Chúng tôi đến Mèo Vạc vào tối thứ 7, đường xa và mệt nhưng chúng tôi vẫn thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng kịp hoàn thành mục tiêu một lần đi chợ phiên Mèo Vạc. Thật vậy, bởi chúng tôi từ Sài Gòn tới, rõ ràng sẽ không thể muốn đến Mèo Vạc lúc nào cũng được. Cảm giác lần đầu tiên đi chợ phiên khiến tôi không khỏi hồi hộp và thật may tôi không phải thất vọng chút nào!
Nếu có nơi nào trong suốt chặng đường từ Hà Giang đến Đồng Văn, bạn có thể lựa được thật nhiều món xinh, mang về làm quà thì nơi đó là chợ phiên Mèo Vạc. Người dân địa phương bán hàng đơn giản, có người chỉ mang ra một chiếc mâm nhỏ, trên mâm có 2 chiếc vòng, 2 chiếc gương, và 2 cục xà phòng, có người chỉ mang ra rổ rau vậy là thành một gian hàng.
Các bà, các chị ở đây không nói thách nhưng trả giá một chút cho vui họ vẫn bán. Chỉ chưa đến một trăm ngàn bạn đã có thể có được một chiếc khăn, đôi ba cái vòng, hay chiếc áo gấm mang về cho người thân.
Khu gian hàng ăn uống là nơi được xem như ấm cúng và tấp nập nhất ở chợ. Khu ăn uống nằm trong lòng chợ, dẫu có mái che đó nắng cứ tự tiện theo những khe nứt chỗ hổng để tự tiện tràn vào bên trong. Thế nên trong chợ ngập tràn ánh sáng, ai mê chụp ray sáng, vào đây chẳng cần canh me gì nhiều cũng dễ chụp được ảnh đẹp.
Trong ngày chợ phiên, dân bản xứ mặc đồ thật đẹp, tụm năm, tụm bảy xúng xính bước vào quán. Họ ngồi ăn bằng vẻ mặt rất hài lòng, ra chiều rất ưng cái bụng. Vẻ mặt như thể: Quái lạ, đã ăn đến lần thứ mấy mươi mà sao vẫn ngon như lần đầu”. Có lẽ vì chợ phiên 1 tuần mới họp một lần và cảm giác lâu lâu mới được nếm khiến hương vị thêm ngon?
Những quầy hàng ăn ở chợ không nấu bằng bếp ga, họ xây những bếp lò rồi đẩy hẳn 1 xe củi vào đặt cạnh bên, củi hết đến đâu châm đến đó. Những chảo đồ ăn và nồi nước lèo trên bếp lò sôi sục sục, khói bảng lảng bay lên hòa vào với nắng.
Những món ăn trong chợ không quá nhiều, ngoài thắng cố – món ăn đặc trưng, không thể thiếu ở bất kì phiên chợ vùng cao nào, còn có vài món ăn phổ biến từ miền xuôi như phở, mì, miến với bò gà… Tất nhiên chúng cũng được biến tấu lại theo khẩu vị vùng cao và dĩ nhiên ăn cũng có cái ngon và khó quên riêng.
Phiên chợ Mèo Vạc cũng là nơi mà bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn nhịp sống giản đơn nhưng đầy nhộn nhịp. Từ sáng sớm, nam thanh nữ tú sửa soạn đồ thật chỉn chu, tay trong tay nói cười vui vẻ dự phiên chợ.
Cả một chặng đường đi qua các miền núi, Mèo Vạc ghi lại dấu ân trong tôi như một kinh đô thời trang thu nhỏ, mỗi bộ trang phục của người già hay trẻ nhỏ, của nam hay nữ đều là sự phối hợp rất tinh tế, khéo léo.
Một bộ đồ của người Mông ngoài áo và váy còn có rất nhiều phụ kiện và trang sức đi kèm. Thoạt nhìn cứ tưởng đó là một bộ đóng sẵn, nhưng ra đến chợ mới biết mỗi thành phần đều bán riêng, các mẹ, các chị mua về rồi tự kết hợp theo óc sáng tạo của mình, sao cho phù hợp với vóc dáng, với lứa tuổi của mình.
Những chiếc quần áo của dân địa phương dễ khiến người ta mê mẩn. Họ tự nhuộm vải, rồi thêu tay tại nhà, để làm được tốn rất nhiều thời gian và công sức. Hàng không bày bán, thích quá đến hỏi cô mới bật mí giá. Đi dọc khắp gian hàng, người bán cứ ngồi bình thản chờ đợi người mua đến xem, rồi thì ai bán hết hàng sớm lại hân hoan vào gọi cho mình một tô phở to thật ngon lành.
Người ta bảo muốn hiểu rõ nhất nếp sống ở một địa phương nào, chỉ cần đến chợ. Thanh bình, nhộn nhịp, rực rỡ là những gì tôi tìm thấy ở phiên chợ tại Mèo Vạc. Đi một vòng, dù chỉ mua vài chiếc vòng kỉ niệm, nhưng tôi đã cảm thấy thật hạnh phúc, thật tròn đầy. Vì niềm vui đơn giản cũng đến bằng những cách rất đơn giản.