1. Hoa thược dược, hoa violet
Dù ngày càng xuất hiện nhiều loài hoa nhập ngoại đẹp, lâu tàn, nhưng nói đến hoa Tết, người Hà Nội hẳn ai cũng nghĩ đến hoa thược dược. Ngày xa xưa, khi các loại hoa chưa nhiều lựa chọn như bây giờ, dường như Tết đến nhà nào cũng có thấy một bình hoa thược dược, violet bày trang trọng trong phòng.
Cùng với thời gian, thược dược và violet dần có một vị trí đặc biệt trong ngày Tết. Sắc màu sặc sỡ vàng, đỏ, hồng của thược dược đi kèm sắc tím của violet vì thế đã trở thành một trong những biểu tượng chỉ nhìn thấy đã thấy Tết của người Thủ đô.
Có một thời gian thược dược và violet bị thay thế bởi nào ly, nào lan, nào hồng nhập khẩu. Nhưng thời gian gần đây, cữ sát Tết cứ nhìn các xe hoa ngoài đường phố thì thấy rõ rằng các loài hoa xưa từng bị quên lãng ấy đang trở lại rồi.
Quả thật dù có thể chẳng kiêu sa như các loài hoa mới nhưng cảm giác chộn rộn khi nhìn thấy một lọ hoa thược dược là điều hoàn toàn có thật. Một chiều đông đi trên phố vội, thấy xe hoa bên ly, bên phi yến có thêm dăm bó thược dược sắc màu, ấy là lúc mình tự nhủ với lòng “Tết đến gần lắm rồi”.
2. Mùi già xuống phố
Người Hà Nội có những phong tục rất riêng khi Tết đến. Một trong số đó là tắm lá mùi. Có lẽ vì thế theo thời gian mùi già đã trở một dấu hiệu nhận biết rất riêng của Tết Hà Nội. Cứ sát Tết, ra chợ, bên cạnh giò, thịt, bánh, mứt thế nào cũng phải có phải vài hàng bán mùi già mới đủ lệ bộ.
Có gì đâu, chỉ là một chiếc xe đạp phía sau chở đầy những mùi là mùi. Hoặc ở chợ lớn hơn, mùi già được bán kèm các loại lá thảo dược khác. Ấy thế trong hàng trăm quầy hàng long lanh, lung linh, đố ai đi qua gánh mùi mà không đi chậm lại hơn một chút để hít hà vị Tết. Càng sát Tết, mùi già càng được săn đón.
Bó mùi xanh mướt, điểm thêm hoa trắng, quả mùi chưa cần đun đã thấy thơm nức nở. Chẳng cần cầu kỳ, chỉ 1, 2 bó nhỏ giá 5 ngàn, 10 ngàn cũng đủ để cả nhà thật sảng khoái, thư giãn và cảm nhận trọn vẹn hơn về một năm mới đang đến gần.
3. Chợ đào, quất bắt đầu họp
Đào, quất vốn là những thứ vô cùng đặc trưng của Tết. Chúng đặc trưng đến mức nếu nói không có đào, quất không thành Tết thì cũng chẳng sai. Cứ ngoài rằm tháng Chạp, các chợ đào, quất của Hà Nội bắt đầu tấp nập. Nổi tiếng nhất phải kể đến chợ hoa Quảng Bá. Kế đó là các chợ chỉ Tết mới họp như chợ hoa hàng Lược hay khu đào quất ở Kim Ngưu, Tam Trinh.
Những ngày này, đi vào các chợ đào, chợ quất… bạn sẽ có cảm giác như lạc vào một nơi nào rất khác. Những con phố nhỏ cơ man là hoa đào, là quất với đủ loại từ cành nhỏ cho đến cây to, cây thế. Nhưng dù là cây lớn hay cây nhỏ thì cũng phải thừa nhận rằng, sắc màu của hoa, của trái làm tiết trời lạnh se sắt, nền trời bàng bạc của dịp sát Tết trở nên tình hơn hẳn.
Chừng từ 25 Tết, các chợ đào, chợ quất lúc nào cũng tấp nập. Người người, nhà nhà đi dạo, chọn cho mình một cành đào, cây quất ưng ý. Tiếng ồn ào hỏi han mặc cả, sắc hồng e ấp của hoa đào hay màu xanh – vàng từ những quả quất lúc lỉu cứ thế dần dần trở thành một tín hiệu không thể thiếu để người ta biết rằng, Tết đã về rất gần rồi.
4. Phố hàng Đường đông nghẹt
Trong khay mứt Tết của người Hà Nội, dẫu bánh ngon, kẹo ngọt đến đâu mà không có thêm hũ ô mai cũng khó mà trọn vẹn. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi bởi nếu đa phần các món ăn trong khay bánh kẹo đều ngọt sắc thì ô mai lại là tổng hòa của vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, cay cay. Như thế tính ra chẳng phải là làn gió mới trong khay bánh, mứt ngày Tết hay sao.
Chưa kể vị chua, cay hài hòa của ô mai cũng rất hợp để chống ngán. Bên tách trà nóng, nhẩn nha những viên ô mai chua chua cay cay, trải lòng trong những câu chuyện đầy hân hoan háo hức về một năm mới tràn hi vọng. Buổi gặp mặt đầu xuân lan tỏa niềm ấm áp lạ lùng.
Hà Nội có nhiều nơi bán ô mai nhưng nổi tiếng và nhiều nhất là Hàng Đường. Con phố này thậm chí còn được gọi là “phố ô mai” với những cái tên nổi tiếng như Tiến Thịnh, Gia Lợi, Gia Thịnh, Hồng Lam… Cứ đến dịp Tết con phố này lại càng nhộn nhịp, đặc biệt là thời điểm chiều tối, khách đến đông có khi nghẽn cả đường.