Lên núi Cố, theo dấu danh sĩ Nguyễn Thông

Ông không chỉ là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng lớn mà còn là một chí sĩ yêu nước của thế kỉ XIX. Tìm về lăng mộ ông ở thôn Phú Hài – TP Phan Thiết – Bình Thuận, chúng tôi được biết nhiều điều bí ẩn xung quanh mộ ông…

2934

Xem thêm:

Về Phú Hài, ngắm nhìn cảnh vật sông núi nơi có ngôi mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông, chúng tôi thật chạnh lòng khi nghe người trông mộ họ Nguyễn kia kể lại những câu chuyện bí ẩn từ lúc ông trông mộ. Mấy ai biết rằng ngôi mộ của Nguyễn Thông đã từng bị kẻ xấu chỉ vì lòng tham mà phá hủy…

Chuyện người trông mộ

Buổi trưa chúng tôi ghé thăm mộ Nguyễn Thông thì cổng vào khu mộ đã được đóng kín. Từ ngoài nhìn vào, chúng tôi thấy bờ tường khuôn viên và cả khu mộ đều được quét vôi màu vàng. Dò hỏi, chúng tôi được biết người trông coi khu mộ Nguyễn Thông chính là ông Võ Văn Vinh (còn gọi Tám Vinh) (sinh 1954) ở cạnh đó chưa tới 50m.

Khu di tích lăng mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông nhìn từ ngoài vào
Khu di tích lăng mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông nhìn từ ngoài vào

Đã mấy đời nhà ông được nhận làm người coi mộ cụ Nguyễn Thông. Ban đầu ông cũng dè chừng khi chúng tôi tỏ ý muốn tìm hiểu về mộ phần cụ Nguyễn. Nhưng rồi như được khơi mạch, lòng ông cũng dàn trãi ra. Ông kể rằng: “Bởi gia tộc cụ Nguyễn Thông đã giao lại khu mộ của ông cho Nhà nước rồi nên thỉnh thoảng có dịp thì họ mới quay về cúng viếng. Lần này đại tu khu mộ nữa là 6 lần rồi. Cách đây 13 năm có đại tu, các tỉnh đã kéo về đây tham dự lễ khánh thành. Ông Tỉnh trưởng ngày trước tính làm khu này thành ao cá, trồng sen.

Cách đây 35 năm, tôi cũng chỉ mới 25 tuổi thôi, cũng có người tới hỏi thăm. Khi đó thời Mỹ, mình ở cái nhà từ đường đối diện bên hông mộ. Hôm đó trời cũng chạng vạng chiều, ban đầu hắn hỏi tôi nhờ trông coi mộ hàng năm. Hắn mang ba lô, mang theo cả thạch cao nữa. Hắn bảo tôi dẫn ra xem mộ cụ Nguyễn, tôi tưởng thật, cũng dẫn đi. Tới mộ ông rồi, hắn lôi ra những cục thạch cao ịn lên hoa văn con rồng, con phụng, những dòng chữ Hán trên mộ ông, rồi chụp hình. Hắn nói muốn đập phá, hủy bỏ những tấm bia trong khu mộ ông cụ. Tôi nói không được đâu, người ta nhờ trông coi mấy đời rồi. Tôi hỏi hắn vì sao muốn phá mộ cụ Nguyễn Thông? Hắn nói hắn là nhà văn, muốn “độc quyền” một mình hắn biết mộ của cụ Nguyễn Thông thôi.

Thời điểm đó, chưa có ai phát hiện ngôi mộ này. Hắn xin ở lại một đêm để đập mộ. Tôi đâu có cho. Hắn ịn thạch cao, lấy dấu tùm lum. Hắn tìm 3 – 4 ngày mới tới được nơi đây. Tôi thấy hắn khả nghi quá nên mới canh chừng miết. Hắn chẳng làm được gì nên bỏ đi. Đâu chừng 3 – 4 năm sau, tôi có nghe công an, Nhà nước theo dõi bắt được tên đó. Mà hồi đó chiến tranh, mấy ai bận tâm mà biết đó là mộ Nguyễn Thông. Mà cũng lạ, đâu có ai có mộ mà có đến 3 tấm bia như cụ Nguyễn đâu. Tấm bia lớn trong mộ to bằng cái cây ấy chứ. Nhưng sau bị hư nên Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận lấy về, hồi đó mới giải phóng. Nhiều ông nho xưa ra đọc nhưng không đọc được chữ khắc trên mộ. Hồi ấy làng Ngọc Lâm nhiều ông nho cố cụ lắm chứ. Nhưng đấy là họ biết chữ Nôm.

Khi tôi còn nhỏ, có một ông nho ra đọc những dòng chữ trên mộ. Tôi nhớ được mấy tiếng khi ổng đứng tại mộ đọc. Ổng tả rằng: “Không biết sau này hòn núi này còn những người đốn củi nữa không (tiều phu), không biết sau này còn những thuyền buồm đánh cá nữa không (vì trước đó không có vườn dừa trước mộ, nhìn xuống là biển cả mênh mông)… Ngày đó chiến tranh loạn lạc mộ mất mấy chữ, người ta mang kính lúp ra rọi, ổng lưu vào sổ. Ổng sưu tầm được chữ đó nằm ngay trong đó mới suông câu. Chân bia được chôn sâu lắm đó. Hồi có thời kì có người tới đào mộ để lấy báu vật vì ông là quan đại thần mà. Tôi nói thật, hai cái trụ trước mộ cụ Nguyễn Thông bây giờ vốn dĩ là ngày đó là 2 con lân. Thời Mỹ Ngụy, giặc nó nã pháo từ lầu Ông Hoàng xuống. Trái pháo trúng ngay con lân to, rền đất làm nứt luôn con kia. May mà có tôi nên hồi đó người ta không đào được mộ. Mộ chính là mộ cụ Nguyễn Thông. Mộ kế tiếp phía dưới có khi là vợ ông.

Bên ngôi mộ bị nghiêng trong khu mộ Nguyễn Thông
Bên ngôi mộ bị nghiêng trong khu mộ Nguyễn Thông

Còn mả nghiêng (hồi tôi còn nhỏ đã thấy nó nghiêng rồi) là con ổng, nghe nói đâu là bạn Bác Hồ, bạn thân đấy. Mình nghe mấy ông cụ nho ngày trước nói chứ sao mình biết được đó là bạn của Bác hồ. Mà tôi nghĩ chắc là vậy. Vì giải phóng rồi, không ai biết gốc tích của ổng. Sau trường Dục Thanh của mình đập ra xây di tích mới lòi ra chữ viết trong tường, rồi họ mới biết lần ra mộ ông đấy chứ. Ngày xưa người dân gọi mả ông là mả Bố, chắc là quan Bố Chánh đại thần, đời cổ lũy mà…”.

Mộ Doanh điền sứ Bình Thuận

Tin tưởng chúng tôi, ông Tám Vinh sau khi đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh khu mộ cụ Nguyễn Thông, mới quyết định đưa chúng tôi ra khu di tích mộ ông. Mộ Nguyễn thong được xây cất dưới chân núi Ngọc Sơn (núi Cố) và núi Nhỏ thuộc thôn Ngọc Lâm – phường Phú Hài – Phan Thiết. Xung quanh núi Cố có rất nhiều cây cối, chim chóc và dưới chân núi là biển cả mênh mông tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Khu vực mộ bây giờ được quét vôi màu vàng, hãy còn mới toanh, dưới sự trông coi của ông Tám Vinh nên rất sạch sẽ. Theo lời ông Tám Vinh thì bây giờ Nhà nước quản lí 6 cái mộ trong khu mộ Nguyễn Thông. Còn cái hốc ở trong bị cắt ngang để con cháu ông trông coi. Giờ Nhà nước cấm hẳn không cho chon ai trong đó, có chết phải chôn chỗ khác. Cấu trúc mộ sử lại cũng y như cũ, chỉ mất 2 ông lân thôi.

Quan sát, chúng tôi thấy ngôi mộ cụ Doanh điền sứ Bình Thuận Nguyễn Thông được xây dựng khá đơn giản và gần gũi. Mộ có chiều dài gần 9 mét rưỡi, rộng gần 6 mét rưỡi. Phần chính mộ đắp hình con lân như những ngôi mộ cổ của người đời xưa. Với vốn tiếng Hoa ít ỏi của mình, chúng tôi dịch được những chữ Hán được khắc trên mộ có tấm bia bằng đá, đó là bài văn bia do chính Doanh điền sứ viết, có nội dung na ná như lời ông Tám Vinh kể: “… Sau khi ta trăm tuổi rồi, hồn phách còn nhớ đến núi này chăng? Hay cuối cùng cũng về nơi không còn gì chăng. Điều đó không thể biết đến được. Còn như trăng biển, buồm của ngư phủ, chòi của gã tiều phu, vẽ lạ của khói mây thay đổi, hình thù của thuồng luồng cứ chập chờn ẩn hiện. Ngày sau cảnh đó có thể giúp cho khách tao nhân đến thưởng thức, du ngoạn…”.

Chỗ hai con lân ngay mộ bị đạn pháo nã trúng, giờ được thay bằng 2 cột bê tông đúc. Ngôi mộ phía tay trái từ cổng di tích bước vào, quả thật nghiêng hẳn sang một bên như ông Tám Vinh nói. Nhìn mấy ngôi mộ nhỏ bên cạnh mộ chính của cụ Nguyễn Thông, chúng tôi có thấy khắc chữ Hán là “Đại Phu” (bác sĩ), còn những dòng chữ phía dưới, không dịch được hết…

Theo sử sách thì Nguyễn Thông kết hôn với bà Ngô Thị A Thúy (còn gọi là Nguyễn Thị Tý) có hai con trai tên là Nguyễn Trọng Lỗi và Nguyễn Quý Anh và 3 cô con gái. Ngoài ra ông còn có 1 con trai và 1 con gái với người vợ nhỏ họ Đoàn. Nguyễn Trọng Lỗi là một chí sĩ yêu nước trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, có công xây dựng trường Dục Thanh học hiệu – nơi mà sau này Bác Hồ đã ghé đến dạy học (3/1919) trên bước đường vào Nam bôn ba tìm đường cứu nước.

Bia mộ Nguyễn Thông
Bia mộ Nguyễn Thông

Xung quanh khu mộ được trồng cây cảnh rất đẹp, nhìn vào khu lăng mộ Doanh điền sứ Bình Thuận bây giờ trông rất hoành tráng. Khu lăng mộ này đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1999. Tham quan khu lăng mộ, chúng tôi thật sự bồi hồi khi nhớ tới công lao của nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà giáo dục, nhà văn, nhà viết sử… Nguyễn Thông đối với dân tộc ta.

Truân chuyên đời chí sĩ

Thông minh, ham học nhưng Nguyễn Thông lại sớm mồ côi. Với sự nỗ lực vươn lên của mình, ông đã làm Tu Nghiệp Quốc Tử Giám. Khi Pháp xâm chiếm Nam Kì, ông cùng các sĩ phu nơi đây không chịu hợp tác và đi tị địa tại Bình Thuận. Cả cuộc đời mình, ông hết lòng lo cho nước, cho dân…

Ông sinh ngày 28/5/1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), có tên tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am. Cha ông là Nguyễn Hanh, người Tân Thạnh (tỉnh Gia Định), mẹ là Trịnh Thị A Mầu (Thừa Thiên).

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông

Tại tỉnh Long An, nơi ông sinh ra, có giải thưởng mang tên ông tổ chức 4 năm/lần. Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông được xét tặng thưởng cho cá nhân tác giả hoặc đồng tác giả gắn liền với một tác phẩm, công trình cụ thể về Long An.

Các loại hình văn học nghệ thuật được xét tặng thưởng bao gồm: Văn học, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, Điện ảnh truyền hình và Văn nghệ dân gian.

nguyen thong_Insert_TextNgày 27/12/2013 vừa qua, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ 4. Hội đồng xét thưởng đã chọn ra 15 tác giả trong đó có 01 tác giả ngoài tỉnh để trao giải nhằm tôn vinh sự cống hiến của các tác giả đối với sự nghiệp Văn học nghệ thuật của tỉnh nhà, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Nguyễn Thông có người em trai là Nguyễn Hài. Hai anh em hơn kém nhau 2 tuổi, từ nhỏ đã theo cha miệt mài đèn sách tại nhà. Khi ông tròn 10 tuổi thì mẹ bạo bệnh qua đời. 7 năm sau thì cha ông cũng mất. Gia đình ông từ đấy lâm vào cảnh khốn khó, do đó Thông phải bươn chải kiếm sống để lo cho cả nhà. Ham học nhưng chẳng có thầy giáo kèm cặp nên hai anh em phải tự học với nhau. Cho đến khi ông Nguyễn Nhữ Hiền được triều đình bổ nhiệm đến làm phủ ở Tân An thì hai anh em tìm đến xin thọ giáo.

Ông Tám Vinh trước mộ Nguyễn Thông
Ông Tám Vinh trước mộ Nguyễn Thông

Thời gian học thầy Hiền chẳng được bao lâu thì thầy lại bị điều về kinh đô. Năm 1849 (năm Kỷ Dậu, triều vua Tự Đức), Nguyễn Thông đã thi đỗ cử nhân, nhưng đến kì thi hội ông đã bị đánh rớt chỉ vì lí do là tập bài thi bị dính mực. Nhiều người đọc bài ông đã sửng sốt trước văn tài của ông nên họ khuyên rằng hãy cố gắng thi tiếp khóa thi tới.
Cũng bởi nhà nghèo nên Thông không thể tiếp tục sự nghiệp đèn sách được nữa và ông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong – tỉnh An Giang. Năm 1855, ông ra Huế, rồi sau đó một năm được thăng chức Hàn Lâm viện tu soạn, vào làm trong nội các, tham gia soạn sách “Nhân sự kim giám” (Gương vàng soi việc người).

Chí sĩ yêu nước

Khi Pháp xâm chiếm miền Đông Nam Kì vào năm 1859, Nguyễn Thông đã tình nguyện tòng quân và làm tham mưu đắc lực cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp, trông coi việc cơ mật. Đại đồn Chí Hòa bị thất thủ năm 1861, rồi tỉnh Biên Hòa cũng bị Pháp chiếm đóng. Sau khi chiến đấu ở trận Chí Hòa, cậu ông là Trịnh Quang Nghi cùng bạn là Phan Văn Đạt lại chiêu mộ nghĩa binh chống quân Pháp ở Gò Công và Tân An. Nguyễn Thông đã tham gia phong trào ấy. Phan Văn Đạt bị Pháp bắt giết, còn Thông may mắn thoát được. Năm sau cậu ông lại giúp Trương Định rất đắc lực trong chức Tham tán quân vụ.

Đến năm 1862, Pháp buộc ta phải nhượng 3 tỉnh miền Đông, nhờ cụ Phan Thanh Giản đề cử nên Nguyễn Thông được bổ nhiệm làm Đốc học Vĩnh Long. Tại đây ông vẫn giữ liên lạc với cậu, đồng thời vẫn liên lạc với các sĩ phu yêu nước, trong đó có những sĩ phu dời gia đình từ miền Đông sang. Cũng thời gian này, ông đã cho xây dựng lại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

Năm 1867, Pháp đã bức chiếm thành Vĩnh Long, ông và nhiều sĩ phu Nam Kì không chịu hợp tác nên đã tị địa ra tại Bình Thuận. Nguyễn Thông đã cùng chiến hữu bàn nhau việc điều tra, liên lạc với Biên Hòa, đồng thời cũng tích cực phát triển nghề nông, sản xuất lương thực lo kế lâu dài đánh Pháp. Chính ông đã tổ chức việc đi thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Ba Dầu (Bình Tuy), ghi rõ địa hình, địa thế khả năng khai hoang và vẽ rõ địa đồ. Sau đó, ông bị điều động đi Khánh Hòa, rồi ra Quảng Ngãi, Huế. Cuối 1867, ông làm Án Sát tỉnh Khánh Hòa và dâng sớ xin truy tặng tên thụy cho cụ Phan Thanh Giản và điều trần 4 vấn đề ích nước lợi dân nhưng bị triều đình Huế bác bỏ.

Năm 1870, Nguyễn Thông làm Biện lí Bộ hình rồi Bố Chánh Quảng Ngãi. Đặc biệt ở Quảng Ngãi trong 3 năm, ông đã làm nhiều việc có lợi ích cho nông dân, nhất là công tác thủy lợi. Cũng thời gian này, ông bị mang một nỗi oan án là bị tố cáo xử án thất xuất nên bị triều đình cách chức, bị tống giam vào ngục và bị xử trượng. Người dân và quân lính đều rất thương mến ông nên đứng ra xin quan Khâm sai Nguyễn Bính mới vào nhậm chức tại Quảng Ngãi xem xét lại tội trạng của ông. Có người còn tự nguyện đến tận kinh thành gặp vua kêu oan cho ông. Vua thương tình nên tha cho ông và cho điều tra lại mới hay vụ việc này là do tên cường hào Lê Doãn vu cáo ông.

Khuôn viên mộ Nguyễn Thông
Khuôn viên mộ Nguyễn Thông

Thời gian này, ông được triều đình chấp nhận 2 nguyện vọng, đó là: tổ chức trồng cây và định rõ việc học sử, xin ban cấp sách học các trường. Đến năm 1876, ông trở ra Huế làm Tu nghiệp Quốc Tử Giám. Ông cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dung Tân khảo duyệt bộ “Khâm định Việt sử cương mục”. và cũng nhân dịp về kinh đô Huế lần này, ông soạn bộ “Việt sử cương giám khảo lược”. Đồng thời ông dâng sớ và được chuẩn y việc khai khẩn vùng Tây Nguyên từ biên giới Campuchia đến Quảng Trị, thu nạp dân Nam Kì ra. Thế nhưng cuối cùng việc này đã bị quân Pháp phản đối nên triều đình Nguyễn ra lệnh bãi bỏ.

Năm 1880, Nguyễn Thông làm Phó sứ diễn nông kiêm Đốc học tỉnh Bình Thuận, ông còn bàn với những người đồng hương tị địa chính thức lập Đồng Châu Xã để họ có tổ chức tương tự làm ăn, sản xuất ổn định cuộc sống tại Bình Thuận sau khi chạy lánh từ trong Nam ra. Ông dựng một ngôi nhà nhỏ bên cạnh sông Phan Thiết (nay là khu vực di tích Dục Thanh), đặt tên là Ngọa Du Sào (Tổ nằm chơi) để đọc sách, làm thơ, trên vách có vẽ một số cảnh tiêu biểu mà đời ông trãi qua. Ông chính thức coi Bình Thuận là quê hương thứ 2 của mình. Năm 1884, Nguyễn Thông mất. Mộ ông được xây cất dưới chân núi Cố (núi Ngọc Sơn) thuộc thôn Ngọc Sơn – phường Phú Hài – thành phố Phan Thiết – Bình Thuận.