Xem thêm:
Bò một nắng
Bò một nắng là đặc sản riêng có của Pleiku, mặc dù món ăn này bắt nguồn từ huyện KrongPa – huyện cuối cùng của tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với các tỉnh Nam Trung Bộ. Để có bò một nắng ngon, người ta phải chọn loại bò thả rông trên núi, quanh năm chỉ ăn cây cỏ. Bò được chăn thả tự do, hoạt động nhiều sẽ cho thịt ngọt và săn chắc. Thịt bò sau khi làm sạch được thái miếng to cỡ bàn tay, ướp cùng các gia vị, gừng, xả để làm giảm mùi hôi của thịt bò. Phần ướp thịt là khâu quan trọng nhất, mỗi gia đình lại có những bí quyết riêng để làm cho món ăn ngon hơn. Sau đó miếng thịt được đem phơi qua một nắng cho se lại.
Khi dùng, thịt bò được đem nướng trên than hoa cho tới khi chín tới. Nếu nướng quá lâu sẽ làm mất vị ngọt và độ tươi của thịt bò, làm chúng dai hơn. Bò một nắng ngon nhất là khi chấm cùng muối kiến vàng lá é. Kiến vàng sống trên những cây cao trong rừng, người dân địa phương tìm bắt cả tổ kiến, đem về rang nhanh trên chảo nóng rồi trộn cùng lá é và muối. Loại muối này có mùi thơm đặc trưng của lá é, vị beo béo của trứng kiến càng làm cho bò một nắng thêm đậm đà.
Bún mắm cua
Thoạt đầu nghe tên món ăn này, người ta dễ liên tưởng nhầm đến món bún mắm của miền trung. Bún mắm cua là món ăn được người Bình Định đem tới phố núi trong cuộc khai hoang lập nghiệp và dần trở thành đặc sản của mảnh đất này. Nếu người Hà Nội có bún đậu mắm tôm thì người Pleiku cũng có bún mắm cua. Hai thứ bún đậm mùi khiến những người chưa quen khó lòng dám ăn thử. Vậy nhưng đã ăn rồi là dễ nghiền.
Những con cua đồng được rửa sạch,bỏ mai, giã nhuyễn, lọc lấy nước rồi cho thêm chút muối để ủ kín qua đêm cho đủ độ chua. Sau một đêm, thứ nước cua ấy có mùi rất khó ngửi nhưng lại được những người đầu bếp thích mê. Họ trưng thứ mắm ấy cùng hành phi thơm phức, nước cua sánh lại nâu óng. Thịt ba chỉ, nem chua, chả giò được xào cùng nhau cho vừa miệng. Bún trụng qua nước xôi rồi trộn đều với những thức trên cùng mắm cua. Vị nồng đậm của món ăn tỏa ra ngay khi vừa ghé mũi. Thêm chút ớt cay cay và chanh chua càng khiến bún mắm cua hấp dẫn hơn.
Phở khô
Phở khô Gia Lai đã trở thành thương hiệu của phố núi, theo những người con xứ này tới mọi miền. Món ăn đơn giản, vị thanh và hợp khẩu vị nhiều người. Gà ngon được luộc chín, xé lấy phần thịt rồi xương và những phần cổ cánh tiếp tục được cho vào ninh nước dùng. Hành khô phi vàng tới cùng thịt băm đã nêm nếm gia vị. Trụng bánh phở khô vào nước xôi rồi bỏ ngay ra tô cho khỏi nát. Người nấu cho thịt băm và hành phi lên trên, rau sống, giá đỗ ở dưới. Thêm một tô nước dùng bỏ chút rau mùi là có ngay món phở khô rất lạ miệng.
Phở khô không cầu kì trong cách chế biến. Hương vị thanh tao, vừa phải, ngọt thơm lắng đọng dần dần.
Cơm lam gà nướng
Cơm lam ở Pleiku có cách nấu không khác nhiều so với cơm lam ở những nơi khác. Loại nếp nương thuôn dài, hạt nhỏ nhưng thơm và chắc được nấu trong những ống tre, nứa khi chín cho mùi thơm ngai ngái.
Gà đồi săn chắc được tẩm mật ong, xả ớt cùng gia vị rồi kẹp vào thanh tre, nướng cho tới lúc chín vàng ươm. Thịt gà thơm nức ăn cùng miếng cơm lam dẻo ngọt, chỉ riêng hai thứ ấy đã khiến người khách phương xa thêm yêu quý ẩm thực phố núi Pleiku.
Lụi nướng
Lụi nướng là món “ăn chơi” dân giã của người Gia Lai nhưng không thể thiếu trên đường phố mỗi dịp đông đến. Lụi thực chất là những xiên nướng. Phần nhân bên trong gồm thịt xay cùng nấm mèo, cuộn bên ngoài bằng lớp vỏ bánh tráng. Lụi được nướng trên than hồng, vỏ bánh thì giòn tan còn nhân bên trong lại mềm mại, nóng hổi quyện vào nhau. Điểm đặc biệt là người Gia Lai ăn lụi chấm kèm tương me hoặc tương đậu đậm đà. Trong cái lạnh tái tê, ăn vài xiên lụi nướng ven đường quả thực không còn gì hợp hơn.