Xem thêm:
Quần thể tháp Chăm nằm trọn vẹn trên ngọn đồi Trầu, nằm sát quốc lộ 27A đi Đà Lạt và cách Thành phố Phan Rang Ninh Thuận khoảng 7 km về phía tây.
Di tích tháp Po Klong Garai là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để thờ vua Po Klong Garai, vị vua có công lớn trong việc khai thông hệ thống thủy lợi cho vùng đất này.
Cổng chính đi lên tháp với kiến trúc mái vòm độc đáo. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII để thờ vị vua Chăm trị vì vùng Panduranga (Ninh Thuận ngày nay); ông tên là Po Klong Garai (1151 – 1205).
Tháp chính thờ tượng vua PoKlong Garai, tháp gồm một cửa chính ra vào hướng Đông, phía trên cửa là mái vòm, có 2 trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc tiếng Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa 6 tay.
Tháp cổng ở phía Đông và tháp Thần Lửa chếch ở phía Nam có mái hình thuyền. Ở mỗi tầng, mỗi cạnh và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với hình người, hình đuôi rồng, hình bò thần, hình lá…
Tháp Chăm Ninh Thuận đã đạt tới trình độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, dung hoà được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, khiến chúng khác biệt với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng.
Hằng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chăm, đồng bào Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Po Klong Garai.