Thành phố Tuy Hòa nhỏ và ít dân nên chỉ đi vài vòng là hết phố. Men theo con đường chính ra biển là đến khu quảng trường. Ở đây, cả một khoảng không gian rộng dọc biển trở thành khu trượt patin của các bạn trẻ. Có đến 6 – 7 người cho thuê giày trượt, mỗi người có khoảng hai chục đôi giày. Tại đây cũng tập trung rất đông các bạn thanh niên đạp xe, chơi thể thao.
Chợ Tuy Hòa mở cửa từ 7h sáng đến 5h chiều với vài siêu thị trên đường Trần Hưng Đạo có thể xem là khu sầm uất nhất của thành phố. Các trục đường chính của Tuy Hòa khá nhỏ, bao gồm cả con đường Hùng Vương xuyên suốt từ đầu này sang đầu bên kia thành phố, chạy đến Vũng Rô đang được làm. Trong tương lai, nếu có đường này làm xong và chập lại chung với đường quốc lộ 29, sẽ có một đường biển dài tuyệt đẹp đến 40 km đến cực Đông Đại Lãnh.
Chuông nhà thờ điểm 6h tối, tôi lang thang tìm về nhà thờ chánh tòa Tuy Hòa, nơi có đông người dân đến hành lễ. Tháp Nhạn nằm gần quốc lộ 1A được xây dựng uy nghi trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi. Đây là một trong số nhiều công trình tháp cổ mà Vương quốc Chăm Pa hùng mạnh ngày xưa để lại, trên quần thể kiến trúc thuộc dãy đất miền Trung. Tháp là nơi thờ phụng thần linh, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Vào buổi tối, tháp Nhạn được thắp sáng trong ánh đèn, tuyệt đẹp. Từ trên tháp có thể nhìn được toàn cảnh thành phố Tuy Hòa.
Thời tiết tháng 10 se lạnh vào buổi tối với những cơn gió biển thổi không ngừng khiến bạn phải khoác áo len mỏng.
Nếu có ý định ở lại thành phố, bạn có thể tìm khách sạn trên đại lộ Hùng Vương, giá khoảng 250.000 đồng một phòng. Còn ăn tối, có thể ăn vịt hay bún khô trên phố Lê Lợi. Vì Tuy Hòa gần với Ninh Hòa vốn là nơi nổi tiếng về vịt nên ở đây cũng có nhiều quán vịt ngon. Nếu ăn chơi, bạn có thể chọn các món ốc ngon và rẻ bán vỉa hè trên đường Hùng Vương.
Khuya, tôi chạy xe lên cầu Đà Rằng hóng gió. Dòng sông Đà Rằng hiền hoà uốn lượn dưới chân cầu. Thành phố đêm nhấp nháy ánh mắt cười.