Du lịch tiết kiệm
Không phải các chuyến du lịch sang chảnh, mà chính những bài chia sẻ làm sao để tiêu thật ít tiền mà vẫn có một chuyến đi thú vị mới là cơn sốt của năm nay. Những cụm từ như “đi Lý Sơn hết 3 triệu đồng một người”, “đi châu Âu hết 42 triệu đồng” hay “chuyến đi Phượng Hoàng cổ trấn hết 6 triệu đồng”…từng gây bão không chỉ trong cộng đồng phượt thủ, mà còn với đông đảo người đọc suốt năm qua. Dường như bài viết nào muốn hot cũng phải gắn với giá tiền mới đủ sức thuyết phục.
Mỗi bài chia sẻ này đều ghi lại rất tỉ mỉ các khoản chi phí từ vé máy bay, tàu hỏa, phòng khách sạn… đến những thứ lặt vặt hơn như đi taxi thế nào cho rẻ, ăn ở đâu có giá cả bình dân, hoặc các chiêu chia tiền với người khác để giảm chi phí.
Đa phần bài viết nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người đọc, bởi giá cả rẻ hơn đã biến nhiều giấc mơ “ngao du sơn thủy” trở nên thực tế hơn, đặc biệt là những điểm đến nước ngoài.
Tuy vậy, có không ít bài bị cho rằng cách đi như vậy quá “keo kiệt” hay “khổ sở”, không còn cảm nhận được vẻ đẹp của nơi đến do chi phí nghèo nàn. Thậm chí, một số bài viết còn bị “ném đá” tơi bời như bài viết đi châu Âu hết 42 triệu đồng của cô nàng DJ Yuu khi bị cho rằng phi thực tế.
Đi và chia sẻ kinh nghiệm
Có lẽ chưa bao giờ phong trào viết review du lịch lại hot như năm nay. Mọi người có xu hướng đi và chia sẻ nhiều hơn. Có vô số bài viết về đủ các địa điểm trong nước và ngoài nước, từ nổi tiếng đến xa xôi hẻo lánh được cộng đồng chia sẻ.
Nhiều bài viết rất dài và chi tiết, chẳng kém gì của một blogger du lịch thực thụ, có người vừa đi vừa cập nhật rất chuyên nghiệp. Có cả những bài review bằng hình ảnh, video, livestream sinh động, phản hồi với người xem ngay tức thì. Không ít trong số này có lượt yêu thích và chia sẻ lên tới hàng chục nghìn lượt, và chủ nhân của các bài viết bỗng nhiên nhận được số người theo dõi lớn chỉ sau một đêm. Nhờ kho bài review phong phú nên giờ đây, nhiều người có thói quen tìm các bài viết dạng này trước mỗi chuyến đi, thay vì đọc thông tin du lịch khô khan và không đầy đủ như trước đây.
Các điểm đến lạ tai.
Với những người yêu thích du lịch khám phá đất nước, năm vừa qua, bạn đã bổ sung cho mình thêm nhiều điểm đến mới lạ. Thay vì đi những nơi đã trở thành kinh điển trong các tour du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt… năm nay, bạn được chứng kiến sự lên ngôi của nhiều địa điểm đẹp như chốn thần tiên mà xưa nay ít người khám phá.
Nổi bật nhất là Quy Nhơn và Phú Yên. Hai điểm đến này “làm mưa làm gió” suốt mùa hè với những bãi tắm hoang sơ, các hòn đảo chưa được biết tới nhiều trên bản đồ du lịch… Quy Nhơn nổi tiếng với đảo Kỳ Co, Eo Gió, bãi Trứng… còn Phú Yên trở thành thương hiệu với tên gọi “xứ hoa vàng cỏ xanh” bởi rặng xương rồng xuất hiện trong bộ phim đình đám, ghềnh Đá Đĩa… “Hàng xóm” của hai tỉnh này là Khánh Hoà cũng trở nên nổi tiếng hơn với con đường giữa biển ở Điệp Sơn.
Ngay cả ở những điểm đến quen thuộc, các phượt thủ cũng tìm cách trải nghiệm nó theo cách rất mới mẻ, nổi bật nhất là Đà Lạt. Nếu như trước đây nhắc đến thành phố hoa, bạn chỉ biết những nơi tham quan như hồ Xuân Hương, thác Prenn, thung lũng Tình Yêu… thì nay, người ta đến Đà Lạt để trải nghiệm vô số điểm đẹp mĩ mãn như đồi cỏ tuyết hồng, cây cô đơn, trang trại bò sữa, đồi Thiên Phúc Đức, vườn dâu… chẳng khác gì trời Âu.
Thuê homestay thay vì khách sạn
Khi đã chán với các khách sạn sang trọng, dịch vụ “trang bị tận răng” thì những người mê dịch chuyển lại chuyển sang một loại hình mới. Đó là các khu homestay nhỏ xinh, thiết kế với tính thẩm mỹ cao.
Với nhiều du khách, những chuyến du lịch không chỉ mang ý nghĩa tham quan, khám phá hay tìm hiểu mà đây còn là thời gian để họ tìm về một nơi yên tĩnh, “trốn” cái ồn ào, xô bồ của thị thành, sống những ngày tháng thư thái nhất.
Cũng vì lý do này mà thời gian gần đây, nhiều chủ nhà nghỉ đã đầu tư, bố trí căn hộ cho thuê của mình một cách kỹ lưỡng, thậm chí mời kiến trúc sư chăm lo phần nội thất. Nhà nghỉ lúc này đã vượt xa khỏi khái niệm “chỉ là nơi để ngủ”, mà đẹp chẳng kém gì một quán cà phê hay studio nghệ thuật.
Nhiều bức ảnh được đăng trên Instagram được các bạn trẻ săn lùng, hay bộ ảnh cưới đẹp ngỡ như ở nước ngoài thực chất đều được thực hiện ngay tại các khu nghỉ homestay. Và Sa Pa và Đà Lạt là những nơi loại hình này “nở rộ” nhất trong năm vừa qua với các cái tên như Là Nhà, Nhà của Tre, Le Bleu, Phơri’s House… hay khá nổi thời gian cuối năm là Nhà Gió, nơi bạn không mất tiền thuê nhà mà làm vườn để trả phí ở.
‘Đi trốn’ giữa núi rừng
“Đi trốn” là cụm từ khá hot năm nay, đó là cách nói ám chỉ những kỳ nghỉ tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Thậm chí, người ta sẵn sàng chấp nhận sự thiếu thốn đôi chút về điều kiện sinh hoạt, cách di chuyển khó khăn để mong tìm được nơi riêng tư nhất.
Năm nay, ngoài du lịch biển, những người mê du lịch còn thích thú trải nghiệm các không gian ở ẩn giữa núi rừng. Khá nhiều khu nghỉ được xây dựng trên các ngọn đồi, trong thung lũng để du khách có thể thức dậy giữa phong cảnh thiên nhiên núi rừng trong lành. Ưu điểm của nó là bạn gần như có thể đi nghỉ quanh năm, khác với du lịch biển chỉ được vài tháng nhất định.
Sa Pa, Ninh Bình, Thanh Hóa là những nơi có nhiều những khu nghỉ kiểu này. Pù Luông Retreat ở Thanh Hóa từng gây bão một thời gian, Chezbeo Valley Bungalows ở Ninh Bình lại đưa bạn vào không gian như trong các phim kiếm hiệp. Còn nếu đến các khu nghỉ ở Sa Pa như Eco Palms House, Topas Ecolodge, The Haven Sapa Camp Site, bạn sẽ được thả hồn vào núi đồi trùng điệp, hay đón bình minh trên những ruộng bậc thang.