Bánh căn bánh xèo
Có thể đối với những người dân Ninh Thuận thì bánh xèo là món ăn quen thuộc trong đời sống ẩm thực hàng ngày. Nhưng với những du khách chỉ một vài lần đến thì đều có những ấn tượng hết sức đặc biệt. Họ rất ngạc nhiên nói rằng, sao ở xứ sở nắng nhiều hơn mưa này mà sản vật lại nhiều đến thế và người ta lại có thể chế biến được nhiều món ăn đến thế. Có những món ăn truyền thống bao đời và cả những món ăn mới cũng đều mang nét đặc trưng Ninh Thuận.
Những món ăn ở Ninh Thuận có thể ăn no mà không ngán, đậm đà hương vị của biển. Chẳng hạn như món bánh xèo mà tôi chợt nhớ tới đây. Bánh được đổ trong những chiếc khuôn làm bằng đất nung đặt trong một cái lò tròn (khoảng từ 4-5 khuôn).
Bánh không dùng nhiều dầu để tráng khuôn, lượng bột vừa đủ dày để tạo ra độ giòn mà không mất độ dẻo của chiếc bánh. Bánh được thêm giá tươi và đặc biệt là hải sản rất tươi ngon như tôm, mực. Nước mắm ăn với bánh xèo được pha với ít đậu phộng giã nhuyễn, hơi nhạt để có thể cho bánh vào ngập chén nước mắm mà không bị mặn. Cách ăn này không giống như những nơi khác (cuốn bánh xèo với bánh tráng và rau sống) khiến nhiều người không quen, nhưng ăn rồi mới thấy ngon.
Lạ một điều, các món ăn ở Ninh Thuận được ưa thích hầu hết là những món ăn rất dân dã, dễ làm, không cầu kỳ. Hàng quán cũng rất bình dân, thậm chí chỉ là một gánh hàng ở vỉa hè. Thế mà đông lạ. Bánh canh chả cá là món ăn rất phổ biến ở Ninh Thuận nên bạn có thể tìm thấy rất dễ dàng. Sợi bánh được làm bằng bột gạo, nước nấu bằng cá biển và người ta dùng cá này để cho vào tô bánh kèm với chả cá. Chả có hai loại chả hấp và chả chiên, chả vừa dai vừa mềm, vị ngọn của cá còn giữ đậm đà. Nước bánh được nấu với lửa riu riu nên rất trong, ít béo. Thêm ít hành lá, ít mắm dầm ớt cay, vắt tí chanh là bạn đã có tô bánh canh nóng hổi.
Một món ăn khác cũng độc đáo không kém đó là bánh căn. Bánh làm bằng bột gạo. Người ta thổi hồng lò than để khoảng 10-12 cái khuôn nhỏ bằng đất nung và đổ bột vào. Nếu khuôn nóng vừa đủ nhiệt độ thích hợp, sẽ có những bong bóng nổi lên trên làm chiếc bánh trở nên xốp và mau chín hơn. Bánh được thoa mỡ hành và cặp lại thành từng cặp. Có thể thêm trứng, tôm, thịt, mực trực tiếp vào bánh. Nước mắm ăn với bánh căn có nhiều loại như mắm nước, mắm đậu phộng, mắm nêm và nước cá. Mắm nêm được làm bằng nước mắm cái, thêm ít me, ít thơm (dứa), hoặc khế để tạo độ chua làm dịu đi vị mặn của mắm. Những lúc trời mưa nhẹ, đội nón lá ra hàng bánh căn ngồi quanh lò lửa hồng thấy ấm áp hẳn. Bánh căn không có dầu mỡ như bánh xèo vì thế ăn không ngán.
Dông, hải sản
Nói về đặc sản của Ninh Thuận không thể bỏ qua món dông. Đây là một loài bò sát sống ở những đụn cát đầy nắng nóng. Thịt dông thơm, mềm và có vị ngon ngọt. Người ta có thể ướp dông với sả và gia vị rồi đem nướng hoặc có thể làm món dông bằm xúc bánh tráng hay gỏi dông, lẩu dông lá me thật độc đáo và nhớ mãi.
Vùng biển Ninh Thuận là vùng nước trồi nên có nhiều loài hải sản phong phú như cua, ghẹ, mực, ốc giác, ốc hương, ốc nhung, sò lông, sò dương, sò điệp, hàu,… mà người ta có thể luộc, nướng, hoặc nướng với mỡ hành. Dạo qua gian hàng đặc sản khô, bạn sẽ hết sức choáng ngợp với nhiều loại khô như cá khoai, cá đuối, cá chỉ vàng, mực, tôm, vi cá… Hoặc bạn có thể mua những chùm hành, tỏi, hành tây vốn rất được ưa chuộng vì mùi vị thơm ngon của chúng. Những củ tỏi tròn, tép nhỏ, màu trắng trong, mùi thơm và vị hăng hăng rất đặc biệt. Một thứ nhớ đừng bỏ qua là rau câu (rong sụn) Phan Rang… Rau câu này đã được làm sạch, phơi khô. Khi dùng lấy ra ngâm nước cho nở ra, rửa lại sạch sẽ và nấu lên, cho thêm đường và múc vào chén, để nguội. Bạn sẽ có một món ăn ngon miệng và mát dịu. Hoặc chịu khó một chút có thể mua một vài chai nước mắm nhĩ, mắm nêm, mắm ruốc là những đặc sản nổi tiếng của Ninh Thuận.
Món ăn Ninh Thuận thể hiện nét văn hóa rất riêng của những người dân ở đây và thưởng thức món ăn đó, có thể khám phá được một khía cạnh nào đó của tâm hồn của họ: bình dị, gần gũi với thiên nhiên và chan hòa tình cảm cộng đồng.
Bún sứa
Quán nhỏ. Không bảng hiệu. Chủ quán cũng ít ai biết tên. Nhưng vì thị xã nhỏ. Và quán là duy nhất. Nên bạn chỉ dừng ở bất kỳ đâu ở nội thị và hỏi bất kỳ anh xe ôm hay chị công chức nào cũng đều được chỉ đúng nơi, đúng chỗ.
Đạt được sự nổi tiếng ở vỉa hè ấy là bà chủ quán phải trải qua hơn 10 năm chung thuỷ với món ăn này. Chỉ có những vòng khuấy và nêm gia vị, nước lèo hình như có “chuyên nghiệp”, điêu luyện hơn, vừa miệng khách hơn mà vẫn thể hiện được cái vị riêng không lẫn vào đâu.
Tháng 2 là mùa tạo sứa già. Bà chủ quán phải gửi mua hàng từ Nha Trang mang vào, con sứa già chắc và dày thịt, mỗi đốt sứa trong vắt như thể lõi cơm của trái chôm chôm, ngâm nước ấm, khi ăn, cho vào tô “đẳng cấp bún cá” cùng rắc chút hột đậu phộng rang, lập tức “tăng level”. Và cái “level” ấy chỉ đạt đỉnh khi sứa phải có chút mắm ruốc cộng với rau sống (có bắp chuối thái mỏng, sợi rau muống, xú-plơ…) trộn đều, cho ít ớt cay thái nhuyễn… ăn rất thấm. Và đó cũng là cách ăn bún sứa của người Phan Rang ở quán bà Hoà.
Những tháng còn lại trong năm, sứa hơi hiếm, nên chủ quán phải độn thêm ít sứa khô, một loại sứa được sản xuất ở Hà Nội theo công nghệ Đài Loan. Một phần sứa khô hai phần sứa tươi như là một bài tung hứng khá đẹp và tự nhiên trong bản nhạc dân gian bún sứa đa thanh. Cái cảm giác vị sứa giòn, hơi nồng lợ mùi biển ngọt tan dưới kẽ răng cùng vị hanh hanh của nó với mùi mắm tôm, đậu phộng rang “thơm cay nhức óc”… Với vị đậm của ruốc, bà chủ luôn chủ động phóng khoáng về lượng rau trong mỗi khẩu phần.
Khi được hỏi vì sao 10 năm rồi không mở rộng quán để kinh doanh lớn, bà Hoà xuề xoà: “Một mình một chợ. Vả lại nấu ít mà ngon là được rồi”!
Lưu ý, khi đến thị xã Phan Rang, có ý định ăn bún sứa quán bà Hoà (hay cô Kiều), thì bạn nhớ đi vào khoảng thời gian từ 15h đến 18h30. Ăn tô bún sứa ngon toát mồ hôi hột xong, có khi ai đó bảo rằng, bún sứa là món có gốc gác từ xứ xương rồng cát trắng, có khi bạn… đâm ra tin tưởng cũng nên!