Tốt nhất là bạn nên chuẩn bị thức ăn nhẹ cho mình. Nếu siêng, có thể chuẩn bị đầy đủ món ăn, đồ nhậu, bia, rượu, rồi thuê chỗ ngồi nhăm nhi ngắm thác, tán dóc.
– Nếu không tự chuẩn bị được đồ ăn, bạn cũng có thể ghé vào 3 nhà hàng ở khu du lịch thác Giang Điền: Nhà hàng Hoa Sứ, Phượng Son và nhà hàng Hoàng Yến.
– Trong khu du lịch cũng có nơi cho thuê đồ để nấu nướng và có khu vực nhà hàng ăn uống nhưng ít và giá khá đắt.
3. Đến thác Giang Điền có gì chơi?
Đến khu du lịch Giang Điền, bạn phải mua vé vào cổng. Vào bên trong, mọi dịch vụ đều có phí. Riêng tắm thác không cần mua vé nhưng phải thuê áo phao.
Đến đây, bạn có thể tắm thác, nhưng phần lớn là tham gia các trò như cắm trại, liên hoan, teambuiding…
Ngoài ra, mọi người còn có thể thuê xe đạp hoặc đi xe điện dạo lòng vòng trong khu du lịch, ngắm cảnh, chụp hình cũng được.
Vì vậy, đi theo gia đình hoặc theo nhóm sẽ vui hơn. Như trên đã nói, nơi đây có lẽ chỉ phù hợp cho các nhóm bạn trẻ hoặc đôi tình nhân.
Nếu muốn tắm thác Giang Điền thì các bạn lưu ý: Chỉ mùa khô mới sạch còn mùa mưa thì nước đục đỏ ngầu. Tránh mặc đồ màu trắng hay đen quá vì sau khi về thì màu chủ lực trên người bạn sẽ là vàng đất đỏ. Muốn xuống tắm thì phải có áo phao, không có thì phải thuê. Tùy mùa có thể tắm được hay không. Nếu tắm thì cẩn thận vì nhiều đá bén nên dễ đứt chân.
Lưu ý: Nếu đi vào mùa nắng thì bạn nên khoác thêm áo bên ngoài. Từ chỗ mua vé để vào đến bên trong thác phải đi quãng đường khá xa, nếu có thể, hãy mua vé xe của khu du lịch thác Giang Điền để di chuyển vào trong đó. Khi bơi, nên bơi ở hồ giữa, nghĩa là không sang bên trái (quá sâu, phải thuê áo phao), cũng không bơi/ tắm ở mạn phải (rìa mạn phải đá trơn trượt, nước đục và chảy xiết). Bạn có thể mang theo bọc hoặc chai nước suối cùng với mấy cái vợt con để bắt cá, nơi này nói chung mặc dù đã tôn tạo nhưng vẫn còn hoang sơ nên còn cá và một số côn trùng dưới nước, coi chừng bị dị ứng.