Xem thêm:
Đại Lộc là miền trung du của tỉnh Quảng Nam, nơi tiếp giáp với chân của rặng Trường Sơn hùng vĩ nên địa hình có nhiều sông, ao, hồ, khe, suối, đầm, bàu, hói,… là địa bàn lý tưởng cho loài thủy sản, nhất là loài lươn sinh sống.
Đặc biệt, nơi đây có nhiều lươn vàng, có thịt thơm, ngọt, giòn với hương vị đậm đà, bổ dưỡng nên thịt lươn trở thành sự lựa chọn trong nhiều món ăn của người già và trẻ con.
Món mì lươn được các bà mẹ quê vùng Đại Lộc chế biến như sau: Chọn mua lươn vàng ở đồng còn sống, lớn hơn ngón tay cái, đem về bỏ trong xoong, cho vào một vốc muối và đậy nắp vung lại mang xóc, lắc.
Khoảng 10 phút sau lươn chết, mang ra lấy vải nhám và nước cốt chanh vuốt cho sạch nhớt, rửa sạch cho vào nồi nấu với một ít nước khoảng 5 phút cho lươn vừa chín tới mang ra gỡ lấy thịt (bỏ xương, đầu và gân máu) ướp với nghệ tươi, tiêu, ớt, nước mắm, mì chính.
Khử dầu ăn với tỏi cho thơm, đổ thịt lươn đã ướp vào xào nhẹ khoảng 5 phút thì cho thêm nước sôi đủ dùng vào nấu tiếp cho đến khi lươn chín trở thành nồi nước nhưn thơm ngon.
Muốn ăn, cho vào tô các loại rau: bắp chuối, xà lách, tần ô, ngò, cải non mới hái trong vườn, trên rau là trải mì vừa mới đúc, còn hơi âm ấm, vừa dẻo vừa thơm mùi dầu phụng thứ thiệt.
Sau đó chan nước nhưn lên trên, không quên rải thêm trên tô mì hành lá xắt khúc ít đậu phộng rang giã giập, bánh tráng nướng giòn bóp nhỏ kèm theo một trái ớt sừng trâu “tổ chảng”.
Màu vàng “bắt mắt” của lươn, màu xanh của rau sống, màu trắng của mì cùng với mùi thơm của tô mì lươn nóng hổi bốc lên nứt mũi, phảng phất mùi “hương đồng cỏ nội”, của một vùng trung du xứ Quảng, ai đã một lần thưởng thức, chẳng thể nào quên.