Theo tín ngưỡng, Việt Nam và Trung Quốc đều có tục thờ ông Công, ông Táo. Đây là những vị thần cai quản mọi việc trong gia đình, có nhiệm vụ chầu trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng về điều tốt – xấu trong năm của gia chủ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Dù có nhiều tương đồng, tục cúng ông Công, ông Táo về trời của người Việt Nam và người Trung Quốc vẫn có những nét khác biệt.
Thời gian làm lễ
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt tất bật chuẩn bị mâm cỗ, tiễn ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện lớn nhỏ của gia chủ. Một số gia đình có thể cúng sớm hơn từ 21 tháng Chạp nếu không thu xếp được thời gian. Người Việt cho rằng mỗi nhà phải làm lễ đón ông Táo trở về vào ngày 30 tháng Chạp (hoặc ngày 29 tháng Chạp, tùy theo lịch âm).
Trong khi đó, người Trung Quốc đa phần cúng ông Công, ông Táo từ ngày 23 tháng Chạp. Theo một số quan niệm, các gia đình quan chức sẽ cúng vào ngày 23, những gia đình bình thường sẽ làm lễ vào ngày 24 và 25 tháng Chạp. Người Trung Quốc đón ông Táo về nhà vào ngày 4 tháng Giêng.
Vị trí đặt đồ lễ
Người Việt thường làm lễ ngay ở ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân đặt trong bếp, tùy theo quan niệm của từng gia đình. Người Trung Quốc đặt lễ ngay trong nhà bếp, trước bức tranh hoặc tượng Táo quân dán trên bếp.
Mâm cơm cúng
Tại Việt Nam, các gia đình hiện nay có thể làm mâm cỗ mặn hoặc chay. Mâm cỗ mặn gồm gà luộc, một đĩa xào thập cẩm, một bát canh, nem rán,… Một số gia đình có thể cúng lễ đơn giản với bánh, kẹo và nước trà để Táo quân “ngọt giọng”, bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều hay.
Người Trung Quốc dâng mâm cơm cúng thịnh soạn tùy theo điều kiện và quan niệm của từng gia đình nhưng luôn có bánh tố Nian Gao (gạo nếp thắng đường và mật ong), kẹo mạch nha, bánh tiết lợn truyền thống. Người dân quan niệm những món ăn này giúp ông Táo báo cáo tốt về gia chủ. Đôi khi, họ bôi mật ong hoặc kẹo nha lên miệng của tượng Táo quân khi cúng.
Đồ lễ
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường có bộ mũ ông Công ba cỗ (hai mũ đàn ông có cánh chuồn và một mũ đàn bà không có cánh chuồn) kèm quần áo. Khi hương cháy hết 2/3, người ta có thể đem hóa vàng.
Để ông Táo về chầu trời, người miền Bắc thường cúng cá chép hoặc cá vàng còn sống, thả trong chậu nước với ngụ ý “cá hóa rồng” đưa ông Táo về trời. Sau khi cúng, người dân phóng sinh cá ra sông hồ. Người dân miền Trung có thể hóa thêm ngựa giấy. Người miền Nam chỉ cúng mũ, quần áo và cá chép giấy, những năm gần đây mới có thêm tục phóng sinh cá chép.
Trong khi đó, người Trung Quốc chỉ đốt bức tranh ông Táo dán trong bếp hoặc lau rửa tượng ông Táo chứ không hóa quần áo hay ngựa, thả cá chép. Họ sẽ thay một bức tranh ông Táo mới sau khi hoàn tất lễ cúng.