Vẻ đẹp hoang dã
Công viên quốc gia Serengeti có diện tích 14.763 km2, với những thảo nguyên bát ngát, đồng cỏ bạt ngàn, cánh rừng rậm rạp, những bãi đầm lầy là nơi sinh sống của vô số những loài thực vật quý hiếm trên thế giới như: cây xúc xích (Sausage tree), cây đa bóp cổ (Strangle Fig), cây cọ (Wild Date Palm)… Đến với công viên quốc gia Serengeti, du khách sẽ được tận mắt trông thấy 5 loài động vật to lớn như: sư tử, báo, voi, tê giác, trâu rừng và 5 loài động vật bé nhỏ là chim sâu trâu rừng, chuột chù voi, rùa báo, kiến sư tử, bọ cánh cứng tê giác nổi bật của châu Phi.
Vào khoảng tháng 2 hàng năm, tại Serengeti lại diễn ra cuộc di cư khổng lồ của hàng chục ngàn con linh dương đầu bò. Từng đàn linh dương, ngựa vằn kéo thành hàng có khi dài đến 50 km, sinh sống trên dải đất dài 800 km theo chiều dài Bắc Nam để kiếm ăn theo mùa. Linh dương bơi chậm, chạy không nhanh. Trên đường đi chúng là mồi ngon cho cá sấu và sư tử. Để bù đắp lại điều đó, linh dương có sức sinh sản rất nhanh. Linh dương mẹ chỉ mang thai trong 3 tháng. Sau khi sinh ra được 7 ngày, linh dương con đã đứng vững và đi theo mẹ. Con nào yếu ớt không đứng vững thì bị bỏ rơi và cả đàn cứ tiếp tục hành trình.
Điểm đến của người yêu thiên nhiên
Đồng bằng Serengeti tồn tại một số vùng đồi núi thấp hình thành từ đá granite và đá gneiss. Địa hình này là kết quả của những vận động núi lửa, đồng thời cung cấp tiểu sinh cảnh cho hệ sinh thái phi đồng cỏ. Một trong số các đồi thấp được các du khách vô cùng yêu thích khi đến Serengeti là mỏm Simba (Mỏm Sư Tử). Ở giữa cánh đồng Serengeti có một quang cảnh hùng vĩ là miệng núi lửa Ngorongoro đã tắt, nằm ở độ cao 2.286 km, đường kính từ 15 – 20 km. Những khai quật tại khu di tích hóa thạch của hẻm núi Olduvai về phía Tây miệng núi lửa Ngorongoro đã phát hiện ra những kỳ tích hóa thạch của các loài động vật và tổ tiên của loài người, nhất là Homo sapiens (Người khéo tay), cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về những bước tiến hóa đầu tiên của loài người.
Năm 1940, Serengeti đã trở thành một khu vực được bảo vệ. Năm 1951, nơi đây đã trở thành vườn quốc gia bao gồm các miệng núi lửa Ngorongoro. Đặc biệt, vào năm 1981, UNESCO đã công nhận Vườn quốc gia Serengeti là Di sản thiên nhiên thế giới.