Đồng Tháp: Tìm về chốn thanh tịnh, ngắm loài sen quý Nam Mỹ

Tại chùa Phước Kiển (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) có một loài sen khổng lồ, có đường kính lớn có thể chịu sức nặng đến 80 kg.

521

Xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) là một xã vùng sâu, từng là căn cứ kháng chiến trước đây, nằm cách thị trấn Nha Mân hơn 15 cây số. Ngôi chùa nhỏ tên Phước Kiển thuộc xã Hòa Tân có một loài sen rất lạ chưa từng có ở đâu. Loài sen cũng được đặt cho nhiều cái tên khác nhau theo cách nghĩ của từng người: Sen Vua, sen nia, sen nong tằm… bởi không ai biết tên thật của sen là gì.

Loài sen lạ với lá to và hoa đổi màu

Dừng xe ở trung tâm chợ xã Hòa Tân, qua một cây cầu ván rồi cặp theo mé kênh đi ngược lại gần một cây số mới đến chùa Phước Kiển. Ấn tượng về hàng dừa cong cong cao vút, rợp mát đã làm dịu cơn nắng rát bỏng như một mâm tiệc lửa mà trời đất đãi đằng trên đầu. Chùa Phước Kiển là một ngôi chùa khá khiêm tốn nhưng lại thu hút rất đông du khách do có lưu tích của hạc, rùa quy y và đặc biệt là có loài sen lá to nổi tiếng. Người dân ở đây thường nói về loài sen lá to, người leo lên đứng cũng được. Tới nơi, hiện ra là một cái ao nhỏ trước cửa chùa và một ao khá rộng bên hông sau, loài sen lạ mọc, nở hoa, lá sen khổng lồ như những cái nia to cong vành gần cả tấc tay rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, sẽ hồ nghi rằng, bên dưới lá sen nia khổng lồ, chắc là có sắt thép chống đỡ nên người nặng trên 50 cân mới đứng trên được.

dong-thap-tim-ve-chon-thanh-tinh-ngam-loai-sen-quy-nam-my-5
Loài sen Victoria Regia với lá có đường kính lớn có thể chịu sức nặng đến 80 kg.
Năm 1998, ao khô cạn nước làm chết sạch các loài sen, súng đang trồng. Nhưng không ngờ, năm sau khi nước lên, sen lạ lại mọc và nở hoa. Hoa sen lạ này mới nở có màu trắng, sau 12 giờ trưa hoa đổi sang màu hồng và chỉ nở trong 2-3 ngày thì tàn. Nhiều nhà khoa học đã đến Phước Kiển tìm hiểu song chưa tìm ra câu trả lời về nguồn gốc của loài sen lạ kia. Có giả thuyết rằng vùng Hoà Tân thời chiến tranh chịu nhiều bom đạn chất độc hoá học nên sen thường đã bị biến đổi gen thành sen nia to lớn dị biệt, nhưng chưa được các nhà khoa học xác định nên gốc tích của loài sen này vẫn còn trong vòng nghi vấn.

Hòa thượng Thích Huệ Từ (trụ trì chùa Phước Kiển) cho biết: Năm 1992, sư phát hiện dưới ao xuất hiện loài sen lạ xen lẫn với đám bông súng. Thấy vậy, nhiều người hiếu kỳ đến xem. Họ không biết tên thật của loài sen này là gì nên nhìn vào hình dáng của lá mà gọi là sen vua, sen nia hay sen nong tằm… Lá sen hình tròn, trụ trì cho xây ao hình vuông nhằm biểu trưng cho trời và đất. Cái tên chùa Lá Sen cũng ra đời từ đó. Thoạt nhìn lá sen vua tương tự lá súng được phóng to hết cỡ. Vào mùa nước nổi, sen được thỏa thích uống nước nên lá rất to, có khi đường kính lên đến bốn mét, mép lá uốn cong khoảng 5cm trông giống hệt một cái nia lớn. Mặt trên của lá có màu diệp lục, xếp chồng nhau như hình vảy ngói âm dương tựa vảy con rồng xanh, mặt dưới màu nâu đỏ rất nhiều gân to và gai nhọn. Lớp gân và các “khung xương” nằm dưới to và dày bằng hai lóng tay tạo nên kết cấu khá vững chắc. Thân và mặt dưới lá có rất nhiều lông và gai nhọn. Hạt sen nhỏ như hạt đậu ván, mềm ăn khá ngon nên thổ dân da đỏ vùng sông Amazon gọi là “ngô trong nước”. Vì cẩn thận, đảm bảo an toàn cho khách nên nhà chùa hạn chế lượt khách muốn xuống ngồi lá sen chụp ảnh, quay phim. Theo tài liệu thì đây là loài sen Victoria Regia mọc rất nhiều ở khu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Có người đã nhìn thấy sen này lần đầu tại công viên Thực vật Tây An – Trung Quốc, được mang từ Paraguay sang dự triển lãm quốc tế về các loài hoa.

dong-thap-tim-ve-chon-thanh-tinh-ngam-loai-sen-quy-nam-my

Những chiếc lá sen có hình dáng giống những chiếc nia trên mặt nước.

Hai linh vật quy và hạc của ngôi chùa Lá Sen

Ngoài chuyện sen lạ, chùa Phước Kiển còn hai linh vật khác rất được khách thập phương mến mộ là quy và hạc. Nói theo kiểu nhà Phật, cả hạc lẫn rùa đã được siêu thoát, hiện nay không còn ở chùa nữa. Chuyện kể lại như giai thoại. Có lần, tên Mười Phu, trung đoàn trưởng quân ngụy đóng bên kia sông nghe tin chùa có con quy rất khôn, bèn dắt lính mang súng sang “thử thách”. Mười Phu nói với thầy trụ trì: “Nghe nói ông có con quy rất khôn, giờ ông bồng nó ra trước sân chùa, nếu nó bò ngược trở vào chùa được thì tui đi. Nó bò lệch đường, tui bắn bỏ, đem về làm mồi nhậu chơi”. Thầy kể là lúc nghe tên Mười Phu nói thế, thầy cũng ngại vì không biết quy thông minh đến mức nào. Nhưng tình thế không cho phép thầy làm khác. Quy được mang ra sân chùa, khi đặt quy xuống đất, rất chậm rãi, quy ngước đầu nhìn xung quanh rồi chậm chạp bò vào chùa trước những cặp mắt mở to của bọn lính. Chưa bằng lòng, Mười Phu hạ lệnh cho tên đàn em bắt quy mang ra tận mép sông để thử lần nữa. Lần này, hắn cẩn thận bảo đàn em đắp một con đường bằng bùn dẫn xuống sông với hy vọng quy lâu ngày sống trên cạn, sẽ nhớ nước mà bò theo hướng khác. Ngờ đâu, quy vẫn lặng lẽ quay đầu bò vào chùa. Thấy vậy, tên Mười Phu văng tục rồi dắt lính vượt sông đi về. Nghe đâu, trước khi đi, hắn còn đốt nhang khấn xin trời phật tha tội vì lỡ nói lời xúc phạm linh vật.

Quy ở trong chùa đến năm 1999 thì có bạn. Bạn quy là con hạc được một người dân gần đấy bán cho thầy trụ trì với giá 3,1 triệu đồng. Thầy trụ trì mua hạc với ý định sẽ cắt dây phóng sinh. Ngờ đâu, khi cắt dây, hạc chẳng đi đâu mà chỉ sống quấn quýt trong chùa. Hạc rất hiểu tiếng người. Thầy bảo hạc bay là bay. Bảo vỗ cánh là vỗ cánh. Bảo che sương là lập tức xòe cánh che ngang đầu thầy khi kinh kệ. Tiếng đồn về hạc lan nhanh còn nhanh hơn cả gió. Ngay ngày hôm sau, nhiều lượt người kéo vào chùa để xem hạc đứng trên lưng quy nghe thầy tụng kinh. Tiếc thay, hạc ở chùa không lâu. Vài tuần sau, hạc bỏ chùa mà đi. Hình như là có lệnh mang hạc về Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã gì đấy. Hạc đi ít lâu, quy cũng mất. Thầy trụ trì tiếc cả hai con vật thông minh, bèn ướp xác quy, đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Trên mai quy còn khắc năm vào chùa và ngày mất 1948 – 29/7/2002.

Loài sen quý của Nam Mỹ đã mọc và sinh sôi nảy nở tại vùng đất Châu Thành – Đồng Tháp, do có quá nhiều yếu tố huyền thoại, mê tín nên không gây sự chú ý của giới khoa học và du khách gần xa. Nếu được quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể sẽ nhân giống sen lạ này trồng được nhiều nơi khác. Có dịp đến Đồng Tháp, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Phước Kiển Tự, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.