Trekking là gì?
Trekking là một hình thức du lịch mạo hiểm. Người trekking chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất chính là đôi chân của mình. Phải đi bộ, thường thì phải tự mang vác đồ và đi vào rừng, núi, bản làng xa trung tâm không có phương tiện giao thông; mất nhiều thời gian, vất vả, lạc đường và thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.
Cung đường trekking Tà Nằng – Phan Dũng
Các trekker đánh giá đây là “cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam”. Cung đường này trải dài trên 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Cung đường dài khoảng 55 km và gần như đi bộ hoàn toàn.
Điểm xuất phát từ xã Tà Nằng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), điểm kết thúc là xã miền núi Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Cung đường là bước chuyển tiếp từ cao nguyên miền núi đến tỉnh duyên hải miền Trung.
“Cung Tà Năng này khỏi bàn cảnh vật như thiên đàng, đi cung này nên đi bộ còn xe máy rất là phê, nếu đi đúng mùa mưa thì bùn đất bám hết cả bánh xe, chạy không được…”, đây là chia sẻ của một bạn từng phượt trên cùng đường này.
Cần chuẩn bị những gì?
Xin thưa, có n thứ cần chuẩn bị cho chuyến đi tuyệt vời này. Quan trọng nhất là thể lực và các kỹ năng đi rừng. Trước chuyến đi bạn cần luyện tập thể dục – thể thao để nâng cao sức khỏe, trao dồi các kỹ năng sống và xử lý tình huống trong môi trường hoang sơ, xa khu dân cư và thậm chí là không có sóng điện thoại. Tập làm quen với việc sử dụng định vị GPS, tracklog,.. Trang bị nhiều là thế nhưng vẫn chưa đủ nếu bạn thiếu ĐAM MÊ, NHIỆT HUYẾT cho chuyến mạo hiểm này.
Một số vật dụng không-thể-thiếu:
– Nước uống: trung bình mỗi người cần mang theo tối thiểu 4 lít nước, bạn nào khỏe có thể mang thật nhiều nước đủ 2 – 3 ngày. Trong suốt chặng đường này thì bạn sẽ phải chấp nhận việc uống nước suối.
– Thức ăn: chú trọng vào các món gọn nhẹ nhưng giàu năng lượng như: mỳ tôm, phô mai, lương khô, xúc xích, cơm nắm,…
– Thuốc: tiêu chảy, đau đầu, dầu, viên C sủi,… kem chống nắng, kem chống muỗi,…
Vật dụng khác:
– Điện thoại, gậy tự sướng, pin dự phòng, túi chống ướt cho điện thoại
– Máy ảnh, túi chống ướt cho máy ảnh
– Đèn pin
– Diêm, quẹt ga, cồn khô, bếp cồn, giấy báo, bạc,…
– Lều (nên chọn loại chống mưa), túi ngủ, chăn mền, áo mưa,…
– Áo quần gọn nhẹ, co dãn tốt, mũ nón, khăn rằn,…
– Một số vật dụng cá nhân khác.
Cung đường đi Tà Nằng – Phan Dũng
– Bắt xe Phương Trang đi Đức Trọng, Lâm Đồng và nhớ dặn tài xế cho xuống ngã 3 Tà Hine. Từ Tà Hine bắt xe ôm và dặn người ta chở vào Toa Cát để đi bộ xuống Bình Thuận. Vì dạo gần đây các bạn trẻ đi cũng nhiều nên bạn không cần diễn giải nhiều thì anh xe ôm cũng hiểu bạn muốn đi đâu :).
– Bạn sẽ đi qua chợ Đà Loan, có thể ghé chợ ăn uống, mua nước và thức ăn mang theo. Đi thẳng sẽ vào thôn Toa Cát, từ đây bạn sẽ bắt đầu công cuộc đi bộ khám phá thiên đường Tà Năng – Phan Dũng. Let’s go!!!
– Vì chỉ có một con đường nên bạn cứ đi thẳng trên con đường mòn khá lầy lội. Bạn sẽ băng qua làng, vườn cà phê, cánh đồng,… quang cảnh hết sức mộc mạc, giản dị. Selfie ngay vì lúc này đang còn khỏe nhé!
Khi băng qua hết cảnh làng quê thì bắt đầu cái cảnh “thử thách lòng người”, những ngọn đồi liên tiếp nhau, ngọn này cao hơn ngọn kìa, đường đi bắt đầu khó khăn hơn. Trên đường đi bạn sẽ bắt gặp những anh chàng dân tộc đi rừng, họ khá thân thiện và nhiệt tình chỉ đường cho bạn. Bạn sẽ phải tròn xoe mắt với khả năng chở những khúc gỗ to vượt đèo trên những con xe “độc – lạ”.
– Sau khi vượt qua ngọn đồi cao nhất bạn sẽ bắt đầu đi xuống dốc và gặp con suối. Tranh thủ lấy nước ở đầu nguồn nhé!
– Trời chẳng phụ lòng người, qua bao nhiêu vất vả thì toàn cảnh những ngọn đồi cỏ xanh mướt hiện ra trước mắt. Hết sức yên bình, hết sức thơ mộng. Kể mà có “gấu” ở đây thì thích biết bao. Cảnh đẹp, nắng đẹp tha hồ mà chụp ảnh nhé!
Đến ngã 3 thì rẻ phải đi về Phan Dũng (Bình Thuận), rẻ trái đi về thác 7 tầng và thác Yaly. Theo lịch trình thì chúng ta rẻ phải nhé! đi thẳng đến ngọn đồi thoai thoải cuối cùng và bắt đầu cắm trại, nấu nướng và qua đêm tại đây.
– Đến sáng, chỉ cần theo đường mòn lớn (đa phần xuống dốc) khoảng nửa tiếng nữa thì sẽ gặp suối nhỏ, có thể lấy thêm nước. Từ đây thì cứ men theo đường mòn sẽ gặp rất nhiều mạch nước, suối nhỏ.
– Quãng đường tiếp theo vẫn theo các lối mòn, không còn những quả đồi nữa mà là rừng thưa và trúc bụi, cỏ tranh cao ngang hông. Đi thẳng đến được đường lớn xuyên rừng. Từ đây đã có sóng điện thoại để gọi các anh ngoài ủy ban xã Phan Dũng vào đón (150.000 đồng/người) hoặc đi bộ khoảng 4 km nữa.
Khi ra đến Phan Dũng thì bạn có thể bắt xe bãi biển Cổ Thạch tắm táp, ăn uống. Sau đó nghỉ ngơi và bắt xe về Sài Gòn.
Thông tin cần thiết:
– Xe Phương Trang – Bảo Lộc (giường nằm): khoảng 220.000 đồng/người.
– Anh Sơn – xe ôm Tà Hine: 01634437939.
– Suntaxi đi từ Phan Dũng về chùa Cổ Thạch (bãi đá Cổ Thạch): (062) 3 645 645
Chúc các bạn có 1 hành trình chinh phục cung đường Tà Nằng – Phan Dũng thành công!