Du lịch Hòa Bình – Tổng quan
Là một tỉnh thuộc miền núi phía Tây Bắc Việt Nam, Hòa Bình rất giàu tiềm năng du lịch bởi sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên, sự phong phú của một vùng đất đa dân tộc mang đậm giá trị nhân văn. Nơi đây được coi là cái nôi của nền văn hóa Mường với vô vàn điều kỳ lạ chưa được khám phá.
Hòa Bình cách Hà Nội trên 70 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 6. Phía Bắc Hoà Bình giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp với các tỉnh Hà Nam và Ninh Bình, phía Đông và Đông Bắc giáp với thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp với các tỉnh Sơn La và Thanh Hóa.
Du lịch Hòa Bình là một trong những lựa chọn hấp dẫn ở khu vực miền Bắc bởi địa hình đồi núi trùng điệp đã tạo nên những điểm tham quan hấp dẫn như các động thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước khoáng Kim Bôi, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm như leo núi, đi bộ, săn bắn, tắm suối. Sức người và thiên nhiên đã tạo cho Hòa Bình một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ, ven hồ có các vịnh, đảo và bán đảo mà ở đó động thực vật quý hiếm được bảo tồn. Thấp thoáng các bản Mường, bản Dao, bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.
Những di tích lịch sử, công trình kiến trúc, ngành nghề truyền thống, phong tục tập quán cùng những món ăn ngon Hòa Bình đặc sắc đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu níu chân du khách phương xa đến trải nghiệm và khám phá.
Đi Hòa Bình khi nào
Hòa Bình có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa đông khô lạnh, ít mưa; mùa hè nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 23 °C. Tháng 7 có nhiệt độ cao nhất trong năm, trung bình 27 – 29 °C, ngược lại tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5 – 16,5 °C.
Với nhiều điểm tham quan đa dạng, bạn có thể du lịch Hòa Bình vào bất cứ thời gian nào trong năm, thích hợp nhất là từ tháng 2 đến tháng 10. Những ngày hè nắng nóng, bạn có thể đến Mai Châu hoặc Thung Nai để tận hưởng bầu không khí trong lành và mát mẻ. Nếu muốn chiêm ngưỡng cảnh tượng thủy điện Hòa Bình xả nước trắng xóa bạn nên theo dõi thông tin thời tiết để đến vào những tháng có mưa.
Để có thể khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Hòa Bình, bạn nên lên kế hoạch du lịch cụ thể và tham khảo đặt phòng khách sạn Hòa Bình giá tốt tại Chudu24.
Đi đâu, chơi gì ở Hòa Bình
Khu du lịch thác Thăng Thiên
Nằm trên dãy núi Viên Nam, cách Hà Nội hơn 50 km về hướng Tây (thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), khu du lịch Thác Thăng Thiên được bao phủ bởi một cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn màu xanh với rất nhiều loài động thực vật phong phú.
Chảy len lỏi giữa rừng núi là dòng suối Anh với làn nước xanh trong mát rượi. Dọc theo suối có 4 thác nước đẹp, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều khám phá thú vị. Bầu không khí trong lành của thiên nhiên hoang sơ sẽ khiến những mệt mỏi của bạn dường như tan biến.
Sau những giờ phút khám phá, hòa mình cùng thiên nhiên, bạn có thể thư giãn, nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn dân dã mang đậm nét dân tộc trong khu du lịch. Không chỉ có thế, khu du lịch còn có một bể bơi rộng nằm ngay giữa rừng núi xanh bạt ngàn cho bạn thoả sức bơi lội và tham gia một số trò chơi dưới nước.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền Bắc Việt Nam. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành, đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công trình khởi công xây dựng ngày 6 tháng 11 năm 1979, khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000 kilowatt. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh). Công trình này có chức năng tổng hợp 4 nhiệm vụ chính: Chống lũ, phát điện, tưới tiêu và đảm bảo giao thông thuỷ.
Bảo tàng không gian văn hóa Mường
Bắt nguồn từ niềm cảm hứng sâu sắc của một hoạ sĩ trẻ với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường, sau 10 năm sưu tầm và gần 1 năm xây dựng, đến ngày 16/12/2007 Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp có diện tích 5 ha, cách trung tâm thành phố Hoà Bình 7 km hướng đi Sơn La (nằm trên con đường mới mang tên Đường Tây Tiến). Đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Bảo tàng “ Không gian văn hoá Mường” là bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường – một dân tộc có bề dày truyền thống văn hoá trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung là Khu tái hiện gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường; và Khu trưng bày gồm các nhà trưng bày theo chủ đề, trong đó có rất nhiều hiện vật có giá trị như cồng, chiêng, lư, ninh bằng đồng và nhiều hiện vật về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hoá của người Mường như công cụ đánh bắt cá, công cụ nghề dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, đồ dùng sinh hoạt gia đình, xe nước… Bảo tàng có một thư viện với hơn năm nghìn đầu sách, với nhiều thể loại khác nhau như Văn học, Lịch sử, Khoa học kỹ thuật… Đặc biệt là sách về Văn hóa dân tộc và Văn hóa Mường.
Mai Châu
Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La và Quan Hóa của Thanh Hóa, thung lũng Mai Châu là điểm đến của hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi năm để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá cuộc sống của dân tộc Thái. Du lịch Mai Châu, bạn có thể đến các điểm tham quan hấp dẫn sau:
– Bản Lác
Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, nơi đây phù hợp với những ai yêu thích sự bình yên, tĩnh lặng, muốn hòa mình vào không gian của núi rừng, thích trải nghiệm và tìm hiểu nền văn hóa của người dân tộc vùng núi Hòa Bình.
5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc, tới nay bản đã tồn tại được 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Cũng từ đó mọi người trong bản đều cùng nhau phát triển du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.
– Bản Poom Coọng
Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng – một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa. Theo truyền thống, người dân Pom Coọng vẫn dựng lên những nếp nhà sàn độc đáo để ở. Những ngôi nhà mọc lên san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ dậu mỏng, ngồi trên cửa voóng, người ta có thể trò chuyện, cùng nhau vui đùa.
Khác với nhà sàn của các dân tộc khác, nhà sàn của người Thái thường cao ráo hơn vì vậy luôn tạo được cảm giác sạch sẽ, thoáng mát. Dưới chân nhà sàn, các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi làm ra các sản phẩm thổ cẩm độc đáo, thu hút khách du lịch.
Du khách đã một lần đến với Pom Coọng, ít ai có thể quên những khúc nhạc vui từ điệu múa sạp, múa xòe, điệu khắp của những chàng trai, cô gái Thái làm mê đắm lòng người. Đặc biệt người dân nơi đây hiếu khách, nhưng không hề chèo kéo, nài ép khách mua đồ lưu niệm. Sức sống của du lịch Pom Coọng, đó chính là không gian “thuần Thái” rất sạch sẽ. Nguồn nước sạch, các công trình nước, vệ sinh được làm quy củ tạo cho du khách cảm giác trong lành và an toàn.
– Hang Mỏ Luông
Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phía bản Lác, bản Pom Coọng là hang Mỏ Luông. Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.
Hang có 2 cửa chính: Cửa hướng Tây bắc trông ra nhà nghỉ Mai Châu vào bằng đường bộ. Cửa hướng Tây trông ra hồ Mỏ Luông vào bằng đường thuỷ. Hang Mỏ Luông là một hang động tự nhiên trong các dãy núi đá vôi, trải qua quá trình xâm thực của nước bào mòn đá vôi tạo thành các khối nhũ đá đẹp.
– Hang Chiều
Để lên tới Hang Chiều bạn phải đi qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ, đứng sừng sững, uy nghi. Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 – 15 m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30 m, cách khu dân cư khoảng 350 m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.
Hang có chiều dài trên 150 m, chia thành 2 tầng. Các tầng đều mang đến cảm giác choáng ngợp bởi những khối thạch nhũ còn nguyên sơ trùng trùng, điệp điệp, lung linh và huyền ảo. Nhũ mọc từ bên trái, nhô ra từ bên phải, từ vòm trần rủ xuống, từ đất mọc lên với muôn hình khối và màu sắc, hình thái và dáng vẻ sinh động.
Thung Nai
Là một xã thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Thung Nai nằm trong lòng hồ sông Đà, cách trung tâm thành phố 25 km và Hà Nội khoảng 110 km. Thung Nai xưa vốn là xứ Mường Thàng, một trong những nơi sinh sống trù phú nổi tiếng của người Mường. Theo như người dân địa phương kể lại, cái tên Thung Nai được đặt là bởi trước đây, tại một thung lũng trên mảnh đất này có rất nhiều nai tập trung sinh sống. Hiện nay, du lịch Thung Nai bạn có thể khám phá rất nhiều đảo đá nằm nổi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
– Động Thác Bờ
Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, động nằm ngay trên bến Ngọc ở sườn núi phía Bắc, trong dãy núi Chủa bên bờ hồ Hòa Bình. Không chỉ gắn với quần thể di tích đền thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn phương Bắc, đây cũng từng là nơi trú chân của nhiều cánh lái buôn ngược xuôi sông Đà khi qua đây gặp sóng to gió lớn. Do đó, động Thác Bờ từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và du lịch.
Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động.
Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Ngoài bàn thờ Phật tổ Quan Âm rất lớn, Quan thế âm Bồ tát, các vị thần linh cai quản vùng này, trong động còn có bàn thờ Bác Hồ luôn thơm mùi hoa tươi và hương trầm. Vào sâu trong động, bạn có thể khám phá những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm.
– Đền Bà Chúa Thác Bờ
Theo tương truyền, Đền Bờ (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân – người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao (không rõ tên). Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi lo liệu về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, 2 bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hoà nên nhân dân đã phong 2 bà làm thánh và lập đền thờ phụng. Lâu nay, người dân trong vùng tôn vinh hai bà là “Chúa Thác Bờ”, hàng năm vẫn mở hội đền vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch.
– Chợ nổi thác Bờ
Người dân ở đây giao dịch buôn bán chủ yếu tại chợ Bờ. Chợ chỉ họp vào buổi sáng và tan chợ khi còn khá sớm, khoảng gần 8 giờ là chợ đã thưa người qua lại. Chợ nổi Thác Bờ họp phiên Chủ Nhật, cách bến thuyền Thung Nai chừng 20 phút. Không quá ồn ã tấp nập, chợ là nơi thông thương của các ghe thuyền trên khắp mặt hồ về đây, với những sản vật được đánh bắt từ đêm hôm trước.
Động Đá Bạc
Động Đá Bạc còn có tên gọi khác là động Tiên, nằm trong lòng núi Pai Dáy (hay còn gọi là núi Hang Beo). Đầu năm 1990, một số người dân địa phương xóm Đá Bạc đi lấy củi tình cờ đã phát hiện ra di tích động. Cửa động hướng Đông Nam, rộng chừng 1 m, cao 2 m.
Bước vào cửa động, du khách như bị choáng ngợp trước một rừng thạch nhũ rủ xuống từng chùm, từng khối trắng bạc, lơ lửng, khi có ánh đèn chiếu vào những khối đá bỗng sáng rực lên phản chiếu lại tạo ra những tia xanh, đỏ, tím, vàng óng ánh. Từ đây du khách đi theo con đường lát gạch ở bên trong động khoảng 6 m ngước nhìn lên thấy một khoảng trống đó là lối lên động Cô Tiên.
Động Cô Tiên ở cao hơn nền động chính gần 2 m, leo qua 10 bậc thang, du khách sẽ bắt gặp vòm trần có nhiều nhũ đá rủ xuống. Nét kỳ diệu ở đây là dưới chân các khối nhũ đá, nước nhỏ xuống theo năm tháng tạo thành hai bể nước thiên tạo xinh xắn. Phía trong bể nước là hệ thống các ruộng bậc thang như được thu nhỏ lại. Bờ của các thửa ruộng bậc thang được đá uốn lượn, đẽo gọt, chạm khắc kỳ phu tạo nên những bức tranh thiên nhiên sinh động.
Ngoài động Đá Bạc, Hòa Bình còn có những hang động kỳ vĩ khác như Động Tiên Phi, Động Hoa Tiên với những khối thạch nhũ có hình thù vô cùng sống động cho những ai thích khám phá vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất Hòa Bình.
Bản du lịch Giang Mỗ (xã Bình Thanh)
Cách thành phố Hòa Bình 10 km theo trục đường Tây Tiến, bản Giang Mỗ gồm hơn 100 nhà sàn nằm bình yên trong một thung lũng nhỏ dưới chân núi Mỗ, thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Với bản sắc văn hóa bản địa vật thể và phi vật thể đậm nét truyền thống đặc trưng của người dân tộc Mường vẫn được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn, từ lâu nơi đây đã được du khách trong và ngoài nước biết đến là một điểm nhấn của du lịch văn hoá cộng đồng nổi bật nơi đất Mường Hòa Bình.
Những nếp nhà sàn Mường cổ được xây dựng theo kiểu con rùa (nhà rùa) vẫn giữ được vẹn nguyên những nét mộc mạc, đơn sơ – một kiểu kiến trúc cổ truyền rất khác biệt so với kiểu nhà của các dân tộc khác như Thái, Tày, Dao, Mông… Nhà sàn nơi đây mang tính gắn kết cộng đồng cao, gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản Mường, được xây dựng san sát nhau, ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao để đón nhận khí trời cũng như thuận tiện cho việc trồng trọt, làm nương rẫy và chăn nuôi.
Tại bản Giang Mỗ, giữa không gian bình lặng, du khách được tự do thả mình chiêm ngưỡng cảnh quan, vẻ đẹp hoang sơ nơi núi rừng; tham gia trực tiếp vào các hoạt động gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa như học chăn nuôi gia súc, gia cầm; làm nương rẫy, trồng rừng; làm các sản phẩm thủ công truyền thống, đồ lưu niệm từ mây, tre; nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá văn nghệ dân gian Mường qua các tiết mục ca múa nhạc Mường cổ trong âm thanh của tiếng chiêng, trống, sáo ôi,… do chính người dân bản biểu diễn; tìm hiểu, học cách chế biến và thưởng thức những món ăn đặc trưng do chính tay chủ nhà chế biến theo cách thức và gia vị riêng của người Mường.
Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi
Khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi độc đáo, hấp dẫn bởi nguồn nước khoáng từ ngàn xưa trong vắt, không mùi, vô khuẩn, khi vừa lộ thiên nhiệt độ 34 – 36 độ C, thành phần chính là Bicacbonat Sunphat Canxi – Magie, thuộc loại nước khoáng giải khát chữa bệnh có lợi cho sức khoẻ con người.
Theo các nhà khoa học, nước khoáng Kim Bôi được đánh giá là suối khoáng có thành phần hóa học ổn định nhất, là điều kiện lý tưởng để phục hồi sức khỏe, giúp chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp… Đến đây, du khách có thể nghỉ ngơi và tận hưởng nguồn suối nóng tuyệt vời tại khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, khách sạn Công đoàn, V-resort, hoặc các khu nhà nghỉ. Nguồn khoáng nóng phun lên từ độ sâu 175,5 m và được bơm dẫn trực tiếp vào các bể tắm để phục vụ du khách.
Cửu thác Tú Sơn
Cách thành phố Hoà Bình trên 20 km, khu du lịch sinh thái Cửu Thác Tú Sơn nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình), cạnh đường quốc lộ 12B, gần khu suối khoáng nóng Kim Bôi. Đường lên với Cửu thác, du khách có thể cảm nhận được sự mộc mạc, hoang sơ từ cảnh vật đến cả nếp sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Người dân sống quanh khu cửu thác chủ yếu là người Mường. Cửu thác Tú Sơn gồm Thác Tiên, Thác hồ Âu Cơ, Thác Quan Lang, Thác Hồ Út Lót, Thác Bạc, Thác Thiên Ngọc Thạch, Thác hồ Trượng Phu, Động Long Cung và Vườn Thượng Uyển. Tất cả tạo nên một danh thắng “đệ nhất” xứ Mường.
Chùa Tiên
Chùa Tiên – Mẫu Đầm Đa (hay còn được người dân gọi là Chùa Tiên – Đầm Đa) là một ngôi chùa thuộc địa phận xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Chùa được Bộ văn hóa – Thông tin Việt Nam cấp bằng di tích lịch sử văn hóa tháng 9 năm 1989. Khu Du lịch Chùa Tiên – Đầm Đa là một quần thể du lịch bao gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp, nằm bên kia sườn dãy núi Hương Sơn Chùa Hương. Ngoài ra quần thể danh thắng Chùa Tiên là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia.
Lễ hội chính của chùa Tiên được tổ chức vào 3 ngày từ 4 – 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng Tư âm lịch. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức quy mô hơn, đông vui hơn, du khách bốn phương tìm về nhiều hơn. Gọi là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả khu di tích mà địa điểm chính được đặt ở Chùa Tiên.
Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức một di sản văn hoá vừa vật thể, vừa phi vật thể. Cùng với đám rước kiệu, là những nghi thức tế lễ gồm dâng rượu dâng hương, đọc sắc phong của triều vua xưa phong cho các vị Thành hoàng trong khu di tích, dâng chúc văn cầu mong thần linh ban tặng mưa thuận gió hoà, nhà nhà an khang, xóm làng thịnh vượng… Đó là những nghi thức đã trở thành truyền thống để tôn vinh các vị thần Thành hoàng làng – những người đã vì nước vì dân được tôn thờ.
Đến và đi lại Hòa Bình bằng gì
1. Phương tiện đến Hòa Bình
Từ các tỉnh và thành phố khác bạn có thể lựa chọn các phương tiện như máy bay, tàu hỏa hay xe khách để đến Hà Nội.
Từ trung tâm Hà Nội đi theo hướng quốc lộ 6 qua khu vực Xuân Mai là tới địa phận của Hòa Bình. Dọc tuyến đường này ngoài các tuyến xe khách đi Hòa Bình còn có khá nhiều tuyến xe khách Sơn La, Điện Biên chạy qua nên có rất nhiều sự lựa chọn cho bạn. Giá vé xe khách từ Hà Nội đi Hòa Bình trung bình từ 50.000 – 80.000 đồng/vé, với một số điểm du lịch gần trục đường quốc lộ 6, bạn có thể lựa chọn phương án thuê xe ôm hoặc taxi để di chuyển bởi ở Hòa Bình không phổ biến lắm các dịch vụ cho thuê xe máy.
Bạn có thể tham khảo một số tuyến xe khách từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đi Hòa Bình sau đây:
– Xe khách Tuấn Dũng
- Lịch trình: Mai Châu – Phú Cường – Chợ Lồ – Bến xe Hòa Bình – Lương Sơn – Xuân Mai – Yên Nghĩa – Mỹ Đình
- Giờ xuất bến: Mai Châu 8h00 – Mỹ Đình 14h00
- Điện thoại: 0978 833338
– Xe khách Hải Anh
- Lịch trình: Yên Thủy – Nho Quan – Me – Gián Khẩu – Phủ Lý – Phú Xuyên – Đỗ Xá – Thường Tín – Giáp Bát
- Giờ xuất bến: Yên Thủy 5h30 – Giáp Bát 13h10
- Điện thoại: 0218 3864189 – 0989 345116 – 0984 471117
– Xe khách Hoàng Thao
- Lịch trình: Mai Châu – Mỹ Đình
- Giờ xuất bến: Mai Châu 8h45 – Mỹ Đình 14h30
- Điện thoại: 0218 3868291 – 0914 688533
– Xe khách Bình An
- Lịch trình: Mỹ Đình – Hòa Bình
- Giờ xuất bến: Từ 5h00 đến 19h45
- Điện thoại: 01649 547 678
– Xe khách Tiến Đạt
- Lịch trình: Phố Re – Yên Thủy – Nho Quan – Giáp Bát
- Giờ xuất bến: Chợ Re 6h50 – Giáp Bát 15h00
- Điện thoại: 0912 506765 – 0987 621066
2. Phương tiện đi lại ở Hòa Bình
Với địa hình đồi núi trùng điệp, phương tiện phổ biến bạn có thể sử dụng để đến các điểm tham quan là xe máy. Nếu đi theo nhóm đông người, bạn có thể chọn taxi hoặc các tuyến xe buýt chạy nội tỉnh Hòa Bình.
Một số hãng taxi tham khảo tại Hòa Bình:
- Taxi Hà Tâm Hòa Bình – ĐT: 0218.3.888.222
- Taxi Mai Châu – ĐT: 0218.3.86.87.88
- Taxi Phượng Hoàng – ĐT: 0218.3.93.93.93
- Taxi Sông Đà – ĐT: 0218.3.89.89.89
- Taxi Nhật Anh – ĐT: 0218.3.600.382
Ăn gì và ăn ở đâu tại Hòa Bình
Người dân Hòa Bình tận dụng nguồn nguyên liệu tươi ngon sẵn có từ thiên nhiên và tìm những cách chế biến hợp khẩu vị tạo nên những món ăn mang hương vị đặc trưng, bổ dưỡng và có tác dụng ngăn ngừa, chữa bệnh. Nền văn hóa ẩm thực Hòa Bình không chỉ được hình thành bởi các món đặc sản thơm ngon mà còn được tạo nên bởi các tập quán, phong tục ăn uống mang bản sắc riêng.
Cơm lam
Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng rất vất vả, nhọc nhằn. Họ phải đi từ lúc sáng sớm tinh mơ cho tới lúc tối mịt hoặc thậm chí phải ngủ lại trong rừng nên thường mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa. Từ những thói quen của ngàn xưa để lại, một thói quen rất bình dân, dễ làm, thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – món cơm lam. Món cơm lam có ở rất nhiều nơi, từ người Tày, nguời Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm dẻo nổi tiếng.
Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước đây, người ta không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để ăn “chơi”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nước, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng. Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với cơm lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt lạc, hạt đậu trong đó nhưng được thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng tạo nên một hương vị rất riêng của Hoà Bình.
Lợn cỏ thui luộc
Lợn được nuôi thả rông cho ăn rau rừng và uống nước suối để thịt có độ săn chắc và thơm ngon. Khi muốn giết mổ, dùng rơm thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước, mà chỉ lấy lạt giang buộc treo lên cho ráo. Thịt lợn làm như vậy sẽ để được lâu, không bị ôi thiu.
Khi muốn ăn, thịt được pha ra cho vào nồi luộc trên bếp củi ở nhiệt độ vừa phải. Khi thịt vừa chín tới đem thái mỏng bày lên lá chuối rừng tươi xanh. Khi ăn chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Món ăn sẽ giữ được độ ngọt của thịt, giòn của mỡ và bì hòa với mùi thơm của lá chuối, hạt dổi, vị đậm đà của muối rang. Thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Cá được đánh bắt từ sông Đà, mang về đem nướng trên than hồng. Trước khi nướng, cá được ngâm trong nước muối cho tự sạch ruột, sau đó được xiên vào các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào để cho cá khỏi rơi, gãy.
Cá nướng xong được đặt trên lá chuối xanh, ăn kèm với lá sấu non, lá mơ, lá lốt, đinh lăng, chấm với muối ớt xanh. Cá nướng thơm ngon, thịt chắc, da giòn, xém cạnh, mặn vừa đủ. Thịt cá ngọt chấm muối, cuộn trong lá lốt vừa làm mất vị tanh của cá vừa làm vị cá thêm đậm đà, càng ăn càng ngọt. Hương thơm lừng của củi than, vị mặn mòi của muối cùng vị thơm của tre và cá khiến du khách khó lòng bỏ qua.
Măng đắng nướng
Từ bao đời nay, măng đắng trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Tây Bắc, nhất là các dân tộc Thái, Tày, Mường. Măng đắng hầu như có quanh năm, nhưng mọc nhiều nhất vào mùa mưa. Vì vậy, thời gian này, người dân vào rừng thu hái măng rồi mang đi bán, hoặc sơ chế để sử dụng hàng ngày.
Muốn có măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú, lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại, bóc dần từng bẹ chấm vào gói “chẩm chéo” (gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ). Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị đậm đà của muối, cay nồng của ớt, cay ấm của lá gừng, cay tê của mắc khén, cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.
Măng chua nấu thịt gà
Ở Hòa Bình, gà Lạc Sơn được coi là ngon nhất. Gà Lạc Sơn sống trên núi đá vôi, uống nước sông Bưởi nên thịt dai, thơm và lạ. Đây cũng là nguyên liệu lý tưởng để làm món đặc sản măng chua nấu thịt gà – món ngon Hòa Bình không thể bỏ qua.
Để có món này đúng điệu, người đầu bếp sẽ chọn gà nhỡ, sơ chế, bỏ lòng mề rồi chặt ra từng miếng nhỏ. Tiếp đó, mới đem ướp cùng măng chua và các loại gia vị khác. Chỉ nửa tiếng là gà ngấm. Khi ấy đem đi nấu bếp củi, lửa đều, không quá to chừng 1 – 2 tiếng. Đặc biệt, khi gà và măng nhừ, người ta còn cho thêm hạt dổi nướng giã nhỏ vào chung.
Chả cuốn lá bưởi
Có lẽ chỉ ở Hòa Bình mới có món này. Thịt lợn ba chỉ sau khi sơ chế không băm nhỏ như các loại chả khác, và cũng không ướp quá nhiều loại gia vị. Người ta chỉ thái con chì vừa ăn rồi bỏ chút mắm, hành vào, sau đó cuốn lá bưởi ở ngoài và cho vào kẹp, nướng trên than hồng.
Người ăn còn ngửi thấy rõ mùi thơm của thịt quyện với dầu từ lá bưởi. Do được nướng nên thịt không ngấy nhiều, ngược lại, còn săn và đậm ngọt. Ngoài ra, lá bưởi cháy cháy, giòn giòn cũng tạo thêm vị cho món chả này. Nuốt miếng chả xong còn thấy tê tê đầu lưỡi, không hẳn là cay, không gây khó chịu mà ngược lại, khó quên vô cùng.
Thịt lợn muối chua
Dường như thịt lợn ở Hòa Bình luôn có cách chế biến độc đáo. Cũng vẫn là lợn, nhưng thịt lợn muối chua lại cho ta cảm giác thưởng thức cả cây cỏ và vị rừng do cách làm khá độc đáo.
Món thịt lợn muối chua được làm rất kỳ công và kết hợp với rất nhiều loại lá rừng, tất cả đều là những sản vật sẵn có dễ tìm và mỗi thứ lá được xem là bài thuốc quý rất lợi cho cơ thể như lá quế, lá mít, lá trầu không… Ấn tượng ban đầu khi khách tới nhà được người Mường bê ra một mâm thịt lợn muối chua với một rổ lá, khi ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt, nhai chậm rãi rất bùi và thơm ngọt.
Thịt lợn muối chua đủ độ phải giữ được màu sắc tươi của thịt và màu vàng ươm của thính gạo rang. Miếng thịt muối chua phải có vị bùi của thịt, ngậy của bì, chua của men rừng, mặn của muối, thơm của thính gạo. Cuốn một miếng thịt muối chua vào trong một lớp lá rừng có vị bùi bùi, cay của giềng, thơm của húng quế, chát xít của lá mít và trầu không, vị chua ngọt hòa lẫn mặn ăn rất lạ miệng. Nhiều người lần đầu ăn thấy gai gai vì vị lạ của lá rừng, nhưng càng ăn đến miếng thứ hai, thứ ba lại muốn cuốn ăn thêm miếng nữa.
Thịt trâu nấu lá lồm
Thịt trâu nấu lá lồm là món ăn đặc sản của Hòa Bình, tạo cảm giác lạ miệng nhưng vô cùng gần gũi với đời sống, phong tục của người dân tộc Mường từ bao đời nay. Thịt trâu nấu lá lồm là món ăn đơn giản nhưng lại tạo nên một thương hiệu riêng nhờ nét đặc sắc của lá lồm. Món ăn tuy không khó ở khâu chế biến nhưng khâu chọn nguyên liệu, nhất định phải thật kỹ lưỡng.
Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi đem thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất. Khi ninh cho lá lồm vào ninh cùng, thêm một ít tấm gạo để tạo độ sánh. Thịt trâu vốn có mùi ngai ngái nhưng khi nấu cùng với lá lồm đã cho ra hương vị hết sức độc đáo, vị thanh chua của lá lồm làm át đi mùi đặc trưng của thịt trâu, khi miếng thịt ninh chín mềm ngấm gia vị sẽ trở nên thơm lừng, béo ngậy.
Canh Loóng
Cây chuối mọc hoang dã trên rừng được người dân Mường đem về bóc bớt lớp vỏ già bên ngoài, sau đó dùng dao sắc thái từng lát chuối cho thật mỏng. Chuối thái xong được đem bóp kỹ với muối trắng cho sạch lớp nhựa, cho hết vị chát rồi để thật ráo nước. Đợi đến khi nồi nước luộc thịt lợn sôi chừng nửa giờ đồng hồ liền bỏ chuối vào để làm canh loóng.
Canh loóng ngoài vị ngon còn là một vị thuốc độc đáo được người dân Mường khéo léo đưa vào bữa cơm hằng ngày. Bởi vậy, dù mâm cỗ đầy ắp các món thịt hay đạm bạc, đơn sơ với vài món ăn đơn giản thì canh loóng vẫn là món không thể thiếu, như một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây.
Chả rau đáu
Rau đáu là loại thuốc bổ rất khó trồng mà chỉ mọc tự nhiên ở các khe suối vào thời tiết lạnh và ẩm ướt như mùa xuân hay mùa đông. Điểm đặc biệt của chả rau đáu so với những món ăn khác đó là sự cẩn trọng từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến khâu chế biến.
Chả rau đáu là món ăn cổ truyền của người Mường, thường xuất hiện trong các dịp đặc biệt như lễ Tết. Chả rau đáu có vị thơm mát của lá rau quyện lẫn với hương vị của hạt sổi, hành khô được ướp trong thịt, cùng với cảm giác nhai giòn rụm của xương sụn đem lại cảm giác mới lạ và khó quên đối với ai đã từng một lần nếm thử.
Sau đây là một số địa điểm ăn uống mà bạn có thể tham khảo khi đến Hòa Bình:
- Nhà hàng Lan Dũng – Địa chỉ: 183 Cù Chính Lan, TP. Hòa Bình.
- Nhà hàng Vua Cá Long Phượng – Thịnh Lang – Địa chỉ: Số 16, ngõ 139, Thịnh Lang, TP. Hòa Bình.
- Nhà hàng Mạnh Ngân – Địa chỉ: Tổ 8 Phương Lâm, TP. Hòa Bình.
- Làng Ngói – Địa chỉ: Tỉnh lộ 317, TP. Hòa Bình.
- Nhà hàng Mường Vill – Địa chỉ: Tây Tiến, TP. Hòa Bình.
- Dung Hòa Quán – Đặc sản Tây Bắc – Địa chỉ: Mai Châu Ecolodge, Nà Phòn, Mai Châu, Hòa Bình.
- Quán Ngon – Địa chỉ: Trương Hán Siêu, TP. Hòa Bình.
- Nhà Hàng Nam Huyền – Địa chỉ: Lý Thường Kiệt, P. Chăm Mát, TP. Hòa Bình.
- Việt Hoa Quán – Địa chỉ: 80 Cù Chính Lan, TP. Hòa Bình.
- Bức tường Café – Địa chỉ: 52 Ngô Quyền, Phương Lâm, TP. Hòa Bình.
- Shop Coffee – Địa chỉ: 54 Lê Quý Đôn, Đê Đà Giang, TP. Hòa Bình.
Mua sắm và giá cả tại Hòa Bình
Hòa Bình độc đáo bởi những buổi chợ phiên với các loại hàng hóa đa dạng của bà con ở các vùng miền Hòa Bình và những khu vực lân cận đến họp chợ, bày bán. Sở dĩ gọi là chợ phiên bởi tất cả các chợ này chỉ họp theo phiên, kể cả dịp Tết, các chợ vẫn diễn ra đúng ngày. Các mô hình chợ phiên truyền thống nổi bật ở Hòa Bình như chợ Xà Lĩnh – Pà Cò họp phiên vào ngày Chủ Nhật hàng tuần, chợ Bò – Lũng Vân họp phiên ngày thứ ba trong tuần, chợ Lồ – Phong Phú (Tân Lạc) họp vào 2 ngày thứ tư và thứ năm trong tuần. Điều luôn hấp dẫn du khách mỗi khi khám phá chợ phiên là nét văn hóa chợ thể hiện qua cách giao tiếp, ứng xử, ăn mặc mang sắc thái riêng của từng dân tộc, vùng miền. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, phô diễn bản sắc của các dân tộc.
Mua bán ở chợ phiên, sẽ không thấy cảnh ồn ã, xô bồ, mặc cả kỳ kèo bởi bà con các dân tộc không nói thách, cứ ngã thật giá, bán mớ, bán gùi theo cách ước lệ chứ không mấy khi đặt lên bàn cân. Nếu thấy thích món đồ nào, bạn cứ ngắm nghía, hỏi han, tìm hiểu và dẫu không mua cũng chẳng sao, bà con luôn xởi lởi đón chào bằng tâm hồn rộng mở. Phiên chợ thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc vào cuối buổi trưa. Cứ như vậy, những buổi chợ phiên nơi sinh sống tập trung của đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Thái, Mông hàng tuần náo nhiệt diễn ra với sự cuốn hút đến kỳ lạ, mang đến những trải nghiệm đầy thú vị về cuộc sống, sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng cao.
Một số đặc sản làm quà biếu ở Hòa Bình:
Rượu cần
Rượu cần là một thức uống đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam. Nhưng mỗi địa phương, mỗi dân tộc lại có cách chế biến và thưởng thức rượu cần khác nhau. Đến Hòa Bình, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức thứ rượu cần có hương vị ngọt dịu, êm nồng của đồng bào dân tộc người Mường. Với cách chế biến đặc biệt của người Mường ở Hòa Bình, rượu cần có hương vị đặc trưng riêng. Đây cũng là một món quà dành cho người thân trong gia đình, nhiều người còn lựa chọn để làm quà biếu trong những dịp lễ, Tết.
Cơm lam
Cơm lam hiện hữu trong đời sống người Mường và đã trở thành nét đặc trưng rất riêng của Hòa Bình. Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với cơm lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt lạc, hạt đậu trong đó nhưng được thay bằng mùi thơm đặc trưng của nước cốt dừa. Cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nướng, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng. Cơm lam được xem là món ăn đặc sản mà du khách có dịp đến Hòa Bình nhất định sẽ muốn mua về làm quà biếu cho người thân và bạn bè.
Măng khô
Khác với măng tươi và măng đắng, măng khô Hoà Bình được chế biến hết sức cẩn thận và hoàn toàn sử dụng phương pháp phơi sấy tự nhiên. Măng được thu hoạch về, ngoài việc bán luôn măng tươi và chế biến măng đắng, người ta đem luộc rồi phơi măng để chế biến măng khô đem bán, nhất là vào giai đoạn gần Tết. Măng Hoà Bình thường có màu vàng, đôi khi có màu hơi thâm của khói bếp… Tuy nhiên, đó mới chính là loại măng an toàn và nguyên gốc. Vốn nổi tiếng và đã thành thương hiệu, từ rất lâu măng Hoà Bình được nhiều người biết đến và mỗi khi có dịp du lịch đến đây người ta mua măng về làm quà, đi biếu người thân, và dùng làm măng ăn Tết.
Trái lặc lày
Cây lặc lày theo tiếng Mường gọi là cây “nắc này” hay còn được gọi là mướp Mường, mướp rừng… Lặc lày vốn phù hợp với thổ nhưỡng vùng núi cao, nơi có nắng và khí hậu trong lành. Quả lặc lày có hai loại, loại quả ngắn khoảng 12 cm và loại quả dài hơn. Thông thường, quả ngắn có vị ngọt bùi và mềm hơn quả dài. Quả lặc lày có thân tròn trịa, vỏ ngoài điểm những sọc xanh trắng xen kẽ nên thoáng nhìn khá giống quả dưa gang lúc bé.
Theo các bà mế người Mường ở Hòa Bình, quả lặc lày có rất nhiều tác dụng, là nguồn thực phẩm tốt đối với sức khỏe con người nên được coi là một vị thuốc bổ tự nhiên. Có lẽ vì thế, đồng bào Mường thường xuyên sử dụng loại quả này để chế biến khá nhiều món ăn độc đáo theo nhiều “phong cách” ẩm thực khác nhau, tùy thuộc vào sở thích và sự khéo léo của người chế biến.
Người ta mua trái lặc lày về làm quà biếu hoặc để chế biến các món ăn ngon như lặc lày nhồi nhân thịt, lặc lày nhồi cua bể, lặc lày xào lòng gà, lặc lày xào thịt bò, canh lặc lày nấu tôm, cua… Song, giữa những ngày hè nóng bức, được thưởng thức những quả lặc lày luộc thơm mát, ngọt ngon chấm với vừng lạc có lẽ vẫn là món ăn độc đáo, để lại nhiều dư vị lắng đọng nhất với mỗi người.
Cam Cao Phong
Cao Phong là vựa cam lớn không chỉ của tỉnh Hòa Bình mà của cả miền Bắc. Diện tích trồng cam ở huyện Cao Phong tập trung nhiều nhất quanh thị trấn Cao Phong và xã Tây Phong. Cao Phong là vùng đồi núi thoai thoải, thổ nhưỡng chủ yếu là đất feralit. Khí hậu thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho cây cam sinh trưởng, phát triển và cho ra đời những trái cam chất lượng, ngon ngọt, mọng nước.
Có dịp ghé qua Cao Phong vào thời điểm đầu tháng 11, bạn có thể mua cam về làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè. Những người sành ăn thường chọn những quả cam có màu sắc vàng nhạt, quả to, mọng nước. Khi bóc vỏ có mùi thơm rất đặc trưng, đặc biệt khi cắt khỏi cành độ 1 ngày thì cả lá và quả đều héo chứ không tươi vì không dùng chất bảo quản, nhưng chất lượng không ảnh hưởng.
Mía tím Hòa Bình
Cây mía Hòa Bình có màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài, trong đó, nổi tiếng nhất là mía Phong Phú (Tân Lạc). Cây to, cao tới gần 2 m, ít mắt. Mía mềm, ngọt mà không gắt, mùi thơm đặc trưng. Với người Hòa Bình (chủ yếu là người Mường), cây mía tím còn mang ý nghĩa tâm linh, là sản vật được bày hai bên bàn thờ cho tới hết rằm tháng Giêng với mong muốn năm mới ngọt lành. Đây là một trong những món quà quê bình dị mà nhiều người tới Hòa Bình chọn mua.
Lưu ý khác khi du lịch Hòa Bình
– Trong những năm gần đây, do được chú trọng đầu tư nhiều về du lịch nên các điểm lưu trú ở Hòa Bình cũng đã được cải thiện, chất lượng khá tốt, đáp ứng được các yêu cầu của du khách. Do có địa hình đồi núi là chủ yếu nên ở Hòa Bình có rất nhiều homestay xinh xắn cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu nghỉ dưỡng dài ngày bạn hãy trải nghiệm những khách sạn/ resort tiện nghi với chất lượng có thể đáp ứng nhu cầu cho du khách cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn. Tham khảo thông tin đặt phòng khách sạn Hòa Bình tại Chudu24 để có được nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn.
– Hòa Bình có rất nhiều lễ hội đặc sắc mang những nét đặc trưng riêng thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán… tạo nên vẻ đẹp phong phú và đặc sắc trong bức tranh văn hóa Hòa Bình. Nếu bạn muốn hòa mình vào không khí lễ hội nơi đây, có thể tham khảo các thời điểm diễn ra lễ hội dân tộc truyền thống sau:
- Lễ hội đu Mường Vôi tổ chức 2 năm một lần, vào ngày mùng 7 khai hạ tính theo lịch Mường và là ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Đây là dịp để người dân Mường tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người đã có công đi khai dân mở đất.
- Lễ hội cầu an bản Mường là lễ hội của người Thái thường tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán và kéo dài trong 3 ngày. Đây là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc. Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở các khu vực lớn (bản, mường).
- Lễ hội Làng Vai là ngày hội truyền thống của làng bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 13/11 hàng năm tại đình và đền làng Vai. Hội làng là dịp để nhân dân làng Vai tỏ lòng thành kính và nhớ ơn Tam vị Tản Viên Sơn và Cảnh Tiên Công chúa, cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ cho họ một năm yên bình, ấm no, hạnh phúc.
- Tết cơm Đe Mường Rậm diễn ra vào 26/10 âm lịch để nhớ ơn vị tướng đánh giặc cứu nước, lại còn lập đàn cầu mưa cho dân lành ở vùng hạn hán. Vật cúng trong mâm không ngoài những thứ đã tiếp vị tướng năm nào, nhất là cơm Đe (loại cơm ủ men từ lá cây rừng để nấu rượu).
- Lễ hội đánh cá suối Tháng ba được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, tại xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc). Lễ hội là dịp để người dân bày tỏ sự tôn kính với các vị thần linh, đồng thời là cơ hội để người dân vui chơi, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội này cũng mang ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng tới người dân việc bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
- Lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ. Đây là lễ có tính chất gia đình nhưng lại là một lễ hội thực sự vì nó được tổ chức phổ biến khắp vùng có người Thái sinh sống.
- Lễ hội khai hạ khởi đầu cho năm mới, là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường Bi. Thông qua nghi lễ này, người dân bày tỏ lòng kính trọng tới các vị thần, cầu một năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quê hương giàu đẹp. Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu thắt chặt tình đoàn kết, tinh thần cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.
– Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, Mai Châu là một trong những điểm đến thú vị mà bạn nên trải nghiệm khi có dịp đến vùng núi Tây Bắc này. Là một huyện thuộc Hòa Bình nhưng Mai Châu lại có những nét đặc trưng riêng thể hiện qua từng mùa. Bạn có thể ghi nhớ những mốc thời gian sau để lên kế hoạch du lịch Mai Châu. Ngoài ra, đừng bỏ qua những đặc sản thơm ngon tại đây như xôi nếp nương, ong rừng xào măng chua, thịt gà đồi, thịt lợn Mường, nước lá phao,…
- Tháng 11 – tháng 2: Mùa đông, không khí se lạnh, hoa đào, hoa mận nở trắng một góc Mai Châu.
- Tháng 3 – tháng 4: Thời tiết mát mẻ, dễ chịu, mùa hoa ban nở.
- Tháng 5 – tháng 8: Khí hậu cũng khá mát mẻ, không có hoa nhưng có mận, đào cho bạn hái. Đầu tháng 9 có Tết Độc Lập thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham dự.
– Đến Hòa Bình, bạn nên đảm bảo hành lý gọn nhẹ, chỉ mang theo những vật dụng cần thiết đặc biệt là áo ấm, đồ bơi, kem chống nắng, thuốc chống muỗi và một số loại thuốc uống.