Một chương trình đáng chú ý có thể kể đến như triển lãm “TP.HCM – thành phố áo dài” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (diễn ra từ ngày 3 đến 5-3).
Tại đây, khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng các sắp đặt về áo dài, tìm hiểu, ngắm nhìn sự phát triển của áo dài qua các thời kỳ lịch sử, mà còn có thể đặt may áo dài tại chỗ, thưởng thức không gian biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa áo dài truyền thống vào các khung giờ nhất định trong ngày.
Các bạn trẻ có thể tham dự cuộc thi Ảnh đẹp áo dài với việc chụp ảnh nhanh cùng chiếc áo dài Việt (photo marathon) tại phố đi bộ, hoặc du khách khắp nơi có thể tham gia cuộc thi Ảnh đẹp áo dài online bằng việc chụp ảnh tà áo dài Việt Nam tại các địa điểm nổi tiếng trên thế giới.
Các đại sứ, phu nhân đại sứ cấp cao sẽ có chương trình “Áo dài Việt Nam – hội tụ và thăng hoa” với cuộc hội ngộ giữa lãnh sự quán các nước trong trang phục áo dài Việt Nam…
Với hàng chục chương trình, hạng mục văn hóa kéo dài trong gần hai tuần lễ, Lễ hội áo dài năm nay có quy mô và thời gian tổ chức lâu nhất trong ba mùa từng diễn ra của Lễ hội áo dài.
Địa điểm tổ chức chính của các hoạt động hưởng ứng Lễ hội áo dài năm nay sẽ là phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà văn hóa Thanh niên, Trung tâm hội nghị Gem Center, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… với ước tính thu hút hàng chục ngàn người tham dự.
Tại buổi họp bàn sáng 19-1, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết Thành phố hoàn toàn ủng hộ hoạt động của Lễ hội áo dài và mong muốn các nhà tài trợ sẽ cùng tham gia lễ hội năm nay, để có những phần quà xứng đáng dành cho các thí sinh tham dự cuộc thi Duyên dáng áo dài cũng như các cuộc thi khác.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan xem xét việc đổi tên chủ đề “TP.HCM – thành phố áo dài” thành một câu khác sao cho hay hơn, trọng tâm hơn.